Văn hóa vùng miền “chìa khóa” cho khởi nghiệp dân tộc thiểu số

khoinghiepdantoc-640x343

Khởi nghiệp luôn luôn cần một hướng đi đúng đắn ngay từ ban đầu để tạo bàn đạp cho sự phát triển. Nét văn hóa đặc thù của từng dân tộc chính là chiếc “chìa khóa” tạo bàn đạp cho khởi nghiệp vùng dân tộc thiểu số (DTTS).


Hướng đi nào?

Phát huy tiềm năng nội lực sẵn có của đất nước trong đó có bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc, vùng, miền chính là hướng đi khởi nghiệp đúng đắn nhất cho đồng bào vùng DTTS hiện nay.

Tính đặc thù trong văn hóa của mỗi dân tộc là nét văn hóa độc đáo, chứa đựng những giá trị truyền lại từ đời này sang đời khác và không có sự sao chép, trùng lặp giữa các dân tộc. Phát huy được sự độc đáo này, các dự án khởi nghiệp vùng DTTS sẽ có được hướng đi lâu dài, tận dụng các giá trị văn hóa sẵn có để quảng bá, giới thiệu cho các loại hình du lịch mới như du lịch trải nghiệm, du lịch khám phá… Đây là những loại hình du lịch sẽ thay thế cho các loại hình du lịch truyền thống như tour ngắm cảnh, tour giới thiệu bán các sản phẩm.

Tại sao lại lựa chọn ngành nghề kinh doanh mang tính đặc thù văn hóa? Bởi đồng bào DTTS hiện nay đang bị mai một dần các bản sắc văn hóa truyền thống, thế hệ đi trước ra đi mà không thể truyền thụ được những bản sắc văn hóa của dân tộc mình cho con cháu, bởi họ không chịu tiếp thu, không thấy được cái giá trị của dân tộc mình.

Kinh doanh văn hóa đặc thù mang lại nhiều lợi ích như: đồng bào bảo toàn, phát huy và truyền lại được bản sắc văn hóa của dân tộc mình; các sản phẩm nguồn gốc thiên nhiên do đồng bào sản xuất đang là xu hướng được mọi người ưu chuộng sử dụng, do lo ngại ung thư từ các sản phẩm hóa chất. Từ đó, giúp đồng bào cải thiện kinh tế, thoát khỏi đói nghèo để phát triển bền vững.

Mô hình kinh doanh hiện nay là mô hình hợp tác xã và có hai dạng: kinh doanh độc lập hoặc liên kết kinh doanh. Với mỗi mô hình kinh doanh, đều có những ưu và nhược điểm khác nhau. Với mô hình kinh doanh độc lập đồng bào có được lợi thế tự chủ hoàn toàn trong quá trình sản xuất kinh doanh, tự chủ về kinh tế. Tuy nhiên, lại có nhược điểm đó là đồng bào sẽ khó tìm đầu ra cho sản phẩm ở dưới xuôi, nói cách khác là tìm thị trường tiêu thụ. Mô hình kinh doanh liên kết, có mặt lợi là đồng bào không phải lo tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm, dễ dàng tiếp thị, quảng bá sản phẩm được chuyển giao công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại, được doanh nghiệp đào tạo bài bản. Còn mặt bất lợi là do có khoảng cách về mặt văn hóa, tập quán cũng như tính cách giữa người miền xuôi với người miền ngược nên sẽ xảy ra những mâu thuẫn khách quan và chủ quan trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Thay đổi để phát triển

Hội thảo chuyên đề “Khởi nghiệp cho đồng bào dân tộc thiểu số – Chính sách, thực tiễn và các mô hình hợp tác” ông Hà Việt Quân, Tổ trưởng Tổ công tác 569, UBDT Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Hợp tác quốc cho biết từ trước đến nay, các chế độ chính sách của Chính phủ chủ yếu chỉ tập chung vào xóa đói giảm nghèo cho cho DTTS. Tuy nhiên, sau một thời gian đi vào triển khai, đã lộ ra một số bất cập không còn phù hợp với tình hình kinh tế xã hội hiện nay.

Tại hội thảo ông Hà Việt Quân cũng nêu ra những vấn đề bất cập như: Đối với đồng bào DTTS hiện nay chúng ta đang tập trung hỗ trợ an sinh xã hội, phúc lợi cho các hộ nghèo nhưng đây lại là những sự giúp đỡ không mang lại giá trị gia tăng, không giúp họ thoát được cảnh nghèo khó. Trong khi đó phần đông đồng bào DTTS không trong diện hộ nghèo thì chúng ta lại bỏ ngỏ, đây lại là đối tượng cần được hỗ trợ để khởi nghiệp, để phát triển, tạo nguồn thu nhập, tạo công ăn việc làm. Để từ đó, họ làm giàu cho chính mình và tạo công ăn việc làm cho dân tộc mình. Vì vậy, chúng ta cần đổi mới chính sách, hay nói theo cách của ông Hà Việt Quân là phải thay đổi từ chính sách giảm nghèo thành chính sách tăng giàu.

Cũng tại hội thảo, Th.S Phạm Hoàng Ngân, thành viên Tổ công tác 569, Ủy ban Dân tộc, chúng ta hiện nay có rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật, chính sách hỗ trợ, chính sách tín dụng, chính sách trợ giúp pháp lý, nhưng không có một nội dung cụ thể nào hướng đến mục tiêu “ Hình thành đội ngũ doanh nhân, phát triển doanh nghiệp là người các DTTS”. Khiến cho các doanh nghiệp khởi nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn, sự hỗ trợ, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, tiếp thị và quảng bá sản phẩm .

Rào cản trong cơ chế, chính sách không phù hợp với tình hình thực tiễn không chỉ ở riêng các doanh nghiệp khởi nghiệp là đồng bào DTTS mà còn ở doanh nghiệp đã và đang phát triển gặp phải.

Vậy phải làm thế nào để khắc phục được những rào cản này? Những người làm chính sách, cơ chế phải trực tiếp xuống tiếp xúc với đồng bào, các hợp tác xã vùng DTTS để nắm bắt được những gì họ đang cần được hỗ trợ, đón nhận những ý kiến đóng góp thực tiễn để sửa đổi cơ chế, chính sách cho phù hợp, tạo lòng tin và điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển bền vững.

Nguyễn Long