Sẽ có nhiều dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp

28.8

Đây là năm thứ ba liên tiếp chương trình được tổ chức tại Học viện Nông nghiệp, thể hiện quyết tâm của Ban Tổ chức và Nhà trường trong việc phát triển phong trào khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn.


Các bạn trẻ sẽ được tiếp sức bởi các câu chuyện khởi nghiệp của các doanh nhân đi trước, từ đó thắp lên tinh thần nhiệt huyết, ý chí làm giàu chính đáng cho bản thân và xã hội. Đây cũng là nền tảng để hình thành nên đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp mới trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần vào quá trình xây dựng và phát triển nông thôn mới.

Tham gia chương trình về phía đơn vị chỉ đạo, đơn vị tổ chức có ông Phạm Ngọc Tuấn – Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia, ông Lại Hợp Nhân – Phó Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, Tổng Thư ký Chương trình Khởi nghiệp quốc gia; Về phía Hội đồng Tư vấn – hỗ trợ Chương trình Khởi nghiệp có thầy Nguyễn Văn Mỹ – Giảng viên cao cấp Chương trình CEFE Việt Nam, cố vấn cao cấp Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia, ông Đinh Trọng Nguyên – Giám đốc Công ty Cổ phần Liên minh Phú Gia, Phó Chủ tịch CLB CEO Hà Nội, ông Bạch Quốc Thắng – Đại diện HĐQT Công ty CP Thú y Xanh Việt Nam, ông Nguyễn Hồng Phong – Tổng giám đốc Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông, bà Đinh Thị Thu Hoài – Phó Chủ tịch, Trưởng ban Phát triển hội viên, Hội Nữ Doanh nhân Hà Nội, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Thương mại Nhật Hà, bà Phạm Thị Thơm – Giảng viên Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ Công thương TW, ông Nguyễn Thành Đồng – Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Công thương Việt Nam, TS Lê Hồng Quân – Trưởng khoa Công nghệ ô tô Đại học Công nghiệp Hà Nội, ông Cao Hồng Hưng – Phó Chánh Văn phòng Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, bà Nguyễn Thị Lan Hương – Phó Chủ tịch Doanh nhân nữ Hà Nội.

Các đại biểu tham quan các gian hàng của sinh viên

Phát biểu chào mừng, thầy Phạm Văn Cường – Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp cho biết, qua Chương trình Khởi nghiệp, các bạn sinh viên đã thể hiện được niềm đam mệ, trí tuệ, sức sáng tạo, nhiệt huyết và khát vọng tuổi trẻ. Bản thân nhà trường cũng nhận thức được rằng cần phải thay đổi chương trình đào tạo để làm sao đào tạo được nhiều đối tượng thay vì chỉ đào tạo cán bộ phục vụ nhà nước như chương trình đào tạo cách đây 30 năm, đặc biệt là đào tạo về nông nghiệp. Khởi nghiệp nông nghiệp hiện nay không chỉ đơn giản là biết nuôi gia cầm, trồng cây cối…mà cái quan trọng là phải ươm mầm, tạo ra được các doanh nhân.

Thầy Phạm Văn Cường – Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp phát biểu chào mừng

Thầy Cường bày tỏ hy vọng thông qua Chương trình Khởi nghiệp, các bạn sinh viên – những chủ nhân tương lai của đất nước sẽ có những đóng giúp quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp, góp sức vào sự lớn mạnh, phồn vinh của đất nước, xây dựng nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ thầm mong muốn.Phần giao lưu và “tiếp lửa” Khởi nghiệp Nông nghiệp đã thu hút sự quan tâm của nhiều thanh niên, sinh viên với sự tham gia của các vị khách mời gồm: ông Bạch Quốc Thắng – Đại diện HĐQT Công ty CP Thú y Xanh Việt Nam, ông Nguyễn Hồng Phong – Tổng giám đốc Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông, bà Đinh Thị Thu Hoài – Phó Chủ tịch, Trưởng ban Phát triển hội viên, Hội Nữ Doanh nhân Hà Nội, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Thương mại Nhật Hà, ông Đinh Trọng Nguyên – Giám đốc Công ty Cổ phần Liên minh Phú Gia.

Xin hỏi chị Đinh Thị Thu Hoài: Phụ nữ khi kinh doanh thường kinh doanh những mặt hàng làm đẹp, giáo dục, y tế, dịch vụ thương mại,… Tại sao chị lại chọn ngành nghề thi công xây dựng, vật liệu xây dựng? Chị có thấy nó khô khan và khó không?

Chị Đinh Thị Thu Hoài: Tôi rất vui được giao lưu với các bạn hôm nay và tôi cảm thấy mình như được trẻ ra khi thấy các bạn. Chúng ta nên bắt đầu khởi nghiệp từ những gì chúng ta có. Tôi bắt đầu từ những thứ tôi có vì chồng tôi theo ngành này. Tôi nghĩ không phải ngành xây dựng nào cũng khô khan.

Các doanh nhân giao lưu với sinh viên Học viện Nông nghiệp
Chị Đinh Thị Thu Hoài – Phó Chủ tịch, Trưởng ban Phát triển hội viên, Hội Nữ Doanh nhân Hà Nội,
Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Thương mại Nhật Hà

Thưa anh Đinh Trọng Nguyên, nhắc đến kinh doanh người ta thường hay kể đến các chuyên ngành về khối kinh tế, quản trị kinh doanh. Vậy theo anh, các bạn sinh viên học ngành Nông nghiệp có thuận lợi gì khi khởi nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực mình được học hay không?

Anh Đinh Trọng Nguyên: Có thể nói ngành nông nghiệp là một ngành mũi nhọn vì có 80% lực lượng lao động trong ngành này. Nguồn lực của Việt Nam là nông nghiệp. Trước đây, nông nghiệp què quặt, công nghiệp lạc hậu. Nhờ sự đổi mới của Đảng và Chính phủ, chúng ta đã đưa công nghệ cao áp dụng vào nông nghiệp và hiện đại hoá, công nghiệp hoá đất nước. Các bạn cũng thấy tất cả sản phẩm của nông nghiệp đang hiện diện trên thị trường và những doanh nhân thành đạt trong những năm gần đây có nhiều doanh nhân kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Do đó tôi hy vọng các bạn sinh viên nông nghiệp có nhiều cơ hội để phát triển trong lĩnh vực này.

nh Đinh Trọng Nguyên – Giám đốc Công ty Cổ phần Liên minh Phú Gia

Xin hỏi anh Bạch Quốc Thắng, hiện tại, anh cũng đang kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Anh có thể cho biết những kiến thức chuyên môn đã được học trong nhà trường có vai trò như thế nào trong quá trình kinh doanh?

Anh Bạch Quốc Thắng: Tôi có may mắn là cựu sinh viên của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Tôi ra trường cách đây 20 năm. Tôi nghĩ, nông nghiệp là một ngành học tốt. Kiến thức chuyên môn về ngành học là rất quan trọng. Khi ra trường, các kiến thức được học sẽ áp dụng vào kinh doanh rất nhiều. Cũng như tôi, kiến thức về ngành học thú y đã giúp tôi rất nhiều trong kinh doanh. Trước đây người ta nói: “Nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách Khoa”, bây giờ phải nói lại là “Nhất Nông, nhì Dược, tạm được Bách Khoa”. Và tôi cũng đồng ý với ý kiến của anh Nguyên, anh Nguyên có nói rằng đất nước Việt Nam là đất nước nông nghiệp và lực lượng lao động có đến 70% – 80% là làm nghề nông và như vậy chúng ta có thể khẳng định giá trị cốt lõi của đất nước Việt Nam là nông nghiệp. Tôi khẳng định một lần nữa, kiến thức chuyên môn mà đã học được từ nhà trường rất bổ ích.

Các bạn sinh viên hăng hái đặt câu hỏi cho các khách mời giao lưu

Với vai trò là Phó chủ tịch Hội Doanh nhân nữ Nội – tổ chức tập hợp các doanh nhân nữ, các doanh nghiệp do giới nữ làm chủ, chị có đánh giá như thế nào về hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, đặc biệt kinh doanh trong lĩnh vực Nông nghiệp do các nữ doanh nhân làm chủ? Trong quá trình khởi nghiệp, các nữ doanh nhân thường gặp những khó khăn gì, thưa chị?

Chị Đinh Thị Thu Hoài: Bất kể hoạt động trong lĩnh vực nào thì các bạn cũng phải xác định gặp nhiều khó khăn. Các bạn đã dấn thân vào lĩnh vực kinh doanh thì phải chuẩn bị tâm thế sẵn sàng làm việc 20h/ngày, sẵn sàng cho tâm lý sẽ không có đồng nào trong tay vì khi kinh doanh không phải khi nào cũng thành công… Và tôi cho rằng kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp thì còn gặp nhiều rủi ro hơn bởi vì trong lĩnh vực này còn phụ thuộc vào thiên nhiên. Chúng ta không thể kiểm soát được một trận bão lớn, một trận mưa đá…Nông nghiệp là một ngành kinh tế quan trọng trong đời sống xã hội. Chúng ta có thể sống không có internet, không có các dịch vụ khác nhưng nếu không có gạo, thực phẩm trong 2 đến 3 ngày thì điều gì sẽ xảy ra? Tôi nghĩ cuộc sống của chúng ta sẽ bị rối loạn. Do đó các bạn sinh viên cần tự tin rằng đây là ngành quan trọng, tuy nhiên các bạn cũng phải sẵn sàng đối mặt với nhiều khó khăn.

Anh Nguyễn Hồng Phong – Tổng giám đốc Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông

Là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, anh Phong đánh giá như thế nào về tiềm năng, cơ hội thành công của các bạn khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp trong giai đoạn kinh tế hiện nay?

Anh Nguyễn Hồng Phong: Tôi thấy sinh viên nông nghiệp tham dự chương trình rất đông thể hiện quyết tâm khởi nghiệp rất cao. Các bạn đang có khát vọng rất lớn do đó các bạn đã có mặt trong buổi tối ngày hôm nay. Tôi cũng kỳ vọng và hy vọng hơn 700 sinh viên có mặt hôm nay sẽ trở thành doanh nhân trong lĩnh vực nông nghiệp trong tương lai. Tôi cũng xin chia sẻ câu chuyện của chúng tôi qua chuyến khảo sát mô hình nông nghiệp tại Israel. Trước khi đi, chúng tôi tưởng tượng nền nông nghiệp tại nước này hơn Việt Nam rất nhiều, trong hội chợ họ cũng có câu khẩu hiệu: “Nông nghiệp là nền văn hoá của chúng tôi” điều đó thể hiện quyết tâm về đẩy mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên sau khi đi khảo sát các trang trại nông nghiệp của họ thì tôi thấy nông nghiệp Việt Nam cũng không thua kém gì. Do đó chúng ta hoàn toàn có thể khẳng định với thế giới rằng nền nông nghiệp của đất nước ta đang trên đường phát triển. Tuy nhiên các bạn sinh viên phải thay đổi tư duy làm nông nghiệp. Các địa phương như Lâm Đồng, Sapa có rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư và kiếm lời trên mảnh đất của chúng ta. Tại sao chúng ta không làm được điều mà họ đang làm. Do đó tôi mong các bạn sinh viên đã có khát vọng làm giàu rồi thì các bạn cần trau dồi thêm những kiến thức vững chắc để có thể khởi nghiệp thành công.

Em là nữ, đang học chuyên ngành Thú y, vậy cơ hội tìm việc làm của em có khó không? (Em Hằng – Sinh viên Khoa Chăn nuôi)

Anh Nguyễn Hồng Phong: Trước hết tôi khẳng định một câu là không có sự thành công nào thiếu bóng dáng của sự học tập. Nếu bạn cứ nghĩ rằng sẽ khó có việc làm sau khi học xong thì bạn sẽ không bao giờ thành công. Bạn phải làm thế nào để doanh nghiệp phải tìm đến bạn. Muốn được như vậy thì bạn phải chuyên cần trong học tập để khi ra trường không phải tất bật đi tìm việc mà đã được doanh nghiệp chào đón. Em hãy nỗ lực khẳng định mình và hy vọng sinh viên Nông nghiệp sẽ được nhiều doanh nghiệp chào đón.

Khi đang ngồi trên ghế nhà trường, chúng em thường đi làm thêm để học hỏi kinh nghiệm, tạo thêm nhiều mối quan hệ, có thêm vốn để khi ra trường có thể lập nghiệp ngay. Nếu khởi nghiệp thì em cần trang bị cho mình những gì? Các doanh nhân có thể đưa ra lời khuyên cho chúng em? (Nguyễn Văn Vũ)

Anh Bạch Quốc Thắng – Đại diện HĐQT Công ty CP Thú y Xanh Việt Nam
Anh Bạch Quốc Thắng: Sau khi ra trường, bạn nên đi làm thuê để tìm ra được kiến thức cơ bản để có thể thành lập và xây dựng được một doanh nghiệp nhỏ. Tất cả mọi cái không tự nhiên mà có, chúng ta phải học hỏi từ cuộc sống, thầy cô, bạn bè, học cả những thất bại từ những người đi trước, không chỉ là kiến thức chuyên môn mà còn họ cả kỹ năng sống, cách ăn nói, đi đứng, xử lý tình huống để có thể hài lòng bạn bè, hài lòng gia đình, luôn luôn phải nhớ một điều là chúng ta phải xây dựng lên thương hiệu và giá trị cho chính bản thân mình và những người xung quanh. Có như thế, khi chúng ta đi làm thì chúng ta mới có thể thành công. Trước khi khởi nghiệp bạn phải nhận thức được đúng giá trị của mình xem mình đang ở đâu và mình phải đặt được mục tiêu và phải thực hiện được mục tiêu đã được đặt ra. Chân thành tôi khuyên các bạn nếu đủ bản lĩnh thì các bạn hãy khởi nghiệp bằng việc làm ông chủ một doanh nghiệp nhỏ và dựa vào sự tư vấn của những người đã từng làm trong lĩnh vực mình đang kinh doanh, luôn luôn lắng nghe, luôn luôn học hỏi. Hoặc bạn có thể xin vào một công ty trong lĩnh vực mình đam mê để bạn có thể tích luỹ được những kinh nghiệm phục vụ cho kế hoạch khởi nghiệp sau này.

Chị Đinh Thị Thu Hoài: Muốn kinh doanh được các bạn phải có nhiều yếu tố như vốn, quan hệ, về sự ủng hộ của gia đình, và điều quan trọng hơn cả đó là các bạn phải chấp nhận rủi ro. Có rất nhiều động lực để các bạn kinh doanh bởi kinh doanh sẽ mang lại nguồn lợi nhuận, đem lại hạnh phúc cho bạn và gia đình bạn, ngoài ra bạn còn được cộng đồng biết đến. Nhưng khi kinh doanh thì nó cũng sẽ cướp đi của chúng ta nhiều thứ như hạnh phúc, bạn bè…nếu chúng ta không biết dung hòa giữa công việc và cuộc sống. Không những thế, kinh doanh nếu không thành công còn làm chúng ta trở nên trắng tay.

Hiện tại số lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm từ 60% – 80% mà cơ cấu ngành Nông nghiệp chỉ có 20%. Vậy doanh nhân nhìn nhận vấn đề đó như thế nào? Hướng đi nào cho nông nghiệp Việt Nam? (Nguyễn Thanh Tùng – Khoa Quản lý Đất)

Anh Nguyễn Hồng Phong: Tôi đánh giá cao câu hỏi của bạn, Bác Hồ đã nhìn vào cơ vận của đất nước để ban hành khoán 10, khoán 100. Khoán 10, khoán 100 hiện vẫn còn có giá trị. Hiện nay tình trạng nông dân bỏ ruộng, nông dân không mặn mà với ruộng diễn ra khắp nơi bởi hiệu quả nông nghiệp quá thấp. Với chủ trương chuyển dịch từ cánh đồng nhỏ lẻ sang được cánh đồng mẫu lớn thì đây là cơ hội của chúng ta nếu chúng ta phát hiện ra vấn đề.

Chị Đinh Thị Thu Hoài: Có một điều rất quan trọng tôi muốn chia sẻ, sự thành công trong ngành nông nghiệp có 2 yếu tố cấu thành đó là năng suất và chất lượng. Tại sao giá trị sản lượng của chúng ta thấp, có thể do năng suất thấp và chất lượng chưa cao. Và nguồn nhân lực của Việt Nam so với thế giới cũng ở mức thấp. Đó là bài toán mà các bạn phải tìm ra lời giải. Tất cả các bạn ở đây nếu đã có khát vọng và đam mê thì ngoài việc học ở trường, ngoài việc học ở thầy cô, thì có một vị giáo sư vô cùng đáng kính, vô cùng tận tuỵ, có thể giải đáp cho các bạn ở mọi lúc mọi nơi đó là giáo sư “google”.

Ban tổ chức tặng hoa cho các doanh nhân tham gia giao lưu
Sau buổi giao lưu là phần giới thiệu cuộc thi Khởi nghiệp 2015 và kêu gọi đầu tư. ThS Vũ Ngọc Huyên – Thường vụ Đảng ủy, Trưởng ban CTCT và CTSV, trưởng Ban tổ chức Học viện Nông nghiệp cho rằng, Chương trình Khởi nghiệp là sự quyết tâm và sự đồng lòng của nhà trường với các em sinh viên. 2 năm vừa qua mới chỉ là bắt đầu. Ông Huyên mong muốn các bạn thanh niên – sinh viên phải có ý tưởng và phải có quyết tâm cho dù có vấp ngã thì vẫn phải đứng dậy để đi tiếp. Ông cũng bày tỏ sự cảm ơn tới Chương trình Khởi nghiệp quốc gia, cảm ơn báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã giúp đỡ trường cũng như các bạn sinh rất nhiều trên con đường khởi nghiệp trong suốt thời gian qua. Chương trình Khởi nghiệp đã thực sự góp phần hỗ trợ đào tạo kiến thức, kỹ năng cơ bản về lập dự án kinh doanh cho sinh viên, giúp các em định hướng nghề nghiệp, chuẩn bị trước một kỹ năng khởi nghiệp trước khi ra trường, biết cách chủ động tạo dựng sự nghiệp thành đạt trong cuộc sống.

Thầy Huyên cũng cho biết thêm, qua nhận xét, đánh giá của Hội đồng Giám khảo cuộc thi Khởi nghiệp Nông nghiệp 2014, Ban tổ chức nhận thấy có rất nhiều dự án sinh viên không chỉ có ý tưởng độc đáo, sáng tạo mà còn mang ý nghĩa xã hội cao. Đặc biệt các giải nhất, nhì, ba của Khởi nghiệp Nông nghiệp 2014 đều đạt giải cao của Khởi nghiệp quốc gia 2014.

Thầy Huyên bày tỏ mong muốn Chương trình Khởi nghiệp Nông nghiệp nói riêng, Chương trình Khởi nghiệp quốc gia nói chung sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm giúp đỡ, ủng hộ của các cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp, doanh nhân, các thầy cô giáo, các nhà khoa học và các em sinh viên để tiếp tục phát triển sâu rộng đi vào thực tiễn hơn trong năm 2015.

 

Bích Ngọc – Hồ Hường – Anh Vũ – Hoàng Sang