Nơi khởi đầu cho những start-up

noikhoidau

Các “vườn ươm” đã thể hiện được năng lực giúp các start-up có đủ sức khỏe để đi vào hoạt động thương mại. Những “trái ngọt” ban đầu cho thấy, việc thành lập, liên kết các vườn đang là hướng đi đúng đắn của toàn xã hội.


Công ty Acis, một start-up Việt với sản phẩm giải pháp nhà thông minh đã xây dựng được thương hiệu trên thị trường và đạt doanh số hàng tỷ đồng mỗi năm. Tương tự, start-up Nấm Việt, sản xuất nấm bào ngư theo phương pháp hữu cơ đã kiếm được tiền tỷ sau khi khẳng định vị thế trên thương trường.

Những chiếc “nôi” khởi nghiệp

Hoạt động ở các lĩnh vực khác nhau, nhưng hai start-up này có một điểm chung là được nuôi dưỡng trong các vườn ươm để vượt qua chặng đường dài đầy khó khăn của một start-up, từ hình thành ý tưởng cho đến phát triển thành một doanh nghiệp có sản phẩm được thị trường chấp nhận và có lợi thế cạnh tranh.

Với Acis, doanh nghiệp lựa chọn phát triển sản phẩm công nghệ cao dùng cho các ngôi nhà, qua đó, ngôi nhà của bạn có các thiết bị điện năng được điều khiển trực tiếp hay từ xa qua những thiết bị cảm ứng trên điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính cá nhân. Ngay khi khởi đầu, Acis đã vấp phải rào cản về vốn, thiếu thốn phòng thí nghiệm, máy móc để phục vụ việc nghiên cứu và phát triển công nghệ. Trong giai đoạn tìm lối đi đúng đắn cho ý tưởng vừa hình thành, Acis đã được vườn ươm của Khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP) nuôi dưỡng, hỗ trợ để phát triển thành một doanh nghiệp độc lập. Nhờ vậy, Acis có được cơ hội phát triển kinh doanh và tăng các nguồn lực để giải quyết bài toán cạnh tranh. Đỗ Nguyên Thanh Đồng, Giám đốc công ty ghi nhận, vườn ươm SHTP đã hỗ trợ Acis rất nhiều về cơ sở vật chất, kết nối với các chuyên gia đầu ngành tại các viện/trường, các công ty nước ngoài nhằm tư vấn về mặt kỹ thuật để hoàn thiện hệ thống sản phẩm Acis. Nhờ những nỗ lực đó và thông qua các chương trình tiếp thị, hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm của Acis đã được thị trường tiếp nhận.

Ở câu chuyện thứ hai, mặc dù vật lộn với dự án trồng nấm sạch trong nhiều năm liền, nhưng start-up Nấm Việt vẫn không phát triển được thị trường và đối diện với sự thua lỗ. Thấy được dự án có tiềm năng về kinh doanh, nhưng quá trình phát triển chưa đúng định hướng, vườn ươm Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM (ABI) đã nhận hỗ trợ cho start-up này. ABI đã giúp Nấm Việt xây dựng lại quy trình trồng nấm sạch bằng việc cung cấp nhà màng trồng nấm nhằm tối ưu hóa môi trường, chống côn trùng gây hại. Nấm Việt được sử dụng các phòng thí nghiệm miễn phí tại ABI để tạo giống, thử các loại phân hữu cơ thích hợp… đồng thời được các chuyên gia nông nghiệp hướng dẫn sâu về mặt kỹ thuật để gia tăng năng suất, tổ chức các khóa đào tạo miễn phí giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại… Và sau thời gian ươm tạo tại ABI, Nấm Việt đã phát triển mạnh mẽ, tạo dựng được thương hiệu trên thị trường.

Ông Nguyễn Hải An, Giám đốc Vườn ươm ABI cho biết, sự thuận lợi của vườn ươm là nằm trong khu công nghiệp, có nền tảng cơ sở vật chất tốt. Do đó, các start-up được hưởng lợi từ hệ sinh thái ổn định và ABI luôn sát cánh đảm bảo cho các start-up vượt qua giai đoạn khó khăn và tăng trưởng.

Khó khăn là có, nhưng các vườn ươm đang rất năng động để tìm kiếm những cách làm mới giúp các start-up có đủ sức khỏe đi vào hoạt động thương mại

Không đứng ngoài cuộc, Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC) cũng có các chương trình đào tạo nâng cao kỹ năng chuyên môn về quản lý doanh nghiệp, nghiên cứu thị trường, xây dựng kế hoạch kinh doanh… cho đến thực hiện những hợp đồng ứng dụng công nghệ thông tin trong nước và gia công xuất khẩu.

Các dự án khi đạt yêu cầu sẽ được chuyển sang giai đoạn ươm tạo chính thức.Thời gian cho giai đoạn này từ 2-3 năm

Tuy nhiên, thế mạnh của từng vườn ươm chính là điểm nhấn quan trọng. Vườn ươm ABI có lợi thế chuyên sâu về nông nghiệp công nghệ cao với các thế mạnh như: công nghệ sinh học nông nghiệp, chọn tạo giống cây trồng, bảo quản và chế biến nông sản… Trong khi đó, Vườn ươm QTSC sẽ mang đến môi trường sinh thái đậm chất công nghệ. Tại đây nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin thành công đang hoạt động hiệu quả sẽ giúp các start-up có cơ hội tiếp cận, học hỏi kinh nghiệm.

So bó đũa chọn cột cờ

Sự thận trọng của vườn ươm có thể hiểu được, vì hoạt động của các trung tâm này được đặt dưới sự quản lý của nhà nước nên khi đi tới quyết định cung cấp nguồn lực công, vườn ươm phải cân nhắc liệu hướng đi của start-up có mang lại hiệu quả để tránh đầu tư dàn trải.

Quá trình ươm tạo start-up được các vườn ươm thực hiện kỹ lưỡng trong từng giai đoạn. Theo ông Lê Thành Nguyên, Giám đốc Vườn ươm SHTP, quá trình phát triển start-up đi theo 3 giai đoạn. Trước hết là “tiền ươm tạo”, kéo dài từ 3-6 tháng, các hỗ trợ của vườn ươm tập trung vào việc chuẩn bị một kế hoạch kinh doanh, hoàn thiện sản phẩm, hỗ trợ văn phòng làm việc và một số dịch vụ khác. Các dự án đạt yêu cầu sẽ được chuyển sang giai đoạn ươm tạo chính thức, giúp đỡ để thương mại hóa sản phẩm, tạo dựng doanh nghiệp có hiệu quả kinh doanh tốt. Thời gian cho giai đoạn này khá dài, từ 2-3 năm. Và cuối cùng là giai đoạn “hậu ươm tạo”, dành cho các start-up đã trưởng thành, nhưng vẫn có nhu cầu sử dụng các dịch vụ hỗ trợ do vườn ươm cung cấp. Mục đích của động thái này là giữ quan hệ với các start-up đã thành công để tham gia chương trình giúp đỡ những start-up mới.

Một cách tương tự, các start-up tại Vườn ươm của QTSC cũng phải mất thời gian 3 năm xây dựng nền tảng quản trị, công nghệ, nguồn nhân lực, mới có cơ hội chuyển thành doanh nghiệp tại QTSC và chính thức gia nhập cộng đồng các doanh nghiệp đang hoạt động thương mại.

Khó khăn là có, nhưng các vườn ươm đang rất năng động để tìm kiếm cách làm mới. Trong năm 2016, các vườn ươm như Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM, Công viên Phần mềm Quang Trung, Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM và Khu Công nghệ phần mềm Đại học Quốc gia TP.HCM đã tập hợp hình thành Câu lạc bộ Ươm tạo doanh nghiệp TP.HCM (HIN). Theo ông Vũ Anh Tuấn, Chủ nhiệm HIN, sự liên kết là rất cần thiết để tận dụng thế mạnh của vườn ươm nhằm phát triển cộng đồng ươm tạo doanh nghiệp, làm cầu nối giữa cộng đồng khởi nghiệp và Chính phủ.

Ông Lê Thành Nguyên cũng cho biết, vườn ươm SHTP đang dẫn dắt các start-up đi vào lĩnh vực mới Internet of Things (IoT) để phục vụ đô thị thông minh, nâng cao chất lượng cuộc sống. Một sân chơi cũng đã được thiết lập nhằm tìm kiếm và phát hiện các start-up hoạt động trong lĩnh vực này. Và những dự án có tính ứng dụng cao sẽ được ưu tiên xét chọn vào chương trình ươm tạo doanh nghiệp IoT tại Vườn ươm SHTP, đồng thời hỗ trợ kết nối với các nhà đầu tư nhằm mở rộng quy mô sản phẩm, đưa sản phẩm ra thị trường

Đăng Lãm