Tỷ lệ các doanh nghiệp tham gia tuyển dụng thông qua công tác đào tạo nhân lực tại trường Đại học ở Việt Nam trong nhóm thấp nhất Châu Á..
Mới đây, theo dự thảo của Đề án hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp đang được Bộ GDĐT soạn thảo và trình Chính phủ quyết định, báo cáo của 120 trường đại học, 115 trường cao đẳng thì hoạt động khởi nghiệp và hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp tại các nhà trường hầu như chưa được triển khai.
Các hoạt động tư vấn việc làm, hướng nghiệp cho sinh viên ở các trường đại học hiện nay còn khiêm tốn, tỷ lệ trường đại học trên số doanh nghiệp tại Việt Nam là rất nhỏ so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Việt Nam chỉ hơn Lào và thua 9 nước còn lại, mặc dù dân số nước ta đông vào hàng thứ hai trong khu vực. Tỷ lệ sinh viên thực tập tại các doanh nghiệp và các doanh nghiệp tham gia tuyển dụng thông qua công tác đào tạo nhân lực tại trường đại học ở Việt Nam là thấp nhất khu vực Châu Á.
Theo một khảo sát, có đến 66,6% sinh viên Việt Nam hiện nay chưa hề biết đến các hoạt động khởi nghiệp. Số lượng sinh viên biết đến các chương trình khởi nghiệp chỉ đạt 33,4% và thực tế số lượng sinh viên hàng năm tham gia các chương trình khởi nghiệp do VCCI khởi xướng chỉ đạt 0.016%.
Có đến 62% sinh viên được hỏi cho rằng các hoạt động khởi nghiệp hiện nay đang mang tính phong trào, chưa thực sự hiệu quả. Tuy nhiên, khi hỏi về khả năng kinh doanh có đến 89% sinh viên cho rằng bản thân có khả năng kinh doanh và 80% sinh viên có ý định sẽ tham gia các hoạt động kinh doanh sau khi tốt nghiệp. Cơ hội khởi nghiệp từ kinh doanh của sinh viên hiện nay có đến 61% đến từ phía gia đình, 21% từ bạn bè và 18% đến từ các nơi khác.
Nhu cầu cần hỗ trợ đối với các hoạt động khởi nghiệp
78% sinh viên mong muốn nhận được các hoạt động hỗ trợ từ bậc học trung học phổ thông, 22% cho rằng cần nhu cầu hỗ trợ từ bậc đại học. Có đến 66% sinh viên cho rằng cần đưa kỹ năng khởi nghiệp thành một môn học riêng, 34% cho rằng nên lồng ghép vào các môn học khác. 88% số lượng sinh viên được hỏi cho rằng trong các nhà trường cần có các trung tâm hoặc vườn ươm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp. Sinh viên mong muốn được tham gia các khóa đào tạo kỹ năng về khởi nghiệp, được tham gia các sân chơi, các hoạt động trải nghiệm thực tế tại các cơ quan, doanh nghiệp để hình thành ý tưởng và mong muốn các ý tưởng của mình được hỗ trợ ươm tạo, hoàn thiện.
Một nghịch lý tồn tại: Thông thường khởi nghiệp gắn với sáng tạo và một trong những đối tượng chính của khởi nghiệp quốc gia là giới trẻ, sinh viên. Trong khi, nghiên cứu của các học giả nước ngoài về khoa học giáo dục chỉ ra rằng, chỉ số PISA của học sinh Việt Nam (2016) rất cao, xếp thứ 8 về Khoa học, thứ 22 về môn Toán và thứ 32 về môn Đọc hiểu trong số 72 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên tỷ lệ học sinh, sinh viên Việt Nam biết và tham gia khởi nghiệp ở trong nhóm thấp nhất.
Xu hướng và kinh nghiệm
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang đòi hỏi các nước phải có nền giáo dục tương ứng, trong đó các môn học mang tính chuyên ngành đang được thúc đẩy để kết nối người dạy, người sử dụng nhân lực và người học, đồng thời kết nối nhiều học viên trong các ngành khác nhau hướng tới hệ sinh thái bền vững mà trong đó sự hình thành các doanh nghiệp trong trường đại học đáp ứng yêu cầu này.
Khởi nghiệp chính là thước đo thành công của một Chính phủ kiến tạo, người dân và giới trẻ khởi nghiệp càng nhiều thì nền kinh tế càng năng động, chất lượng nguồn nhân lực càng được nâng cao. Và đã đến lúc, sinh viên Việt Nam cần thắp lên “ngọn lửa” khởi nghiệp và cháy trong kỷ nguyên mới.
Minh Hoàng