Những giấc mơ vĩ đại bị kìm nén

giac-mo-vi-dai

Giấc mơ của người nổi tiếng cũng bị “ném đá” tương tự và những khát vọng lớn thường bị dè bỉu bởi những người yếm thế.


Câu hỏi về mức lương khởi điểm 2.000 USD/tháng của sinh viên Phạm Thị Thanh bị công kích là “hoang đường, không có cơ sở”. Thực tế thì giấc mơ của người nổi tiếng cũng bị “ném đá” tương tự và những khát vọng lớn thường bị dè bỉu bởi những người yếm thế.

Trong một buổi toạ đàm, nữ sinh Phạm Thị Thanh, sinh viên Học viện Kỹ thuật Mật mã đã thẳng thắn hỏi về cách để có được mức lương khởi điểm 2.000 USD/tháng. Câu hỏi khiến Thanh trở thành tâm điểm của dư luận. Bởi lẽ, người ta viện dẫn những điều đang diễn ra, những dữ liệu đã có để chứng minh rằng Thanh đang sai, đang mơ mộng, thiếu thực tế… câu hỏi của Thanh là “hoang đường”.

Thực ra, Thanh chỉ là người bình thường nói lên một giấc mơ nổi tiếng và bị “ném đá” mà thôi. Điều này lan rộng và trở thành một cơn sốt bởi mạng xã hội. Trước đó, nhiều người nổi tiếng nói lên giấc mơ của mình cũng bị “gạch đá” không thương tiếc và Trương Đình Anh.- nguyên Tổng giám đốc FPT là một trường hợp điển hình.

Được bình chọn là một trong mười thanh niên tiêu biểu của Việt Nam năm 1998, nhận bằng khen của Thủ tướng… khi trả lời một tờ báo lớn, chàng thanh niên (lúc đó) Trương Đình Anh không ngần ngại chia sẻ giấc mơ của mình: thành tỷ phú năm 35 tuổi, thành Thủ tướng năm 40 tuổi.

Vào thời điểm đó (và thậm chí có thể cả hiện tại), giấc mơ lớn và được công khai như thế đều khiến cho dư luận dậy sóng và người nói phải gánh chịu những cơn bão chỉ trích là “hoang tưởng và viển vông“.

Một cán bộ làm ở Trung ương đoàn, nơi đưa ra giải thưởng 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu lúc bấy giờ chia sẻ, Trương Đình Anh bị ném đá là bởi đã nói ra những thứ chưa ai nói, là một phát ngôn “đi trước thời đại” khiến cho người khác cảm thấy lạ lùng. Còn cá nhân cán bộ này, ông bày tở sự ngưỡng mộ đối với Trương Đình Anh.

Nhiều năm sau, thực tế đã cho thấy, mục tiêu trở thành tỷ phú (thực ra là triệu phú đôla) năm 35 tuổi của ông Trương Đình Anh đã hoàn thành còn giấc mơ Thủ tướng thì… “để dành cho con” – như tâm sự của cựu CEO FPT.

Trở lại câu chuyện của nữ sinh đặt câu hỏi về lương khởi điểm 2.000 USD/tháng, ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch SSI đã lên tiếng ủng hộ sinh viên này. Ông chia sẻ: “Tại sao chúng ta lại đi ném đá một bạn sinh viên hỏi học thế nào để đi làm lương 2.000 đôla Mỹ/tháng. Nếu đấy là kế hoạch bước vào đời của bạn ấy hay chỉ là mục tiêu mơ ước thì cũng đều đáng khen ngợi. Là một người bố, tôi sẽ rất tự hào nếu con mình đặt ra những mục tiêu lớn lao hơn bình thường“.

Lãnh đạo cấp cao ở một công ty công nghệ lớn của Việt Nam nhận xét: “Những người yếm thế, thiếu tự tin mới đi ném đá giấc mơ của một bạn trẻ. Cuộc sống thiếu giấc mơ thật tẻ nhạt“. Tuy nhiên, ông này cũng thừa nhận, việc chỉ trích những người như vậy (yếm thế và thiếu tự tin) cũng sẽ gây ra một làn sóng phản ứng dữ dội bởi tâm lý chung ở Việt Nam là như vậy.

Những giấc mơ vĩ đại bị kìm nén

Khi đã chiến thắng Line, Kakao Talk, Viber… để trở thành OTT số 1 Việt Nam, người được coi là cha đẻ của Zalo cũng mơ ước mình có thể sánh vai với những người khổng lồ công nghệ của thế giới. Thế nhưng, người đàn ông này chưa bao giờ dám phát ngôn về những điều to lớn kiểu như vậy với truyền thông hay bày tỏ trên mạng xã hội. Mọi thứ luôn ở mức an toàn để tránh gặp phản ứng từ cộng đồng giống như Trương Đình Anh – người mà ông này coi như “sư phụ” từng gặp.

Chỉ đến khi bước ra nước ngoài, đạt được thành công ban đầu là 2 triệu người dùng với Zalo ở Myanmar, giấc mơ được tuyên bố cũng chỉ là “học tập Viettel”. Những giấc mơ lớn hơn luôn được giấu kỹ để tránh thị phi không cần thiết.

Ngay cả với FPT, công ty vốn có văn hóa “chém gió” đình đám thì kể cả những lãnh đạo kế cận tài năng nhất cũng không còn tuyến bố như kiểu Trương Đình Anh trước đây. Ông Hoàng Nam Tiến – Chủ tịch FPT Software, người được coi là CEO kế tiếp của tập đoàn này khi nói về mục tiêu 1 tỷ USD của công ty phần mềm vào năm 2020 cũng rất mềm mỏng. “Chúng tôi động viên nhau rằng, nếu năm 2020 không đạt được thì năm 2022 sẽ đạt được điều đó“.

Người đứng đầu bộ phận năng động nhất FPT hiện nay cũng khuyên sinh viên là nên trở thành một người làm thuê xuất sắc trước khi khởi nghiệp. Và ông chia sẻ: “Tôi nghĩ có giấc mơ đẹp là tốt nhưng mơ xong rồi cũng phải tỉnh và vẫn phải đi làm“. Ông Tiến khôn có giấc mơ lớn? Không phải. Cũng giống như vị lãnh đạo của Công ty VNG, họ muốn nói điều thực tế làm được, giấc mơ giữ cho nội bộ và riêng mình để đỡ gặp phiền phức.

Và ở công ty được nhiều người ngưỡng mộ nhất về làm điều không tưởng khi ra nước ngoài đầu tư – Viettel, tình hình cũng không có gì khác. Trong lần quyết định truyền giấc mơ “trở thành một công ty vĩ đại” tới mọi nhân viên, lãnh đạo công ty này đã cho in những băng rôn treo khắp các chi nhánh. Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian cực ngắn, tất cả các khẩu hiệu này đã bị dỡ xuống. Nguyên nhân rất đơn giản chỉ vì một vài phản ứng nói rằng đó là những tuyên bố “huyênh hoang, ngạo mạn“…

Trong khi đó, công ty này từng đoạt được những thành tựu mà trước đây nằm mơ cũng rất ít người Việt Nam nghĩ tới. Ra nước ngoài đầu tư và vươn lên trở thành công ty số 1 về viễn thông ở nhiều quốc gia (Campuchia, Lào, Mozambique, Đông Timor, Burundi…) chỉ sau 6 tháng đến 2 năm, vượt qua nhiều tên tuổi lớn của làng viễn thông thế giới kinh doanh tại đó nhiều năm.

Ban lãnh đạo Viettel có giấc mơ xây dựng một công ty vĩ đại, làm những điều vĩ đại nhưng họ chỉ nói với nhân viên của mình và chia sẻ điều đó với bạn bè chứ chưa thể tuyên bố với công chúng.

Làm thế nào để những công ty lớn, những người thành công không còn ngại ngùng khi nói về giấc mơ (có thể hơi viển vông của mình) và khích lệ những bạn trẻ không ngại giấc mơ lớn là một câu hỏi không dễ có câu trả lời.

Theo Bizlive