Sát cánh cùng thanh niên lập nghiệp

25.10

Toàn cảnh hội thảo Tham dự hội thảo, về phía Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh có ông Phạm Xuân Đảng, Ủy viên BCH, Phó Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Đức Hanh – Ủy viên Kiểm tra Trung ương Đoàn.


Tham dự hội thảo, về phía Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh có ông Phạm Xuân Đảng, Ủy viên BCH, Phó Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Đức Hanh – Ủy viên Kiểm tra Trung ương Đoàn. Về phía Đoàn Khối Doanh nghiệp Trung ương có ông Vũ Đức Tú, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đoàn, Phó Bí thư Đoàn Khối Doanh nghiệp Trung ương.
Về phía VCCI có ông Đào Hồng Hùng – Thường trực Đảng ủy, Chủ nhiệm UBKT Đảng ủy, Phó Trưởng ban Tổ chức cán bộ VCCI; ông Lại Hợp Nhân – Phó Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, Tổng Thư ký Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia; ông Phạm Đình Vũ – Bí thư Đoàn Thanh niên VCCI cùng hơn 60 cán bộ Đoàn chủ chốt và Đoàn viên tiêu biểu đại diện cho các đơn vị trong Khối Doanh nghiệp Trung ương.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Lại Hợp Nhân – Phó Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, Tổng Thư ký Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia cho biết, kể từ năm 2003 VCCI đã khởi xướng và chủ trì chương trình khởi nghiệp và giao cho Báo Diễn đàn Doanh nghiệp là đơn vị tổ chức trong suốt 13 năm qua. Trên cơ sở đó, Chương trình đã nhận được sự phối hợp của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, các bộ, ban ngành, các UBND các tỉnh để triển khai nhiều hoạt động khởi nghiệp. Đồng thời, chương trình cũng đã phối hợp với các tỉnh đoàn thành lập các câu lạc bộ khởi nghiệp ở các tỉnh, tổ chức đào tạo tổng thể, hỗ trợ thực tế cho các dự án khởi nghiệp.
Ông Lại Hợp Nhân – Phó Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, Tổng Thư ký Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia
Ông Lại Hợp Nhân cũng cho biết, gần đây nhất VCCI cũng phối hợp với Ban Kinh tế TƯ để triển khai chương trình Diễn đàn Khởi nghiệp. Tại diễn đàn cũng đã đi tới thống nhất sẽ xây dưng đề án để triển khai chương trình Quốc gia khởi nghiệp. “Được sự chỉ đạo của VCCI, Ủy ban kiểm tra trung ương đoàn, Đoàn khối doanh nghiệp TW, chúng tôi mong muốn có sự phối hợp chặt chẽ, tạo thành hệ thống khép kín hơn nữa giữa các đơn vị thực hiện để phát huy được sức mạnh của thanh niên, tạo động lực khởi nghiệp cho các tầng lớp sinh viên, thanh niên” – ông Lại Hợp Nhân nhấn mạnh.

Tại hội thảo, ông Phạm Xuân Đảng cho biết, ngày 21/8/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định 103 về hỗ trợ sinh viên về học nghề và tạo việc làm. Đề án 103 có 4 hợp phần chính trong đó có nội dung trung ương đoàn hỗ trợ thanh niên lập nghiệp. “Để có cái nhìn toàn diện hơn nữa giữa các cơ sở đoàn về việc triển khai chương trình khởi nghiệp, Hội thảo hôm nay tiến hành đánh giá kết quả triển khai và tìm ra được những nội dung phương hướng triển khai trong thời gian sắp tới” – ông Đảng nói.

(Từ trái qua phải): Ông Phạm Xuân Đảng, Ủy viên BCH, Phó Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và ông Vũ Đức Tú, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đoàn, Phó Bí thư Đoàn Khối Doanh nghiệp Trung ương

Theo ông Nguyễn Đức Hanh, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra TW Đoàn thực hiện Đề án “Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008 – 2015” thì công tác hỗ trợ, tư vấn thanh niên khởi sự doanh nghiệp và lập nghiệp được triển khai thực hiện từ đầu năm 2010.

Trong thời gian từ 2010 – 2014, các hoạt động chính được Ban điều hành triển khai của Đề án gồm hỗ trợ tư vấn khởi nghiệp, đào tạo kiến thức khởi sự doanh nghiệp đối với thanh niên, thành lập các Trung tâm, văn phòng hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, phát triển các mô hình hỗ trợ thanh niên lập nghiệp.

Ông Nguyễn Đức Hanh, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra TW Đoàn

Ông Hanh cho biết, Ban điều hành Đề án 103 Trung ương Đoàn đã có sự chủ động phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp để tạo cơ chế, nguồn lực triển khai thực hiện Dự án trong các hoạt động tư vấn, đào tạo và hỗ trợ thanh niên khởi sự doanh nghiệp. Hoạt động của VCCI, Hội doanh nhân trẻ Việt Nam, các Tập đoàn Trung Nguyên, Vietbooks đã bổ trợ tốt các hoạt động của dự án.

Tại hội thảo này, ông Hanh rất mong các cơ sở Đoàn thảo luận, làm rõ hơn về những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện công tác tư vấn, hỗ trợ thanh niên khởi sự doanh nghiệp và lập nghiệp tại đơn vị mình, địa phương mình nói riêng và trên địa bàn toàn quốc; qua đó có những đề xuất với Đảng, Nhà nước, các bộ ngành, tổ chức Đoàn các cấp về việc triển khai thực hiện công tác tư vấn, hỗ trợ thanh niên khởi sự doanh nghiệp và lập nghiệp trong thời gian tiếp theo.

Với tham luận Chỉ số khởi nghiệp toàn cầu – GEM, TS Lương Minh Huân – Trưởng phòng Viện phát triển Doanh nghiệp cho biết, chỉ số khởi nghiệp toàn cầu – GEM được khởi đầu năm 1999, với sự tham gia của 10 nước phát triển. Hiện nay nghiên cứu Chỉ số Khởi nghiệp toàn cầu đã thu hút được khoảng 100 nước tham gia. Nghiên cứu lớn nhất về khởi nghiệp là vào năm 2014 phỏng vấn được 206 nghìn người, đại diện cho 73 quốc gia, chiếm 72,4% dân số thế giới và 90% GDP của thế giới.

Tiến sĩ Lương Minh Huân

Một số điểm đáng chú ý trong Báo cáo chỉ số Khởi nghiệp 2014 cho thấy: Tâm lý lo sợ rủi ro của người khởi nghiệp Việt Nam vẫn khá cao và điều này thể hiện sự lo sợ về rủi ro của nền kinh tế. Do đó, muốn giảm lo sợ thì cần tạo môi trường kinh doanh, tăng đào tạo khởi sự kinh doanh tốt hơn trong giáo dục.

Mong muốn trở thanh doanh nhân của thanh niên

Thực trạng hoạt động khởi sự kinh doanh của thanh niên Việt Nam thấp hơn các nước rất nhiều và thấp hơn năm 2013. Về phân theo độ tuổi: báo cáo cho thấy, khả năng của người trẻ tuổi kém hơn người trung niên nên họ dễ thất bại hơn. “Chính vì vậy chúng ta cần trang bị những kiến thức về đào tạo để có kinh nghiệm tốt hơn khi khởi nghiệp cho thanh niên” – TS Lương Minh Huân nhấn mạnh.

Chủ doanh nghiệp tại Việt Nam theo độ tuổi

Về lĩnh vực kinh doanh khởi nghiệp ở Việt Nam, năm 2014, tỷ trọng khởi nghiệp trong công nghiệp chế biến cao thứ nhất. Báo cáo Chỉ số Khởi nghiệp 2014 cũng cho thấy, tỷ lệ từ bỏ kinh doanh ở người Việt Nam thấp hơn các nước có nghĩa là khả năng bám trục của doanh nghiệp Việt tốt hơn. Thống kê cho thấy, có khoảng 100 người tham gia kinh doanh thì chỉ có khoảng 23 người bỏ. Lý do bỏ là vì sức khỏe cá nhân, do gia đình, do vấn đề tài chính; một số là do vấn đề lợi nhuận; số khác là do tìm thấy cơ hội kinh doanh và việc làm khác.

Dựa trên những chỉ số đó, TS Lương Minh Huân và nhóm nghiên cứu đề ra một số khuyến nghị và đề xuất: Cần đổi mới các chương trình đào tạo, khuyến khích người dân tìm hiểu về công việc kinh doanh, khởi sự kinh doanh và nâng cao năng lực, nhất là thanh niên; Xây dựng các chương trình giảng dạy ở bậc phổ thông theo hướng đào tạo kỹ năng sáng tạo, độc lập, và khả năng làm việc nhóm; Cần hoàn thiện các chương trình đạo tạo doanh nhân ở các trường Đại học – Cao đẳng; Cần phổ biến rộng rãi chương trình “Nhận thức về kinh doanh”; Xây dựng và hoàn thiện các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển kinh doanh; Xây dựng một cơ quan đầu mối tập hợp các chương trình hỗ trợ kinh doanh của Chính phủ; Khuyến khích phát triển kinh doanh trong các lĩnh vực chế biến và dịch vụ cho doanh nghiệp.

Ông Phan Sỹ Linh – Bí thư Đoàn tập đoàn Dầu khí cho biết, là một tập đoàn lớn với 6 vạn cán bộ trong đó có 2,5 vạn đoàn viên, trong những năm qua, tập đoàn Dầu khí thường xuyên tổ chức các hoạt động xã hội, diễn đàn giao lưu trong và ngoài tập đoàn, tổ chức các cơ hội khởi nghiệp cho các bạn thanh nhiên trẻ.

Ông Phan Sỹ Linh – Bí thư Đoàn tập đoàn Dầu khí

Tập đoàn dầu khí cũng hỗ trợ các đoàn viên làm thêm như bán hàng online… Các cơ sở trong doanh nghiệp cũng đã thành lập các hội doanh nhân trẻ lập nghiệp. Tổ chức giao lưu với các trường như ĐH Bách Khoa, ĐH Mỏ địa chất …để định hướng đáp ứng nhu cầu tuyển dụng như gửi ra nước ngoài. “Chúng tôi cũng tạo điều kiện tốt nhất nhằm tránh tình trạng chảy máu chất xám trong tập đoàn” – ông Linh cho biết.

Tham luận với chủ đề “Hỗ trợ thanh niên về khởi sự doanh nghiệp và lập nghiệp” – bà Nguyễn Thị Nam Phương – Bí thư Chi đoàn Báo Diễn đàn Doanh nghiệp trình bày cụ thể hơn về Chương trình khởi nghiệp do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp được VCCI giao cho tổ chức. Bà Phương cho biết, vấn đề khởi nghiệp đã và đang là câu chuyện thời sự – kinh tế của đất nước. Ở Việt Nam, trở thành doanh nhân đang là ước muốn của 67,2% người trưởng thành. Vai trò đội ngũ doanh nhân và doanh nghiệp ngày càng được Đảng và Nhà nước đề cao trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Bà Nguyễn Thị Nam Phương – Bí thư Chi đoàn Báo Diễn đàn Doanh nghiệp

Sau 13 năm triển khai, Chương trình Khởi nghiệp đã thu hút được hàng vạn lượt bạn trẻ với hơn 2.500 dự án và ý tưởng kinh doanh tham gia Cuộc thi và các hoạt động khác. Chương trình đã góp phần khơi dậy được tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên nói chung và sinh viên nói riêng. Rất nhiều bạn trẻ trưởng thành từ chương trình đã trở thành các nhà quản trị, nhà điều hành thành công doanh nghiệp của mình.

Năm 2015, Cổng thông tin Khởi nghiệp (khoinghiep.org.vn) cũng đã được nâng cấp hệ thống, đổi mới giao diện và đa dạng hóa thông tin cũng như các ứng dụng nhằm hỗ trợ cho các bạn trẻ các thông tin liên quan đến hoạt động khởi nghiệp. Tại cổng thông tin Khởi nghiệp, các hoạt động trong khuôn khổ Chương trình Khởi nghiệp cũng được thông tin đầy đủ, chi tiết, kịp thời. Đây sẽ là cầu nối hữu ích để các bạn trẻ tìm kiếm các cơ hội tham gia vào các hoạt động của Chương trình Khởi nghiệp. Đặc biệt, với diễn đàn: forum.dddn.com.vn tại cổng thông tin Khởi nghiệp, các bạn trẻ có cơ hội giao lưu, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm khởi nghiệp cũng như cơ hội hợp tác với những người cùng đam mê khởi nghiệp.

Cũng theo bà Phương, để hỗ trợ tốt nhất cho thanh niên và sinh viên áp dụng những kiến thức đã lĩnh hội để lập ra những dự án khởi nghiệp có tính khả thi trong đời sống kinh doanh, Chương trình Khởi nghiệp cũng đã xây dựng Mô hình Vườn ươm Khởi nghiệp, bao gồm các hoạt động: Tư vấn, đào tạo và cung cấp thông tin khởi nghiệp; Liên kết các Ngân hàng, Tổ chức tài chính, Quỹ đầu tư, hỗ trợ chủ dự án tìm kiếm và tiếp cận các nguồn vốn, các nhà đầu tư…; Tư vấn, hỗ trợ tìm kiếm đối tác, xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu khi triển khai thực tế…

Với mong muốn phát triển mạnh hơn nữa chương trình khởi nghiệp, trong tham luận của mình, bà Phương đưa ra 3 kiến nghị: Thứ nhất, Uỷ ban kinh tế TW Đoàn, Đoàn Khối DNTW chỉ đạo các chi đoàn trong mỗi tập đoàn thành lập các câu lạc bộ Khởi nghiệp trực thuộc tập đoàn, hỗ trợ chương trình khởi nghiệp.

Thứ hai, một trong những hoạt động chính của chương trình khởi nghiệp là tổ chức các buổi giao lưu về khởi sự doanh nghiệp. Do vậy, Chương trình kêu gọi Đoàn Khối DNTW cử/đề xuất các lãnh đạo DN thành công có thể chia sẻ kinh nghiệm nâng cao kiến thức cho thanh niên, sinh viên sẽ và đã khởi sự doanh nghiệp, giúp họ trang bị hành trang vững chắc hơn trên con đường khởi nghiệp của mình về khởi nghiệp.

Thứ ba, phối hợp và xúc tiến các hoạt động kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ đầu tư cho các dự án khả thi, tổ chức các khoá đào tạo khởi sự kinh doanh. Bên cạnh việc triển khai trong hệ thống Đoàn khối Doanh nghiệp TƯ, đề nghị Văn phòng Hiệp hội Doanh nghiệp VCCI triển khai trong hệ thống các Hiệp hội ngành nghề để có những dự án Khởi nghiệp trên thực tế, thiết lập mô hình tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp từ các doanh nghiệp, nghệ nhân với các bạn thanh niên.

Tại Hội nghị, đã có gần 20 tham luận của các đơn vị cơ sở Đoàn là đại diện cho đoàn VCCI, đoàn khối doanh nghiệp TW thực hiện tốt chương trình khởi nghiệp ở cơ sở đã lên trình bày. Các báo cáo đã tập trung vào việc đánh giá vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong xã hội, kết quả của những hoạt động đã triển khai ở từng đơn vị, khó khăn vướng mắc của đơn vị đồng thời đề xuất những giải pháp phương hướng trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận hội thảo, ông Phạm Xuân Đảng, Ủy viên BCH, Phó Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cho biết, đề án 103 về tạo việc làm cho sinh viên Khởi nghiệp nhằm nâng cao nhận thức cho thanh niên và xã hội về vấn đề việc làm . Đề án góp phần đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực theo yêu cầu phát triển của đất nước đồng thời đề án cũng đã hỗ trợ, đoàn kết tập hợp lực lượng thanh niên.

Ông Phạm Xuân Đảng, Ủy viên BCH, Phó Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh
Ông Phạm Xuân Đảng cũng đề nghị, trong thời gian tới, các đơn vị đoàn trong đoàn khối doanh nghiệp TW cần xác định, tập trung vào một số những nội dung chính như: Thứ nhất, nghiên cứu thành lập câu lạc bộ hỗ trợ khởi nghiệp. “Trong các đoàn khối, đối tượng thanh niên, sinh viên rất đông, chính vì vậy cần hỗ trợ cho những đối tượng này. Đây là đối tượng thụ hưởng chính của đề án 103″ – ông nhấn mạnh.
Thứ hai, nghiên cứu xã hội hóa kinh phí để hỗ trợ hoạt động này. Thứ ba, cần xác định đối tượng cụ thể, cần hướng tới đối tượng người nhu cầu, đối tượng thanh niên nông thôn, thanh niên khuyết tật.
Hoàng Sang