Đó là phát biểu của Phó chủ tịch VCCI Bùi Trung Nghĩa tại Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Hội đồng Tư vấn và Hỗ trợ Khởi nghiệp phía (Hội đồng), sáng nay, ngày 24/2.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Bùi Trung Nghĩa cho biết, Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia do VCCI chỉ đạo, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức thường niên từ năm 2002. Trải qua hơn 20 năm, Chương trình đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của các bộ, ban ngành cùng các địa phương, các trường Đại học, Cao đẳng và các doanh nghiệp trên toàn quốc. Trên hành trình hơn 20 năm ấy, gần nửa thời gian cũng đã có sự đồng hành của Hội đồng Tư vấn và Hỗ trợ Khởi nghiệp phía Nam.
Theo Phó chủ tịch VCCI Bùi Trung Nghĩa, ý tưởng thành lập Hội đồng được đề xuất ngay sau khi khóa đào tạo giảng viên nguồn khởi nghiệp TOT đầu tiên do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức vào cuối năm 2013. Với mục đích xây dựng đội ngũ giảng viên dạy khởi nghiệp cho khu vực phía Nam, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã trình Chủ tịch VCCI về xuất thành lập Hội đồng Tư vấn và Hỗ trợ Khởi nghiệp phía Nam mà nòng cốt là các giảng viên trường đại học/cao đẳng và các doanh nhân tham gia khóa học. Từ đề xuất này, ngày 13/2/2014, Chủ tịch VCCI đã ký Quyết định số 2046/2014/PTM- DĐDN về việc thành lập Hội đồng.
“Với sứ mệnh “Ươm mầm khát vọng doanh nhân” và hoạt động nhằm mục đích xây dựng đội ngũ doanh nhân trẻ kế thừa cho đất nước, tôi đánh giá cao những kết quả mà Hội đồng đã đạt được trong 10 năm qua (2014 – 2024). Kết quả không chỉ nằm ở những con số hàng trăm các hoạt động gồm các chương trình và khóa đào tạo khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dành cho sinh viên, giảng viên nguồn; các buổi giao lưu với doanh nhân thành đạt mà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp của các thành viên của Hội đồng. Đó còn là số giờ công làm việc mà các thành viên Hội đồng không nhận thù lao (20.000 giờ/50.800 giờ); các doanh nhân trong Hội đồng đã đóng góp công sức, hiện vật, tài chính; sự tham gia đông đảo của các lớp sinh viên – thanh niên, giảng viên, doanh nhân. Những nỗ lực đó đã góp phần vào việc xây dựng lực lượng doanh nhân mới có trí tuệ, bản lĩnh và sự kiên cường để thành công của nước ta”, Phó Chủ tịch VCCI Bùi Trung Nghĩa đánh giá.
Cũng theo Phó chủ tịch VCCI Bùi Trung Nghĩa, Nghị quyết 41/NQ-TW mới đây của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ Doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới đã nêu rõ “Đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế; xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh”. Nghị quyết 41 đã đề ra nhiệm vụ phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh ngang tầm mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong thời kỳ mới, trong đó có đề cập nhiệm vụ quan trọng đó là “khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong toàn xã hội, nhất là trong các lĩnh vực mới, trong thế hệ trẻ”.
Dẫn nhận định từ Báo cáo Khởi nghiệp toàn cầu năm 2023-2024, Phó chủ tịch VCCI Bùi Trung Nghĩa cho biết, trong Báo cáo có nhận định, mặc dù có sự cải thiện về đào tạo về khởi nghiệp trong các trường Đại học, nhưng vẫn được đánh giá thấp. Trong tổng số hơn 50 quốc gia tham gia cung cấp thông tin cho khảo sát toàn cầu này, có hơn 30 nước được đánh giá, việc đào tạo cho lực lượng sinh viên trong các trường Đại học, các tổ chức giáo dục về cách thức kinh doanh nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu. Và chỉ có 5 quốc gia được đánh giá là đạt yêu cầu.
Báo cáo cũng cho biết, các doanh nhân mới đều có sự cam kết và thấu hiểu hơn đối với việc đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc. Cam kết thực hiện các hoạt động để đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường và cải thiện các tác hại của môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Các doanh nhân mới cũng được đánh giá là được ưu tiên các hoạt động về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Theo Phó chủ tịch VCCI Bùi Trung Nghĩa, trong quá trình hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp thay đổi công nghệ, tăng năng suất, cũng như làm thế nào để tiếp cận được khách hàng nhiều hơn, bằng công nghệ, chuyển đổi số…cũng đã nhận ra một số vấn đề như nhiều doanh nghiệp mới chỉ đơn giản là sao chép các cách làm cũ để cung cấp các sản phẩm hàng hóa hiện có bằng các quy trình và công nghệ quen thuộc. Đây là những thực tế đã được phát hiện ra từ việc khảo sát thị trường.
“Các doanh nhân khởi nghiệp cũng được đánh giá là có khả năng chống chịu và khả năng phục hồi lớn hơn. Đây cũng là tinh thần doanh nghiệp rất quan trọng, dám chấp nhận thất bại và dám đứng dậy để tiếp tục sự nghiệp khởi nghiệp khi đã đủ điều kiện để tiếp tục khởi nghiệp lại. Đây cũng là một đặc điểm quan trọng để các doanh nghiệp thành công”, Phó chủ tịch VCCI Bùi Trung Nghĩa chia sẻ.
Đồng thời, để đánh giá lại những hoạt động và đóng góp tích cực, và đầy nhiệt huyết của các thành viên của Hội đồng trong suốt 10 năm qua cũng như trao đổi, chia sẻ về những định hướng hoạt động của hội đồng trong tời gian tới. Phó chủ tịch VCCI Bùi Trung Nghĩa đã đóng góp một số ý kiến đối với các hoạt động của Hội động trong giai đoạn tới.
Một là, với sứ mệnh ươm mầm doanh nghiệp và tầm nhìn phát triển hệ sinh thái uy tín và có sức lan tỏa hàng đầu Việt Nam, Hội đồng tiếp tục triển khai các hoạt động đúng với tôn chỉ, mục đích và hướng tới trở thành một thành tố tích cực, hiệu quả trong hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia, hệ sinh thái của khu vực phía Nam và tiếp tục có các hoạt động cụ thể thiết thực cho các hoạt động khởi nghiệp trong các trường đại học và tổ chức giáo dục ở khu vực phía Nam và trên cả nước.
Hai là, Hội đồng và các thành viên tiếp tục nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy, không ngừng cập nhật thông tin, nâng cao và chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về hoạt động khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho các thành viên tham gia Hội đồng…Và đặc biệt là giữ được ngọn lửa của sự nhiệt huyết đối với các hoạt động đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ và thúc đẩy khởi nghiệp trong các thành viên của Hội đồng.
Ba là, rà soát và kiện toàn bộ máy và cơ chế hoạt động của Hội đồng trong giai đoạn tới đây theo hướng tiếp tục mở rộng mạng lưới và khuyến khích sự tham gia, đóng góp của các thành viên, chuyên gia của Hội đồng để tạo nguồn lực mới về tri thức, kinh nghiệm và cùng với đó là khả năng kết nối của Hội đồng. Tổ chức hoạt động hội đồng theo các chức năng chuyên sâu hơn, phát huy tốt nhất những thế mạnh của các thành viên Hội đồng để tập trung ưu tiên hỗ trợ cộng đồng triển khai như: khởi nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khởi nghiệp hướng đến phát triển bền vững, khởi nghiệp trong các ngành du lịch – giáo dục – y tế, khởi nghiệp tạo tác động xã hội, khởi nghiệp liêm chính …
Bốn là, kết nối và thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư của các doanh nghiệp, nhà đầu tư; sự tham gia của các chuyên gia, tài năng trẻ, các doanh nhân thành công, các giảng viên nguồn và mạng lưới các cố vẫn khởi nghiệp để thúc đẩy và tăng tốc cho các mô hình – dự án, khởi nghiệp, chú trọng đầu tư không gian làm việc chung, thúc đẩy thương mại hóa các kết quả nghiên cứu trong trường đại học/cao đẳng và kết quả nghiên cứu của các giảng viên/chuyên gia…
Năm là, xây dựng văn hóa khởi nghiệp, tinh thần khởi nghiệp cho các bạn sinh viên – thanh niên thế hệ trẻ Việt Nam theo đúng tinh thần Nghị quyết 41: “Hoàn thiện và vận động đội ngũ doanh nhân phấn đấu thực hiện chuẩn mực đạo đức, văn hoá kinh doanh, gắn với bản sắc dân tộc và tiếp cận được tinh hoa văn hoá kinh doanh thế giới”. Trong đó đặc biệt chú trọng trách nhiệm tuân thủ pháp luật, chuẩn mực đạo đức kinh doanh và thực hiện kinh doanh có trách nhiệm. Trong hai năm vừa qua, VCCI đã công bố và phát động thực hiện 6 quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam, đây cũng là nội dung quan trọng mà VCCI chú trọng thực hiện nhằm hình thành và xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam trong thời kỳ mới.
Sáu là, bên cạnh những hoạt động tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật, Hội đồng cũng cần chú trọng đến việc tổng kết thực tiễn để có thể đề xuất những kiến nghị, giải pháp tới các bộ, ngành, cơ quan quản lý, chính quyền địa phương về các vấn đề chính sách phát triển kinh tế, doanh nghiệp, khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo và đặc biệt là việc cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động thuận lợi, trong đó có các doanh nghiệp khởi nghiệp và việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp để đồng hành và hỗ trợ cộng đồng này.
Bảy là, tăng cường sự phối kết hợp trong việc triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp với Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp- đơn vị thường trực triển khai Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia và với các hiệp hội/ tổ chức của doanh nghiệp để cùng phối hợp hiệu quả các hoạt động hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp.
***Nguồn: https://diendandoanhnghiep.vn/