Tiếp cận cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0

Cm 4.0

TTH.VN – Đó là nội dung của diễn đàn “Đổi mới sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0)” được Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) phối hợp Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tổ chức ngày 26/8.


Tham dự diễn đàn có các ông: Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Thanh Hà, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Cao, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; TS. Đàm Bạch Dương, Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ KHCN; PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam; diễn giả Nguyễn Chí Thành, thành viên Hội đồng Khởi nghiệp quốc gia; cùng hơn 500 đại biểu đại diện các sở, ngành và đại diện doanh nghiệp trên địa bàn.

Xu thế tất yếu

Theo TS. Đàm Bạch Dương, cuộc CMCN 4.0 đang xóa nhòa khoảng cách giữa thế giới thực với thế giới ảo thông qua các công nghệ tiên tiến, sự đổi mới, sáng tạo không ngừng. Nếu trước đây phải mất gần một thế kỷ để chuyển từ cuộc cách mạng công nghiệp cũ sang cuộc cách mạng công nghiệp mới, thì CMCN 4.0 xuất hiện chỉ sau cuộc CMCN lần thứ 3 chưa đầy nửa thế kỷ. Mức độ ảnh hưởng, lan tỏa của cuộc cách mạng này diễn ra trên quy mô toàn cầu, với tốc độ nhanh hơn những gì đã xảy ra từ trước đến nay và dự báo sẽ làm thay đổi toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị trên toàn thế giới.

CMCN 4.0 dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất; với những công nghệ đang và sẽ có tác động lớn như công nghệ in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa, robot… Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, viễn cảnh các nhà máy thông minh trong đó các máy móc được kết nối internet và liên kết với nhau qua một hệ thống có thể tự hình dung toàn bộ quy trình sản xuất rồi đưa ra quyết định sẽ không còn xa. Có thể thấy, cuộc CMCN 4.0 tác động đến tất cả các lĩnh vực kinh tế – xã hội như: công nghiệp, nông nghiệp, tài chính ngân hàng, lao động, việc làm, giao thông vận tải, dệt may, du lịch, y tế, giáo dục và đào tạo đến doanh nghiệp và các địa phương.

Trao đổi tại diễn đàn, theo PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đối với những biến cố thời đại lớn như CM 4.0 thì điều đầu tiên là cần phải bàn luận, trao đổi một cách thấu đáo, tránh việc biết “nhang nhác, qua qua” rồi ào ra làm theo phong trào.

TS. Đàm Bạch Dương

PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, Việt Nam là dân tộc thông minh, nhạy bén với thời đại, thể hiện ở việc trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam đã tiếp cận rất sớm với những xu hướng phát triển mới trên thế giới như: Xem cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt (1976); xác định phát triển kinh tế tri thức là đường hướng phát triển kinh tế Việt Nam (1996) hay việc sớm đề ra 2 quốc sách lớn gắn với trí tuệ con người là “Giáo dục đào tạo” và “Khoa học công nghệ”. CMCN 4.0 đang diễn ra mọi nơi, đây là xu thế tất yếu của thời đại. Điều quan trọng là Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng phải trang bị tốt nền tảng vững chắc, không làm theo phong trào mà thực sự phải hào hứng, nắm bắt các cơ hội để xây dựng chiến lược thích ứng CMCN 4.0, thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển.

Nắm bắt để hội nhập

Tại diễn đàn, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn nêu ý kiến boăn khoăn khi năng lực hạ tầng cơ sở vật chất của nhiều đơn vị, lĩnh vực còn hạn chế; việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ở địa phương chưa thích ứng, cơ chế chính sách phát triển sản xuất kinh doanh còn nhiều ràng buộc rào cản… Do vậy, việc tiếp cận CMCN 4.0 sẽ đối mặt không ít thách thức lao động việc làm, lương tiền chênh lệch, phân cực giữa lao động chân tay và lao động trí óc ngày càng gia tăng trong thời gian đến…

PGS.TS Trần Đình Thiên

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, để nắm bắt cơ hội của cuộc CMCN 4.0, Thừa Thiên Huế cần phải đặt chiến lược phát triển khoa học công nghệ trong trục của chiến lược phát triển kinh tế – xã hội; bên cạnh đó cần cởi bỏ những trói buộc đối với doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tăng tính cạnh tranh phát triển; đổi mới và cải cách giáo dục đào tạo theo nguyên lý thị trường; chiến lược mở cửa hội nhập quốc tế, đẩy mạnh liên kết giữa khu vực trong nước và khu vực FDI; Thừa Thiên Huế cũng phải xác định khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo phải bằng lực lượng doanh nghiệp công nghệ cao, đặc biệt Thừa Thiên Huế phải có chương trình riêng cho phát triển doanh nghiệp, ưu tiên phát triển doanh nghiệp lớn, có như vậy mới tạo sức bật lớn trong ứng dụng KHCN của cuộc CMCN 4.0, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển.

Diễn giả Nguyễn Chí Thành

Diễn giả Nguyễn Chí Thành cho hay, Thừa Thiên Huế có nhiều doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ. Để tiếp cận cuộc CMCN 4.0, các doanh nghiệp phải nhanh chóng đổi mới sáng tạo, kết nối…Đổi mới sáng tạo từ trong suy nghĩ việc làm của người lãnh đạo, tạo ra những mô hình mới kinh doanh, tạo ra các sản phẩm thu nhu cầu thực tế của khách hàng không sa vào số đông; các doanh nghiệp luôn phải săn tìm ý tưởng kinh doanh mới dù chỉ là rất nhỏ… Ngoài ra, các doanh nghiệp Huế cần phải đầu tư máy móc công nghệ hiện đại đi kèm với đào tạo nâng cao kỹ năng của nhân viên, lao động để tối ưu hóa trong chi phí sản xuất. Sản phẩm hay dịch trong cuộc CMCN 4.0 sẽ được sản xuất cung cấp mang tính tự động hóa cao và khả năng sản xuất hàng loạt một cách thông minh…

Phát biểu và diễn giải một số ý kiến nêu ra tại diễn đàn, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao nhấn mạnh: Nắm bắt cơ hội và thách thức của cuộc CMCN 4.0, tỉnh nhà đang xây dựng kế hoạch, chiến lược tổng thể nhằm thích ứng với cuộc CMCN 4.0 mà trọng tâm là tập trung đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào hoạt động sản xuất kinh doanh, ưu tiên ứng dụng KHCN cao trong lĩnh vực y tế, giáo dục, nông nghiệp, công nghệ sinh học, dược liệu; xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh; xây dựng các cơ chế chính sách đặc thù trong đầu tư và phát triển các thiết chế KHCN.

“Hiện nay cuộc CMCN 4.0 đang khởi phát. Để tiếp cận CM Công nghiệp 4.0 đi vào từng ngành, từng lĩnh vực trên địa bàn, lãnh đạo tỉnh đang bám sát chủ trương của Chính phủ, bộ, ngành trung ương và cam kết luôn đồng hành, lắng nghe, gặp gỡ, kịp thời trao đổi tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp để hình thành và phát triển các loại hình sản xuất kinh doanh có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới”- Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao nói.

Bài, ảnh: Minh Văn