VCCI đề nghị quỹ châu Á hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp

VCCI-de-nghi

Tại buổi làm việc với ông David Arnold – Chủ tịch Quỹ Châu Á diễn ra mới đây, TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI đã đề nghị Quỹ Châu Á hỗ trợ VCCI xây dựng hệ sinh thái Khởi nghiệp.


TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI (phải) trao đổi với lãnh đạo Quỹ Châu Á

Kể từ năm 2003 tới nay, VCCI đã triển khai 8 dự án với sự hỗ trợ của Quỹ Châu Á tại Việt Nam. Cụ thể là các dự án “ Thực tiễn tốt trong điều hành kinh tế cấp tỉnh” (thực hiện năm 2003- 2004); “ Xây dựng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)”, thực (hiện năm 2005 -2008); “Khảo sát động thái doanh nghiệp Việt Nam” (thực hiện năm 2009 – 2010); “Thực tiễn tốt trong điều hành kinh tế cấp tỉnh ở Việt Nam trong lĩnh vực công khai minh bạch và tiếp cận thông tin” (thực hiện năm 2009 – 2010); “Thúc đẩy sự hợp tác công tư trong quản lý rủi ro thiên tai cho doanh nghiệp” (thực hiện năm 2011 – 2016); “Doanh nghiệp Việt Nam và các NGOs: Quan hệ và nhu cầu hợp tác” (thực hiện năm 2012 – 2013); “ Hiệp hội doanh nghiệp họat động hiệu quả vì sự phát triển năng động và công bằng tại Việt Nam” (thực hiện năm 2014-2016) và “Tăng cường vai trò Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam trong phát triển định hướng một số lĩnh vực và thiết lập không gian chính sách cho doanh nghiệp” (thực hiện năm 2015 – 2016).

Những dự án nêu trên được đánh giá là có những tác động tích cực và quan trọng đối với sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Viêt Nam, tạo nền tảng quan trọng cho việc tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy những cải cách thể chế quan trọng tại Việt Nam. Điển hình là Dự án Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), dự án tập trung vào việc cải cách môi trường kinh doanh tại các tỉnh, thành phố tại Việt Nam.

Ngoài ra, các dự án còn được cho là có tác động lan tỏa tốt và mang tính tiên phong tại Việt Nam như PCI đã được nhiều bộ, ngành tham khảo để xây dựng các bộ chỉ số đánh giá riêng cho mình… Đặc biệt, PCI cũng đã được nhiều nước như Phillippines, Malaysia, Campuchia, Indonesia, Mông Cổ… tham khảo và áp dụng. Hay các dự án “Doanh nghiệp Việt Nam và các NGOs: Quan hệ và nhu cầu hợp tác”, “Thúc đẩy sự hợp tác công tư trong quản lý rủi ro thiên tai cho doanh nghiệp”… đã tạo tiền đề quan trọng để VCCI triển khải các hoạt động hỗ trợ sư phát triển của cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam.

Trên cơ sở của những dự án đã hợp tác thành công đã nêu, Chủ tịch VCCI đề nghị, Quỹ Châu Á tiếp tục hợp tác với VCCI trong nhiều hoạt động tiếp theo, đặc biệt là trong những lĩnh vực mới liên quan đến sự phát triển của doanh nghiệp. Cụ thể như: Đảm bảo quyền tự do kinh doanh thông qua nghiên cứu về các điều kiện kinh doanh tại Việt Nam và tham khảo kinh nghiệm quốc tế; Tăng cường năng lực vận động chính sách cho các hiệp hội doanh nghiệp; Thúc đẩy sự phát triển của thị trường dịch vụ phát triển kinh doanh thông qua đó tạo điều kiện để thực thi Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, dự kiến được ban hành trong thời gian tới; Xây dựng hệ sinh thái Khởi nghiệp thuận lợi, chú trọng tới việc “tăng tốc” và mở rộng quy mô doanh nghiệp sau giai đoạn đầu khởi nghiệp và việc khởi nghiệp của phụ nữ, dân tộc thiểu số. Ngoài ra, TS Vũ Tiến Lộc cũng mong muốn Quỹ Châu Á chia sẻ kinh nghiệm kinh nghiệp thực tiễn tốt mà các nền kinh tế khác đã làm để giúp đỡ doanh nghiệp.

Hoàng Sang