Tín dụng cho khởi nghiệp: Đừng để là mỹ từ

startup

TP.HCM là địa phương đi đầu trong cả nước bàn đến việc xây dựng cơ chế tiếp cận tín dụng cho các dự án sau khi hàng loạt các địa phương đã ký cam kết hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, bao gồm cả hoạt động khởi nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 35 của Chính phủ.


Từ năm 2017, các ngân hàng tại địa bàn TP.HCM sẽ tham gia vào chương trình lập ra gói tín dụng riêng dành cho DN khởi nghiệp. Đây là thông tin được ông Nguyễn Hoàng Minh – Phó giám đốc NHNN, chi nhánh TP.HCM cho biết tại buổi hội thảo về DN khởi nghiệp diễn ra mới đây.

Trước đó, đại diện Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cho biết sẽ công bố quy trình hỗ trợ các dự án khởi nghiệp để các doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn từ quỹ hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp 1.000 tỉ đồng. Mục tiêu đề ra đến năm 2020 TP.HCM sẽ hỗ trợ cho 2.000 dự án khởi nghiệp. Hiện tại, TP.HCM đã nhận được 200 dự án khởi nghiệp đăng ký hồ sơ xin hỗ trợ.

UBND TP đã ban hành quy chế hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Theo đó, kinh phí hỗ trợ tối đa cho 1 dự án khởi nghiệp là 2 tỷ đồng với điều kiện là dự án thuộc 4 ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí, điện tử – công nghệ thông tin, hóa chất – nhựa – cao su, chế biến tinh lương thực thực phẩm), công nghiệp hỗ trợ và các nhóm ngành dịch vụ (tài chính – ngân hàng – bảo hiểm, thương mại, du lịch, vận tải, cảng và kho bãi, bưu chính – viễn thông – truyền thông, kinh doanh tài sản bất động sản, tư vấn, khoa học công nghệ, y tế – giáo dục – đào tạo).

TP.HCM là địa phương đi đầu trong cả nước bàn đến việc xây dựng cơ chế tiếp cận tín dụng cho các dự án sau khi hàng loạt các địa phương đã ký cam kết hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, bao gồm cả hoạt động khởi nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 35 của Chính phủ.

Đây là vấn đề được các Startup đề cập rất nhiều nhưng đến thời điểm vẫn chưa có một cơ chế, giải pháp rõ ràng.

Bản thân ông Nguyễn Hoàng Minh cũng thừa nhận: Đúng là doanh nghiệp khởi nghiệp có nhiều ý tưởng mới lạ, đa dạng, có cả những ý tưởng mở ra thị trường mới hay dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ cao. Tuy nhiên, đa phần vẫn là những dự án được lập ra bởi những người thiếu kinh nghiệm. Nghĩa là mức độ rủi ro và sự thành công của những dự án này không đo đếm được.

Hầu hết các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng không có tài sản thế chấp. Ý tưởng khởi nghiệp lại không phải là tài sản đảm bảo nợ vay. Còn ngân hàng thường chỉ xét cho vay tín chấp với những doanh nghiệp lớn, có lịch sử tín dụng tốt và làm ăn hiệu quả.

Đáng chú ý là bản thân các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM cũng chưa đủ năng lực để thẩm định tính hiệu quả của các phương án khởi nghiệp mỗi ngày với muôn hình vạn trạng hơn trước.

Trao đổi với Báo Diễn đàn Doanh nghiệp mới đây, Giám đốc sở Kế hoạch và Đầu tư của một tỉnh có số doanh nghiệp thuộc top đầu cả nước chia sẻ: “Hiện nay chúng tôi cũng đang loay hoay với việc xây dựng cơ chế hỗ trợ tín dụng cho các dự án khởi nghiệp theo tinh thần của Nghị quyết 35. Bởi nếu vay theo nguồn vốn Quỹ hỗ trợ DNNVV có khi thủ tục còn khó khăn hơn cả vay ngân hàng thương mại. Mong muốn là có nhưng rất khó để thiết lập cơ chế”.

“Nếu ngân hàng cứ lờ đi tất cả những “nhá nhem” trên để cấp vốn cho dự án thì khi rủi ro xảy ra, không chỉ ngân hàng mà cả cá nhân ra quyết định cho vay cũng phải chịu trách nhiệm liên đới, có khi phải chịu cả trách nhiệm hình sự. Chính vì có quá nhiều yếu tố ngoài tầm kiểm soát nên ngân hàng rất khó thẩm định tính hiệu quả của dự án để cho vay.”– ông Nguyễn Hoàng Minh nhấn mạnh

Mặc dù vậy, ngành ngân hàng tại địa bàn TP.HCM cũng đã nhất trí sẽ cùng dành ra 1 gói tín dụng ưu đãi cho người khởi nghiệp với lãi suất hợp lý, tập trung vào dự án khởi nghiệp ở các ngành nghề, lĩnh vực đang được ưu tiên, không chỉ cho năm 2017 mà cho cả những năm tiếp theo.

Một giải pháp có thể căn cơ hơn theo ông Nguyễn Hoàng Minh: Hiện rất cần có hành lang pháp lý để thành lập các quỹ đầu tư khởi nghiệp hoặc quỹ đầu tư mạo hiểm chuyên rót vốn cho dự án khởi nghiệp. Trong đó, cho phép các ngân hàng được tham gia góp vốn thành lập quỹ. Chỉ những quỹ đầu tư mạo hiểm này mới đóng vai chính trong tài trợ vốn cho các dự án khởi nghiệp vì quỹ đầu tư là mô hình có thể chấp nhận mức độ rủi ro cao hơn ngân hàng – nơi vốn đang phải tuân thủ nhiều quy định rất chặt chẽ của ngành.

Để Startup không phải là một mỹ từ hay mang tính phong trào, hãy bắt đầu từ cơ chế, hành lang pháp lý.

Phan Nam