Xây dựng Đà Nẵng thành thành phố khởi nghiệp

21.19

Nhân ngày ra mắt vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng, TS. Võ Duy Khương – Chủ tịch Hội đồng điều phối mạng lưới khởi nghiệp thành phố Đà Nẵng đã có những chia sẻ những trăn trở trong việc xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố khởi nghiệp.


Trong những năm qua, thành phố Đà Nẵng đã triển khai nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp. Các chương trình, chính sách của thành phố đã tạo điều kiện, góp phần quan trọng cho cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn và phát triển. Tuy nhiên, để tạo nên một sức bật mới, mang tính bước ngoặt trong phát triển cộng đồng doanh nghiệp ở giai đoạn tiếp theo, Đà Nẵng cần phải có hướng đi mới, một tầm nhìn dài hạn hơn.
Một trong những hướng đi mới đó là tạo dựng được một văn hóa khởi nghiệp, thúc đẩy hoạt động sáng tạo và khởi nghiệp trong các tầng lớp dân cư, đặc biệt là đối với các bạn trẻ. Những câu chuyện thành công trong hỗ trợ khởi nghiệp của các quốc gia như Mỹ, Israel, Singapore…đã tiếp thêm cho Đà Nẵng động lực và những kinh nghiệm trên con đường sáng tạo, tìm tòi hướng đi mới.

Từ câu chuyện khởi nghiệp của Israel

Ngày nay, khi nói về Israel, người ta gọi đó là “Quốc gia khởi nghiệp”. Nhưng tại sao lại gọi là Quốc gia khởi nghiệp? Israel là một quốc gia non trẻ mới được thành lập 60 năm với khoảng 8 triệu dân, và liên tục chịu chiến tranh với các quốc gia láng giềng bởi những khác biệt về tôn giáo, các vấn đề về lịch sử kể từ ngày thành lập đến nay. Một đất nước không có tài nguyên thiên nhiên, ngay đến cả nước ngọt cũng là thứ quý hiếm lại có thể có số lượng các công ty khởi nghiệp nhiều hơn bất kỳ một quốc gia phát triển nào như Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Canada, Anh Quốc…

Điều này bắt nguồn từ khủng hoảng kinh tế của Israel vào những năm 80 của thế kỷ 20. Lạm phát khi đó lên đến 400%, kinh tế Israel đứng trên bờ vực thẳm. Để thoát khỏi khủng hoảng, chính phủ Israel đã triển khai Chương trình bình ổn kinh tế vào năm 1985 với mục tiêu vực dậy nền kinh tế và tìm lại động lực tăng trưởng, phát triển kinh tế. Chính phủ Israel đã phát động phong trào đổi mới thông qua đầu tư vào lĩnh vực khoa học, công nghệ, nghiên cứu và phát triển nhằm tận dụng tối đa nguồn nhân lực của gần một triệu dân Do Thái di cư từ Liên bang Xô Viết về.

Đến năm 2010, Israel đã có gần 4 ngàn công ty khởi nghiệp đang hoạt động, xuất khẩu công nghệ cao đạt gần 19 tỷ USD, chiếm hơn 45% kim ngạch xuất khẩu của Israel.

CEO kiêm Chủ tịch Google, Eric Schmidt nói rằng Mỹ là điểm đến số một cho các doanh nghiệp, nhưng “sau Mỹ, Israel là nơi tốt nhất” .

Một trong nhiều yếu tố quyết định để Israel được gọi là quốc gia khởi nghiệp đến từ những quyết sách mạnh mẽ và đầy dũng cảm của chính phủ, đó là ngành đầu tư mạo hiểm và chương trình vườn ươm công nghệ. Chính phủ Israel xác định đầu tư mạo hiểm là đầu tư tài chính cho các công ty khởi nghiệp trong giai đoạn khởi đầu với nhiều tiềm năng đầy hứa hẹn nhưng cũng đầy rủi ro và xem như khoản đầu tư này có thể mất. Còn chương trình vườn ươm công nghệ của Israel thực sự mà nói là rất thành công và đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực công nghệ cao, từ sáu vườm ươm công nghệ vào lúc ban đầu (1991), nay đã có 24 vườn ươm trên khắp đất nước Israel. Các vườm ươm này được gọi “Silicon Wadi”, đứng thứ hai chỉ sau “Silicon Valley” của Mỹ.

Theo nhà nghiên cứu Đặng Hoàng Xa, trong cuốn sách “Quốc gia khởi nghiệp”, các tác giả Senor và Singer đã tìm thấy một tính cách khá hấp dẫn trong văn hóa người Do Thái đằng sau khái niệm “quốc gia khởi nghiệp”. Đấy là đặc tính có nghĩa “cả gan”, “liều lĩnh” và đối với người Do Thái, “văn hóa tranh cãi” và “sự không hài lòng với hiện tại” chính là động lực thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội.

Vì sao lại cần xây dựng Đà Nẵng- thành phố khởi nghiệp?

Từ câu chuyện khởi nghiệp của Israel với nhiều quyết sách, bước đi đúng đắn của Chính phủ để trở thành một Quốc gia khởi nghiệp mà ở đó trong sâu xa ẩn chứa các đặc trưng về văn hóa “tranh cãi”, mà chúng ta cũng tìm thấy một phần nào sự tương đồng về văn hóa và tính cách đó với người Quảng Nam – Đà Nẵng.

Để nói thêm một chút về đặc điểm “hay cãi” của người Quảng, xin trích lời của cố nhà văn Nguyễn Văn Xuân “Người Quảng Nam không giống đồng bào ta ở nhiều tỉnh là ít nặng về cảm tính mà nặng về lý tính. Do nặng suy tư muốn tìm ra lẽ phải cuối cùng (mà ít khi đạt được), người Quảng Nam hay bàn luận và thiên về bàn luận có khi đến xô xát, quyết liệt dầu phải dẫn tới mất mát quyền lợi quan trọng nhất đời” (Sức sống văn hóa xứ Quảng, Nxb Hội Nhà văn, 2011). Sự cãi này thể hiện bản tính cương trực, thẳng thắn và một tinh thần ham học hỏi, chịu thương, chịu khó của con người Quảng Nam Đà Nẵng như câu ca dao:

“Muốn no thì phải chăm làm,

Một hạt lúa vàng, chín giọt mồ hôi”

Không những vậy, ngày nay Đà Nẵng còn đang vươn lên thành một động lực phát triển và trung tâm kinh tế-xã hội của cả khu vực miền Trung. Là cửa ngõ quốc tế thứ ba của cả nước, một thành phố được nói đến với những cách làm năng động, đầy sáng tạo để dựng xây một Đà Nẵng phát triển, văn minh và hiện đại.

Ngược dòng lịch sử một chút nữa để thấy thêm rằng Đà Nẵng từ rất sớm đã là nơi hội tụ của câu chuyện khai khẩn, lập nghiệp, giao thương buôn bán và khởi nghiệp. Từ hơn 500 năm trước, trên hành trình mở mang bờ cõi về phương Nam, những cư dân đầu tiên đã đến Đà Nẵng khai khẩn, lập nghiệp. Vào đầu thế kỷ 18, Đà Nẵng là cửa ngõ giao thương với phương Tây, những tàu buôn Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha tấp nập đến Đà Nẵng giao thương, buôn bán. Từ đó cũng đã hình thành một lớp doanh nhân, những tiệm buôn mà dấu tích ấy đến ngày nay vẫn còn.

Có thể nói với tất cả những yếu tố về lịch sử, văn hóa và tính cách, Đà Nẵng hội tụ trong mình những điều kiện thuận lợi để chắp cánh cho những ý tưởng sáng tạo, khát vọng làm giàu một cách chính đáng của các doanh nghiệp, nhà đầu tư

Trên thực tế, hoạt động khởi nghiệp ở thành phố Đà Nẵng trong những năm qua đã diễn ra khá sôi động, hàng loạt công ty, mô hình hoạt động kinh doanh được hình thành từ ý tưởng của các bạn trẻ. Năm 2015 là năm các hoạt động hỗ trợ cho phong trào khởi nghiệp tại thành phố Đà Nẵng bùng nổ với trên 25 sự kiện liên quan đến hoạt động khởi nghiệp, cùng với sự xuất hiện của chương trình “ 100 hạt giống Doanh Nhân”, Vườn ươm khởi nghiệp và sáng tạo CIT – Lotus Hub của Trường Cao đẳng CNTT Đà Nẵng, Câu lạc bộ Kiến tạo Khởi nghiệp Đà Nẵng (9StartLab), câu lạc bộ khởi nghiệp trường Đại học Bách Khoa và Đại học Duy Tân…, và hiện nay là sự ra đời của Vườn ươm doanh nghiệp thành phố.

Tuy vậy, thực tiễn hoạt động trong thời gian qua cũng chỉ ra rằng hoạt động khởi nghiệp, các hoạt động ươm tạo đang gặp rất nhiều khó khăn về không gian làm việc, tài chính, truyền thông, pháp lý… Điều này đòi hỏi cần phải có sự đầu tư mạnh mẽ hơn nữa của chính quyền thành phố để có thể kết nối các nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi để ươm tạo các ý tưởng khởi nghiệp, đồng thời định hướng và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp trong các tầng lớp dân cư. Câu chuyện khởi nghiệp của đất nước Israel với vai trò quyết định của chính phủ chính là minh chứng cụ thể nhất.

Kinh nghiệm quý báu của đất nước Israel và các nước có hoạt động khởi nghiệp phát triển đã được chính quyền thành phố nghiên cứu bước đầu và có những vận dụng phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Đó là việc thành lập Hội đồng điều phối mạng lưới khởi nghiệp thành phố với nhiều thành phần gồm các cơ quan chính quyền, các Trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp khởi nghiệp thành công, các chuyên gia khởi nghiệp…

Đó cũng còn là việc thành lập Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng hoạt động dưới mô hình công ty có vốn góp của nhiều thành viên, trong đó có vốn từ nguồn gốc ngân sách (Quỹ Đầu tư phát triển), vốn của các doanh nghiệp cổ phần, doanh nghiệp tư nhân và vốn của một số doanh nhân… Một vườn ươm doanh nghiệp thành phố với quy mô và thành phần đầu tư ban đầu như vậy tuy còn rất khiêm tốn nếu so với các quỹ đầu tư mạo hiểm trên thế giới.

Nhưng ở đó là tất cả những kỳ vọng và sự đồng hành cùng chính quyền thành phố của các doanh nghiệp, nhà đầu tư để ươm tạo, phát triển các ý tưởng kinh doanh, phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động với hiệu quả cao trong tương lai gần, góp phần quyết định cho phát triển kinh tế thành phố.

Những bước đi đầu tiên hôm nay về một thành phố khởi nghiệp dẫu còn nhiều gian nan và đầy thách thức ở phía trước, nhưng chúng ta hoàn toàn có quyền hy vọng và đầy đủ niềm tin Đà Nẵng trở thành một thành phố khởi nghiệp với sự đầu tư, định hướng nhất quán là xác định mục tiêu phát triển doanh nghiệp, phát triển cộng đồng khởi nghiệp là ưu tiên hàng đầu trong chương trình phát triển kinh tế của chính quyền thành phố.

Võ Duy Khương
Chủ tịch Hội đồng điều phối mạng lưới khởi nghiệp TP Đà Nẵng