3 chữ “F” đó là: friends (bạn bè), family (gia đình) và fools (tạm gọi là những kẻ ngốc đồng ý đưa tiền cho mình).
Ông Đỗ Hoài Nam – Chủ tịch Không gian làm việc chung Up đã nói vui như vậy khi trả lời câu hỏi “vốn khởi nghiệp ở đâu ra?” trong buổi tọa đàm “Start-up – Từ ý tưởng đến hiện thực” diễn ra sáng ngày 18/3 trong khuôn khổ cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp sinh viên lần thứ nhất do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức.
Nhà đầu tư thiên thần này khuyên các bạn trẻ khi đã có ý tưởng, hãy đi tìm những người tin tưởng vào con người mình, chứ không chỉ là tin vào ý tưởng kinh doanh. “Chúng tôi vẫn nói với nhau rằng cuối cùng con người vẫn là quan trọng nhất. Hãy đi tìm những người tin tưởng vào con người các bạn. Đừng mất thời gian với những người không tin”.
Ông cũng cho rằng thời sinh viên là thời điểm rất tuyệt vời để khởi nghiệp, bởi các bạn chưa có gì để mất. “Những thứ như thời gian, công sức mà các bạn đầu tư vào – tôi không nghĩ rằng những cái đó gọi là mất đi. Đó là chúng ta đánh đổi để chúng ta tiến bộ hơn, để một ngày nào đó chúng ta có thể làm được những điều to lớn hơn, tạo ra nhiều của cải và giá trị cho xã hội hơn. Bất kể thời điểm nào trong cuộc đời nếu muốn khởi nghiệp, chúng ta đều phải đánh đổi. Sinh viên vẫn là thời điểm chúng ta mất ít nhất”.
Lê Nguyễn Hoài Thương, sinh viên ĐH Yersin Đà Lạt, tác giả dự án “Nuôi heo bằng trà xanh” xin ý kiến các nhà đầu tư về vấn đề của nhóm mình trong một dự án khác mà nhóm đang thực hiện: muốn phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nhưng hướng đi này lại chưa thành công do thiếu sức cạnh tranh trên thị trường Đà Lạt, trong khi đó doanh thu lại đến từ khách du lịch đến tham quan. Thương cho rằng nhóm mình đang đi sai đường và chưa tìm được cách tháo gỡ.
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Hồng Trường – Phó Chủ tịch Qũy đầu tư mạo hiểm IDG Ventures Vietnam – khẳng định: “Điều đó rất bình thường. Cho dù là đầu tư mạo hiểm hay đầu tư thiên thần, giữa phác thảo đầu tiên với sản phẩm cuối cùng phần lớn là không giống nhau. Đừng nghĩ rằng đó là thất bại, hay đang đi sai đường. Nếu như mình muốn làm nông nghiệp công nghệ cao mà lại thành du lịch sinh thái hay gì đó thì mình lại phải tự đặt câu hỏi: có đủ năng lực đi theo hướng đó hay không. Nhìn ở khía cạnh khác, điều đó lại giúp em kiếm được vốn để làm nông nghiệp công nghệ cao”.
Về vấn đề hỗ trợ cho sinh viên khởi nghiệp, ông Trường tâm đắc với mô hình của nhiều trường đại học lớn trên thế giới. Đó là coi các cựu sinh viên chính là tài sản quý giá nhất của trường, mang lại uy tín cho trường, và họ cũng chính là những người quay lại đóng góp cho trường và hỗ trợ các thế hệ sinh viên sau.
Kể câu chuyện của ĐH Passion – ngôi trường dạy khởi nghiệp hàng đầu của Mỹ, ông Trần Quang Hưng – Phó ban Thanh niên trường học Thành đoàn Hà Nội chia sẻ: “Ngày 17/3, toàn bộ hội đồng cố vấn của trường đã sang Việt Nam và có buổi chia sẻ về giáo trình dạy khởi nghiệp với đại diện một số trường như ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Ngoại thương”.
“Họ nói rằng có một số cách đưa khởi nghiệp vào chương trình học một cách tự nhiên. Khóa học không nhất thiết là yếu tố duy nhất. Cụ thể, ngay từ năm nhất trường đã cấp một số vốn nhất định, và để sinh viên đi ra ngoài tự làm dự án của mình trong một thời gian nhất định. Nếu dự án tốt sẽ được đưa vào vươn ươm của trường. Sinh viên thành công thì quay lại đóng góp cho trường. Tôi cho rằng đó là cách tạo văn hóa ủng hộ khởi nghiệp trong môi trường đại học”.
“Một thành viên cố vấn của trường có chia sẻ mà tôi rất tâm đắc: “Ở Passion, nếu bạn không thử sai thì các bạn không có lý do gì ở đây cả”.
Trả lời câu hỏi “hội sinh viên đã làm những gì để hỗ trợ cho sinh viên khởi nghiệp?”, ông Nguyễn Minh Triết – Trưởng ban Thanh niên trường học, Trung ương Đoàn cho biết: “Cuộc thi ngày hôm nay cũng là một ví dụ về sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Đoàn thanh niên, Hội sinh viên để thanh niên, sinh viên hội nhập”.
“Trong xu hướng hội nhập chung, thanh niên, sinh viên chúng ta không thể đứng ngoài. Trong thế giới phẳng, cạnh tranh không biên giới này mà chúng ta không bắt đầu xới xáo lên, tìm hiểu thông tin, hoàn thiện bản thân thì tôi e rằng chúng ta sẽ bị tụt hậu” – ông nói thêm.
Cụ thể, ông cho biết, TƯ Hội Sinh viên cũng đang định hướng chọn những nội dung rất cụ thể để bồi dưỡng, đào tạo, hỗ trợ sinh viên hội nhập. Ví dụ như TƯ Hội đang lắng nghe ý kiến, tham mưu để triển khai đề án Anh văn cho sinh viên, thanh niên Việt Nam – một kỹ năng nhất định phải có để có thể tự tin hội nhập, tham gia vào thị trường lao động thế giới.
Nói về thị trường khởi nghiệp ở Việt Nam dưới góc nhìn một nhà đầu tư, ông Đỗ Hoài Nam cho biết, hiện thị trường rất thiếu ý tưởng và con người để thực hiện ý tưởng, và đó cũng chính là cơ hội cho các bạn trẻ.
“Bọn anh đến đây không phải là vì ý tưởng, mà là để tìm những con người, những gương mặt sáng giá. Có thể bây giờ các em chưa thành công, nhưng tương lai sẽ thành công. Hi vọng các em ngồi đây hiểu được điều đó. Thi không phải để đạt giải. Thi là để có cơ hội lọt vào mắt xanh của nhà đầu tư, để tìm được những người đồng hành, cùng chia sẻ tầm nhìn với mình, tạo cơ hội cho mình trong tương lai” – ông nói.
“Các em hãy suy nghĩ, tự đặt câu hỏi mình thiếu cái gì. Rất ít công ty thành công với ý tưởng ban đầu. Việc thay đổi là bình thường khi mọi thứ thay đổi, từ con người, xã hội, kiến thức. Vì thế phải linh hoạt, đo lường thị trường, không ai có thể dạy được ai cả – đó là cái khó của khởi nghiệp”.
Theo Vietnamnet