Thiết lập “bộ” khung pháp lý cho startup

Mặc dù chế định Startup chưa được xác định bởi luật Việt Nam nhưng dường như khái niệm này không còn xa lạ trong những năm gần đây với cộng đồng khởi nghiệp.


Vì vậy thiết lập “bộ” khung pháp lý cho startup, biết được những vấn đề pháp lý nào cần quan tâm khi khởi động và duy trì startup đó là điều kiện tối quan trọng.

Bản chất “thực” của Startup.

Theo xác định Forbes, startup có đặc điểm là “move fast, break things” (dịch nôm na là “thực hiện nhanh, mang tính phá vỡ điều gì đó”). Vì luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể về chế định startup, cho nên thuật ngữ này đang được hiểu theo thuật ngữ kinh doanh. Tuy nhiên, startup thực chất là một “quá trình” khởi sự một hoạt động kinh doanh, sự xuất hiện của startup không nhất thiết là phải gắn với việc thành lập của một DN mới, thậm chí đôi khi bắt đầu chỉ là một ý tưởng, dự án khởi nghiệp. Khía cạnh khác, mặc dù Cty nào, ngành, nghề hoạt động kinh tế nào cũng phải trải qua giai đoạn khởi nghiệp ban đầu nhưng startup lại thường được dùng với nghĩa hẹp hơn rất nhiều, ám chỉ các Cty công nghệ trong giai đoạn khởi nghiệp. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, hành lang pháp lý lại chưa được các startup thật sự quan tâm. Điều này làm cho nhiều nhà đầu tư còn e ngại không dám mạo hiểm và dẫn đến việc startup Việt Nam bị chậm lại so với các nước khác trong khu vực.

4 vấn đề pháp lý cần chú trọng

Khi thành lập startup cần quan tâm đến nhiều vấn đề pháp lý, trong đó các vấn đề cần đặc biệt chú ý như sau:

Thứ nhất, khi quyết định rót vốn của mình vào một startup thì nhà đầu tư cân nhắc rất nhiều yếu tố liên quan đến startup, hàng loạt câu hỏi được nêu ra: startup đó có được thành lập hợp pháp hay không? Loại hình Cty có phù hợp với chiến lược, sản phẩm kinh doanh? Startup đó đã có những giấy phép, chấp thuận cần thiết để kinh doanh sản phẩm, dịch vụ đó hay chưa? Sản phẩm, dịch vụ mà startup cung cấp có được xem là nằm trong những sản phẩm, dịch vụ bị Nhà nước khuyến khích phát triển hoặc hạn chế, nghiêm cấm kinh doanh hay không? Startup có thật sự hoạt động độc lập hay dưới sự chỉ đạo hoặc liên kết với các chủ thể khác?

Trong đó, vấn đề xem xét startup có đáp ứng các chấp thuận, giấy phép cần thiết để tiến hành hoạt động kinh doanh hợp pháp cũng như đáp ứng tuân thủ pháp luật được nhà đầu tư rất lưu tâm.

Thật vậy, trong bất kỳ hoạt động kinh doanh nào thì cũng đều cần chuẩn bị các giấy tờ liên quan đến ngành nghề, vốn, đáp ứng một hoặc nhiều điều kiện kinh doanh, đối với một số lĩnh vực kinh doanh thì các giấy phép chuyên ngành (giấy phép con) lại là điều kiện bắt buộc. Đặc biệt đối với Startup trong mảng công nghệ và kinh doanh trên internet thì vấn đề này càng nên được chú trọng hơn.

Để khởi đầu và duy trì một startup, rất cần “chủ” startup xem xét đến các vấn đề pháp lý liên quan đến lĩnh vực mình tham gia một cách kỹ lưỡng và linh hoạt.

Thứ hai, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với ý tưởng. Startup là nơi các nhà lãnh đạo trẻ thỏa sức khác biệt, thể hiện bản thân, biến ý tưởng thành hiện thực. Do đó, vấn đề bảo vệ ý tưởng, các quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến sản phẩm, dịch vụ là vô cùng quan trọng trong thời gian đầu. Việc đăng ký bảo hộ không chỉ xác định ai là người sở hữu các sản phẩm trí tuệ để thực hiện các quyền của chủ sở hữu theo quy định Luật sở hữu trí tuệ mà còn là cơ sở để thực hiện việc khiếu nại, khiếu kiện khi cần thiết. Tùy vào từng loại hình sản phẩm, dịch vụ cũng như đặc tính của đối tượng mong muốn được bảo hộ, startup nên quan tâm đến việc bảo hộ bản quyền tác giả, nhãn hiệu, bằng sáng chế, giải pháp hữu ích, thương hiệu, tên thương mại, tên miền…

Thứ ba, thỏa thuận rõ ràng với các đồng sáng lập. Một trong những lý do phổ biến khiến các startup không thành công chính là tranh chấp trong nội bộ. Do đó, trước khi bắt tay vào hợp tác cùng nhau, những người đồng sáng lập nên ngồi lại và thảo ra một bản thỏa thuận rõ ràng, quy định chi tiết trách nhiệm, nghĩa vụ của từng người, tỷ lệ doanh thu được hưởng, việc chào bán cố phần với tỷ lệ như thế nào, mức giá bao nhiêu… Đây là những vấn đề căn bản cần được thỏa thuận trên giấy tờ, có giao kèo rõ ràng, tránh việc sử dụng hợp đồng miệng thiếu cơ sở, thiếu căn cứ dễ dẫn đến mâu thuẫn và làm tan rã Startup.

Thứ tư, lựa chọn loại hình kinh doanh. Mỗi DN khi đi vào hoạt động cần phải lựa chọn loại hình kinh doanh hợp lý. Tùy vào loại hình kinh doanh mà doanh nghiệp sẽ nhận được những ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước. Các loại hình kinh doanh được quy định tại theo Luật DN 2014, mỗi loại hình sẽ có những ưu, nhược điểm khác nhau nên tùy mục đích mà các nhà sáng lập sẽ lựa chọn. Hai loại hình phổ biến nhất mà các startup hiện nay hay lựa chọn là Cty TNHH và Cty cổ phần vì sự giới hạn trách nhiệm của chủ sở hữu, theo đó, nếu thất bại thì các đồng sáng lập cũng chỉ chịu trách nhiệm trong số vốn của mình. Với mỗi mô hình kinh doanh khác nhau thì các nghĩa vụ về thuế cũng khác nhau liên quan đến các loại thuế: thuế môn bài, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, hay thuế thu nhập cá nhân của các thành viên công ty.

Với sự tồn tại của các quỹ đầu tư mạo hiểm, các vườn ươm khởi nghiệp, chính sách mới dành cho khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam cùng những thay đổi chính sách về mở rộng lĩnh vực ưu đãi đầu tư và sự tham gia của Việt Nam vào Hiệp định đối tác khu vực, song phương, đa phương thì con đường phía trước là rộng mở đối với các startup.

Lâm Tuấn Minh
LP Group