Các start-up công nghệ ở Việt Nam muốn thành danh và được các quỹ đầu tư nước ngoài rót vốn thì cần sáng tạo ra những sản phẩm dựa trên mối quan hệ quốc tế.
Augen Software của Mitchell Phạm đã trở thành tập đoàn đa quốc gia với 6 công ty thành viên, nằm trong số gần 30.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao tại New Zealand. Sau 12 năm hoạt động tại Công viên Phần mềm Quang Trung TP.HCM, Công ty Augen Việt Nam (công ty con của Augen Software Group) đã đạt doanh thu cao và là nơi đặt trụ sở của Kiwi Connection (trung tâm thúc đẩy kết nối các doanh nghiệp New Zealand đến Việt Nam đầu tư kinh doanh).
Augen Software sẽ cùng Kiwi Connection tạo nên cửa ngõ chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp công nghệ cao New Zealand đang đầu tư tại Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung. Năm 2017, lĩnh vực công nghệ tài chính và các ứng dụng công nghệ cao sẽ lên ngôi và hút vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Đây là tín hiệu đáng mừng khi làn sóng start-up trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam đang ở thời điểm cao trào.
Tuy nhiên, rất ít start-up Việt Nam thu hút được nhà đầu tư nước ngoài rót vốn. Họ cần nhận thức rõ rằng, cách làm là một chuyện, còn làm gì và tại sao lại là chuyện khác. Theo ông Mitchell Phạm, trong lĩnh vực công nghệ, có 2 mô hình kinh doanh: B2C (doanh nghiệp tới người tiêu dùng), B2B (doanh nghiệp tới doanh nghiệp). Trong đó, ở mảng B2C, nếu các start-up sáng tạo cho thị trường Việt Nam thì khả thi, nhưng khi muốn tung sản phẩm ra thị trường thế giới thì khả năng thành công rất ít.
Ở mảng B2B, nếu start-up sáng tạo cho doanh nghiệp ở Việt Nam sẽ bị giới hạn về môi trường sáng tạo, giá trị sáng tạo trong sản phẩm rất thấp, nên không thể cạnh tranh nổi với các nước phương Tây vì sản phẩm của họ đi trước Việt Nam khoảng 30 năm.
Các start-up nên tìm đối tác từ phương Tây, áp dụng những gì họ đã sáng tạo, thiết kế lại cho phù hợp với người tiêu dùng Việt thì sẽ phát triển nhanh. Còn nếu muốn sáng tạo B2C cho thị trường nước ngoài thì cách làm duy nhất là hợp tác với công ty ở thị trường đó, vì mỗi thị trường có cách tiêu dùng khác nhau. Với B2B, doanh nghiệp nước ngoài, dù có công nghệ tốt, nhưng không hiểu thị trường trong nước, nên sẽ tìm đối tác trong nước để giúp họ phát triển thị trường nhanh chóng hơn. “Các start-up không thể sáng tạo sản phẩm cho khung trời riêng của họ, mà cần có mối quan hệ quốc tế. Cuối cùng là, tầm nhìn chiến lược sẽ giúp thuyền trưởng chèo lái doanh nghiệp đi đúng mục tiêu”, ông Mitchell Phạm chia sẻ.
Ông Mitchell Phạm là vị Chủ tịch trẻ tuổi nhất trong lịch sử ngành công nghệ cao ở New Zealand (NZTech) và là một trong những Việt kiều thành công nhất trong ngành ICT hiện nay.
Theo Baodautu