Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng: ‘Muốn làm giàu thì đừng làm công chức!’

Thời gian gần đây có xu hướng một số công chức xin thôi việc cơ quan Nhà nước để ra “làm ngoài”, Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng – Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội về một số vấn đề liên quan.


_ Tại một số địa phương, số lượng công chức chuyển sang làm việc ở khu vực kinh tế tư nhân ngày một nhiều. Ông có nhìn nhận như thế nào về xu hướng này, liệu có đáng lo ngại?

Việc công chức xin thôi việc để ra làm ngoài diễn ra ở khá nhiều nơi đang là một thực tế, trong đó ở các địa phương phía Nam diễn ra nhiều hơn. Tôi cho rằng đó là một xu hướng lành mạnh!

Nếu các công chức tìm được việc làm ngoài thị trường, chứng tỏ kinh tế thị trường đang tạo ra nhu cầu về việc làm, và như vậy là kinh tế thị trường đang vận hành đúng hướng vì nó đang mở ra nhiều cơ hội lao động và tìm kiếm thu nhập hơn cho xã hội. Điều này khác hẳn so với thời kỳ bao cấp.

Bây giờ rất nhiều cơ hội làm giàu ở ngoài thị trường, ở lĩnh vực tư, điều này cho thấy lựa chọn và thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường là lựa chọn đúng. Và xu hướng công chức thôi việc ở cơ quan Nhà nước ra làm cho khu vực kinh tế tư nhân là không đáng quan ngại mà nên hỗ trợ.

Trên thế giới, xu hướng chung là anh muốn giàu có thì vào làm việc ở khu vực kinh tế tư nhân, còn muốn cống hiến thì vào làm việc ở lĩnh vực công. Nếu vào lĩnh vực công mà làm giàu, hay dựa vào khu vực công để làm giàu, thì chỉ có một cách đó là tham nhũng. Mà tham nhũng chính là yếu tố phá nát nền quản trị quốc gia, làm mất lòng tin công chúng và về dài hạn sẽ làm mất ổn định.

Do đó, cần xác định rõ nếu muốn cống hiến thì vào lĩnh vực công, còn muốn làm giàu thì vào lĩnh vực tư.

– Ông có thể đề xuất những giải pháp để cải thiện chất lượng đội ngũ công chức, để đội ngũ công chức yên tâm công tác?

Những người xin thôi làm việc ở khu vực công để ra làm việc ở khu vực tư rõ ràng là họ làm được một việc là giải phóng chỗ ấy cho người khác. Tạo điều kiện cho nhà tuyển dụng ở khu vực công có điều kiện để tuyển dụng những người muốn cống hiến vào làm việc.

Tôi cho rằng có hai loại người muốn cống hiến, đó là những người muốn cống hiến mà không có năng lực và người muốn cống hiến mà có năng lực. Do đó, nhiệm vụ của tuyển dụng là phải chọn được những người muốn cống hiến và có năng lực.

Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng theo dõi thông tin trên Báo Nghệ An. Ảnh: Đức Anh

Tôi thấy ở các nước trong việc tuyển chọn bao giờ cũng có chuyên gia tâm lý. Họ xem người đó có thực sự có động lực cống hiến hay không, chỉ bằng vài câu hỏi người ta có thể thẩm định, đánh giá được người muốn cống hiến hay là không. Nếu biết anh vào lĩnh vực công để có danh tiếng, tệ hơn là để làm giàu thì họ loại ngay.

Như vậy xu hướng những người bỏ việc đang tạo cơ hội cho ta chọn được người vừa có động lực, vừa có năng lực. Vấn đề còn lại là quy trình như thế nào.

Muốn vậy, quy trình tuyển dụng không thể dựa trên thân quen, chạy chọt. Nếu tuyển dụng dựa trên thân quen, chạy chọt, thì sẽ phải tuyển vào một loạt nhân viên mà sau đó thải ra không được.

Để công chức, viên chức yên tâm công tác thì giải pháp quan trọng trước hết là tiếp tục cải cách tiền lương một cách hiệu quả. Phải đảm bảo cho công chức được sống đàng hoàng. Họ đã vào để cống hiến thì phải đảm bảo thu nhập để họ yên tâm cống hiến.

Do đó, lộ trình cải cách tiền lương là phải đưa lại cuộc sống đàng hoàng cho công chức, viên chức. Một công chức mà nhìn hàng xóm ăn một bữa ăn vẫn đang thòm thèm, thì rất có thể khó mà không vi phạm.

Vì vậy tôi cho rằng ta đã thực hiện cải cách tiền lương nhưng mức lương như hiện nay là vẫn chưa đủ để đảm bảo cuộc sống đàng hoàng. Do đó cần phải tiếp tục cải cách mạnh hơn nữa.

Giải pháp thứ hai là phải cải cách thể chế. Phải cải cách thể chế để giảm gánh nặng cho ngân sách. Bao giờ mà chỉ có công chức mới nhận lương từ ngân sách thì mới đảm bảo mức lương đàng hoàng cho công chức. Còn ngân sách đang phải gánh gánh nặng là chi cho các thành phần ngoài công chức thì đối mặt với vấn đề không có tiền để chi.

Những tổ chức khác phải từ thu nhập của nguồn khác. Các tổ chức xã hội sẽ hoạt động tốt hơn nếu họ hưởng lương từ nguồn thu từ các thành viên của họ. Còn nếu ăn lương ngân sách thì các tổ chức xã hội cũng sẽ làm việc như một cơ quan nhà nước. Và nếu ăn lương Nhà nước thì động lực vun vào sẽ là cho nhà nước. Mà vun vào cho nhà nước thì cần gì phải có anh. Vì đúng ra là anh phải đại diện cho xã hội, đại diện cho công chúng.

Tổ chức của hội nào thì phải đại diện cho giá trị của hội viên hội đó. Phải đưa được tiếng nói, yêu cầu của hội viên đến cho nhà nước, và những yêu cầu chính đáng của hội viên phải được thể chế hóa. Thì lúc đó, hội viên sẽ đóng hội phí tương xứng với lợi ích mà cán bộ hội mang lại. Anh làm nhiều thì người ta đóng nhiều, anh làm ít thì nhận ít, còn anh không đại diện cho họ thì việc gì họ phải đóng cho anh.

Như vậy là cải cách tiền lương phải đi liền với cải cách cả thể chế vận hành.

– Từ quá trình nghiên cứu và tìm hiểu thực tế các mô hình có nhiều điểm ưu việt được áp dụng trên thế giới, ông có chia sẻ gì về kinh nghiệm, cách làm hay của các nước?

Tôi cho rằng nhiều nơi trên thế giới đã minh định tương đối rõ, cái gì xã hội làm, cái gì Nhà nước làm; cái gì cung cấp qua công vụ, cái gì cung cấp qua thị trường. Những cái gì doanh nghiệp làm được, xã hội làm làm được thì Nhà nước không nên ôm. Nếu anh ôm nhiều thì tiền đâu mà trả?

Ở các nước nhiều cái họ để cho tư nhân làm. Ví dụ như nhiều nước hệ thống nhà tù giao cho tư nhân làm, Nhà nước chỉ bỏ tiền ra thuê. Thực tế là tư nhân họ làm không thua gì Nhà nước. Vậy thì việc gì Nhà nước phải tổ chức bộ máy trùng trùng điệp điệp để làm thay?

Hoặc quản trị doanh nghiệp, nếu tư nhân tự quản lý, họ sẽ quản lý giản dị hơn, cách tuyển người làm cho họ cũng thực tế hơn. Họ cứ đưa ra chỉ tiêu, mục tiêu là anh phải vận hành, làm việc để cho ra lãi suất cao là được. Còn nếu anh làm chỉ cho ra lãi suất dưới trung bình thì họ thay. Do đó họ có chế độ trách nhiệm rõ ràng.

Cùng với đó, một số cái dân sự không làm được thì Nhà nước làm. Ví như an ninh trật tự, trật tự pháp luật, đảm bảo công lý, thì Nhà nước phải làm. Hoặc có những lợi ích công cộng, gọi là hàng hóa công và dịch vụ công, như điện chiếu sáng công cộng, thì giao cho Nhà nước. Nếu làm được như vậy thì tinh giản được biên chế, bộ máy hưởng lương ngân sách sẽ tinh gọn, vấn đề cải cách tiền lương mới thật sự thành công căn bản. Về cơ bản, sẽ giải quyết được vấn đề lương công chức thấp, không đủ sống.

– Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Báo Nghệ An