Nếu nhìn nhận đúng và bắt đầu từ những chương trình, chiến lược đúng đắn thì Việt Nam mới có cơ hội trở thành quốc gia khởi nghiệp.
Là chuyên gia quốc tế về nhượng quyền thương hiệu, tư vấn cho chính phủ Malaysia trong chương trình hỗ trợ doanh nghiệp và khởi nghiệp quốc gia năm 2016, bà Nguyễn Phi Vân đã tự mình khởi động chương trình huấn luyện cho các doanh nghiệp Việt Nam. Suốt một năm “ươm mầm” và làm công việc của “bà đỡ”, bà Vân chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý về khởi nghiệp và loại bỏ trở lực để doanh nghiệp có thể phát triển bền vững.
– Năm 2016, chị tự lựa chọn 5 doanh nghiệp để hướng dẫn, hỗ trợ từ A đến Z phi lợi nhuận. Có thể xem chị là “bà đỡ” cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tổng kết một năm, chị cảm nhận ra sao về các “hạt giống” của mình?
Doanh nghiệp Việt Nam muốn thay đổi, hội nhập và vươn lên cần phải bắt đầu từ những thay đổi căn bản về nền tảng, nội lực và tư duy của chính người chủ doanh nghiệp. Do đó, khi chọn doanh nghiệp để hướng dẫn, hỗ trợ, điều tôi quan tâm nhất là khả năng nắm bắt và thay đổi tư duy của người chủ doanh nghiệp. Sau một thời gian, điều mà tôi tâm đắc là mình đã chạm được vào động lực thay đổi đó. Tôi đã nhìn thấy các chủ doanh nghiệp này hào hứng với những định hướng mới, vượt qua nỗi sợ hãi trước những điều mới lạ và mạnh dạn triển khai những thay đổi lớn về nền tảng quản trị và nguồn lực của chính doanh nghiệp mình.
– Đã làm việc với các doanh nghiệp Việt Nam, huấn luyện cả lý thuyết lẫn thực hành, chị đánh giá đâu là những điểm mạnh và yếu của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam để có thể phát triển lâu dài?
Thật ra doanh nghiệp Việt đều hiểu rằng, cần phải thay đổi, hội nhập và làm khác đi. Tuy nhiên, sau thời gian thực tế hướng dẫn, hỗ trợ cho doanh nghiệp, tôi nhận thấy 3 điểm yếu dưới đây.
Thứ nhất là nỗi sợ hãi. Thay đổi là hằng số duy nhất trong kinh doanh. Ai trong chúng ta cũng hiểu như vậy. Tuy nhiên, cách làm cũ của doanh nghiệp gia đình, cách làm của những ngày cả xã hội khó khăn, thắt lưng buộc bụng đã tạo nên văn hóa và cách làm việc của nhiều doanh nghiệp đến ngày nay. Để có thể mở cửa đón một trào lưu văn hóa mới, cách làm mới với tâm thế mới là điều hết sức khó khăn. Con đường đã đi dù là “lối cũ”, nhưng đã quen thuộc quá rồi. Vì vậy, nỗi sợ hãi trước những đổi mới mà chưa biết tương lai sẽ ra sao làm cho người ta chợt dừng lại với nhiều băn khoăn.
Thứ hai là về tinh thần. Chủ doanh nghiệp là những người rất cô đơn, vì phải một mình đưa ra những quyết định đến sự sống còn của doanh nghiệp, của chính gia đình họ. Đối mặt với những quyết định lớn nhất trong kinh doanh, liên quan đến sự sống còn, họ chỉ có chính mình. Vì vậy, người chủ doanh nghiệp rất cần một mentor (cố vấn dẫn dắt và định hướng) có tầm và có tâm để trở thành người bạn chia sẻ với họ. Họ cần những người bạn trong một cộng đồng có cùng giá trị, chia sẻ những khó khăn và thử thách để hỗ trợ nhau. Khi có một chỗ dựa về tinh thần như thế, người chủ doanh nghiệp sẽ tự tin hơn để đưa ra những quyết định lớn, thay đổi cả nền tảng và số phận của một doanh nghiệp.
Cuối cùng là về phương pháp. Doanh nghiệp biết phải làm gì đó để thay đổi, nhưng họ rất cần được hệ thống lại, bổ sung các kiến thức mới về quản trị trong thời gian vừa kinh doanh, vừa học hỏi để những điều này tạo thành một thể thống nhất từ chiến lược, kế hoạch đến việc triển khai chi tiết thực tế xuống từng phòng ban. Ví dụ, nếu môi trường văn hóa của công ty là xây dựng một tập thể gắn bó, cùng nhau vươn tới những giá trị kinh doanh tốt đẹp, nhưng trên thực tế việc thưởng – phạt không công bằng, minh bạch thì cũng không mang lại hiệu quả. Vì vậy, doanh nghiệp khi muốn thay đổi và hội nhập cần phải tham gia vào một chương trình có hệ thống xuyên suốt, giúp họ nhìn được tổng thể nhưng lại hiểu cách vận hành chi tiết. Nếu không, những buổi huấn luyện rời rạc chỉ làm cho họ bối rối thêm mà thôi.
Tôi cho rằng, nếu khắc phục được 3 điểm yếu trên, doanh nhân Việt sẽ có những cách vận dụng khôn khéo vào sự thay đổi, mang đến thành công cho chính doanh nghiệp mình.
– Vậy theo chị, chủ doanh nghiệp Việt Nam đang ở mức độ nào của hội nhập?
Sau rất nhiều các hội thảo và ngay trong chương trình huấn luyện này, tôi nhận thấy kiến thức và sự chuẩn bị hội nhập của doanh nghiệp Việt còn rất mơ hồ. Tại các quốc gia trong khu vực, việc bổ sung kiến thức, kỹ năng và nguồn lực cho doanh nghiệp hội nhập cấp khu vực và quốc tế đã trở thành những chương trình cấp quốc gia, có sự tham gia của nhà nước, hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp. Tại Việt Nam, tôi chưa nhìn thấy những chương trình xuyên suốt có tầm cỡ như thế và đó là lý do vì sao doanh nghiệp Việt thiếu hỗ trợ cần thiết để sớm hội nhập và phát triển và phải tự thân vận động.
– Năm 2017, chị có dự định tiếp tục chương trình huấn luyện cho doanh nghiệp không? Chị mong muốn gì từ các hạt giống mà chị đang gieo trồng, chăm sóc?
Mỗi năm tôi đều tiếp tục nhận chương trình huấn luyện cho doanh nghiệp mới. Tuy nhiên, sau năm đầu tiên làm thử nghiệm, tôi đã hiểu rất rõ về thực trạng thuận lợi, khó khăn và thử thách của chương trình. Do đó, có thể tôi sẽ đưa ra thêm một số những điều kiện tham gia mới về qui mô và nguồn lực trong năm 2017 để đẩy nhanh quá trình thực hiện cho doanh nghiệp. Tôi sẽ công bố điều kiện tham gia vào đầu tháng 1/2017 và nhận hồ sơ đăng ký đến hết 30/4/2017. Mong muốn của tôi khi triển khai chương trình này chỉ có 2 lý do. Tôi muốn nhìn thấy những doanh nghiệp Việt có nền tảng vững chắc để vươn ra khu vực và thế giới. Điều nữa, tôi muốn xây dựng một cộng đồng những doanh nhân Việt có tâm, có tầm, chia sẻ và giúp đỡ nhau cùng phát triển thương hiệu và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Không làm được điều này, ta sẽ thua rất xa những quốc gia khác trong khu vực.
– Huấn luyện doanh nghiệp phi lợi nhuận, chị có bị quá tải và rơi vào tình huống khó xử khi chị nhận một số và cũng phải từ chối một số khác? Có giải pháp nào vẫn dung hòa được cả nhu cầu của doanh nghiệp lẫn mục tiêu của chị?
Đây là chương trình với tư cách cá nhân, tôi thử nghiệm cho doanh nghiệp Việt Nam, dựa theo trải nghiệm từ những chương trình tương tự tôi đã cố vấn và huấn luyện cho doanh nghiệp theo định hướng của chính phủ Malaysia. Hiện nay, với công việc mang tính cộng đồng này, tôi chỉ có thể thực hiện ở qui mô rất nhỏ với 5 doanh nghiệp mỗi năm. Tôi hy vọng là sau 2 năm, sẽ có một cộng đồng nhỏ những doanh nghiệp đã được huấn luyện sẽ quay lại hỗ trợ và giúp tôi tiến hành các chương trình huấn luyện tiếp theo cho các doanh nghiệp mới. Bên cạnh đó, tôi mong là sẽ có những cá nhân, tổ chức tại Việt Nam vào cuộc để hỗ trợ thêm cho chương trình vì một Việt Nam có tầm hơn nữa trong mắt bạn bè gần xa.
– Từng tiếp xúc với nhiều bạn trẻ có mong muốn khởi nghiệp và truyền cảm hứng cho họ, chị nghĩ gì về khởi nghiệp phiên bản 2017?
Tôi nghĩ năm 2016 là năm của phong trào, khơi gợi tinh thần khởi nghiệp. Tuy nhiên, kết quả không đến từ phong trào. Kết quả đến từ việc thực thi một chiến lược, kế hoạch chi tiết, rõ ràng, có phân công trách nhiệm cụ thể. Do đó, khởi nghiệp phiên bản 2017 cần phải có ban cố vấn nhà nước về khởi nghiệp, cần phải có chiến lược từ cấp quốc gia đến từng địa phương với mục tiêu rõ ràng về sự phát triển bền vững của những doanh nghiệp khởi nghiệp. Tôi từng nói chuyện với các bạn trẻ đã đoạt giải rồi thất bại, đó là do họ thiếu sự hướng dẫn và người đồng hành để thực hiện ý tưởng của mình. Vấn đề không phải là con số bao nhiêu doanh nghiệp khởi nghiệp mà sẽ có bao nhiêu trong số họ thành công và họ đóng góp gì cho sự phát triển kinh tế của quốc gia. Tôi hy vọng 2017 là một năm có những khởi đầu thuận lợi hơn cho cộng đồng khởi nghiệp.
– Chị đã thấy các chương trình khởi nghiệp của Việt Nam trong các năm qua. Theo chị, cần tập trung vào đâu để các chương trình khởi nghiệp đạt hiệu quả và phát huy tối đa nguồn lực của xã hội, trong nước và quốc tế?
Chiến lược sinh ra từ sự cân bằng giữa cơ hội bên ngoài và nội lực bên trong. Khởi nghiệp bắt chước theo phong trào các nước khác là ta đang biến mình thành một phần trong kế hoạch của người khác. Do đó, cần phải có kế hoạch cho chính mình. Để thành công, cần phải hiểu và phân biệt rất rõ các khái niệm và chương trình cụ thể cho cộng đồng khởi nghiệp. Tuy nhiên, không thể có một chương trình dành cho tất cả mọi đối tượng. Người trẻ khởi nghiệp cần sự hướng dẫn, định hướng ngành nghề, hỗ trợ. Người ở độ tuổi 30-40 khởi nghiệp cần sự hỗ trợ khác. Theo thống kê trên thế giới, đây chính là lớp người khởi nghiệp thành công nhất. Doanh nghiệp Việt đã hoạt động nhiều năm cần tái khởi nghiệp lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Quốc gia khởi nghiệp là chiến lược kinh tế của cả một nước. Việt Nam cần định vị mình ở đâu trên trường quốc tế, thế mạnh của ta ở đâu? Chính sách và chương trình khởi nghiệp cần tập trung vào xây dựng chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng, hệ sinh thái trong những ngành chủ đạo nào? Đó là những câu hỏi rất khác mà quốc gia cần trả lời khi khởi nghiệp. Nếu chúng ta có thể nhìn nhận đúng, bắt đầu từ những chương trình, chiến lược đúng đắn thì Việt Nam mới có cơ hội trở thành quốc gia khởi nghiệp.
Đại học Việt Nam phải thay đổi cách tiếp cận
– Chị đánh giá như thế nào về hệ thống giáo dục đại học Việt Nam so với Úc, từ việc định hướng nghề nghiệp, phương pháp giảng dạy đến sự sáng tạo của sinh viên? Liệu có cần thiết mở chuyên ngành đào tạo franchise tại một số đại học của Việt Nam hay chưa?
Khác biệt cơ bản giữa hệ thống giáo dục Việt Nam và một số nước tiên tiến như Úc là cách tiếp cận. Tại Úc, khi học bất kỳ môn nào, học sinh đều phải tự tìm tòi nghiên cứu, đọc rất nhiều sách, đưa ra quan điểm và bảo vệ chính kiến của mình. Cách giáo dục của trường đại học nước ngoài là không dạy kiến thức mà dạy cách nghiên cứu, tìm tòi, đánh giá độ chính xác và đáng tin của nguồn thông tin và sử dụng tư duy phản biện của người học để đưa ra quan điểm cá nhân về đề tài mình đang tìm hiểu. Với cách tiếp cận này, học sinh có thể tự mình giải quyết bất kỳ vấn đề hay đề tài nào họ cần tìm hiểu sau này. Đây là cách tiếp cận mà tôi nghĩ rằng đang rất thiếu và rất cần tại Việt Nam.
– Công việc chính thức đầu tiên của chị là gì và chị học được gì từ công việc này? Trong quá trình khởi nghiệp có thời điểm nào chị đứng trước những áp lực, khó khăn khiến chị nghĩ đến việc bỏ cuộc chưa? Cố Thủ tướng Anh, Winston Churchill có câu nói nổi tiếng: “Không bỏ cuộc, không bỏ cuộc, không bỏ cuộc”, còn Nguyễn Phi Vân có câu châm ngôn gì để giữ cho mình ngọn lửa đam mê?
Công việc chính thức đầu tiên của tôi là làm nhân viên marketing cho khách sạn Saigon Star, lúc đó là một trong những khách sạn có tiếng ở TP.HCM. Công việc này đòi hỏi tôi phải gặp gỡ nhiều người, từ người nước ngoài đến người Việt Nam; từ khách du lịch đến khách làm việc của các công ty. Nhờ vậy, tôi học được sự linh hoạt, cách tiếp cận phù hợp với nhiều nền văn hóa, nhiều tính cách và cách giao tiếp khác nhau. Đây có lẽ là “thu nhập” lớn nhất giúp tôi dễ dàng kết nối, thông hiểu người khác trong công việc sau này. Tôi khởi nghiệp lần đầu, cũng như bao nhiêu người trẻ khác, rất ham hố và tham, cùng một lúc thành lập tới 4 công ty. Dù các công ty có liên hệ mật thiết trong cùng một chuỗi cung ứng, việc một mình quản trị một lúc 4 công ty là quá sức, nhất là đối với một người trẻ vừa khởi nghiệp. Có khi, do áp lực công việc quá lớn khiến tôi mong mình biến thành một làn khói rồi tan biến vào không trung. Tôi học được bài học lớn là không nên làm quá nhiều và dàn trải nguồn lực của mình, làm gì cũng phải tập trung và có chiến lược. Câu châm ngôn tôi thích là: “Sự khác biệt duy nhất giữa người đến và kẻ bỏ cuộc là ý chí đứng lên sau lần vấp ngã”.
– Đọc cuốn “Quẩy gánh băng đồng ra thế giới” của chị, như chị nói, điều lớn lao nhất chị rút ra được trong suốt cuộc hành trình này rốt cuộc rất đơn giản: “Yêu thương và được yêu thương”. Chị đã hòa nhập với thế giới ra sao để có thể ngộ được chữ “thương” đó?
Hành trình đi khắp năm châu bốn bể của tôi thật ra không phải vì tôi tài giỏi. Đâu đó trên thế giới bao la này luôn có người tài giỏi, khôn ngoan hơn bạn nhiều. Để được người ta dạy dỗ, giúp đỡ mình thành công tôi phải biết nương nhờ phần lớn vào sự thương yêu của những người thầy và người bạn. Trên hành trình rong ruổi đó đây, tôi lắng nghe người ta nói chuyện về những thất bại chỉ vì một ai đó không thích một ai đó trong cách hành xử; thất bại vì một người quá đề cao cái tôi không chịu lắng nghe lời giải thích về một sự hiểu lầm… Bản thân tôi cũng đã được cứu nguy nhiều lần chỉ vì mình thật tình giãi bày với người ta. Đó không phải là tài năng mà là sự thương yêu người khác dành cho bạn. Càng đi, càng nghe, càng thấy và bản thân trải nghiệm, tôi càng nhận ra rằng, chữ “thương” quan trọng đến nhường nào. Được thương yêu thì việc gì ta cũng sẽ làm được. Cuộc đời của tôi là một minh chứng và tôi đã đi đến đoạn này của cuộc sống không phải nhờ chữ tài, mà phần lớn là nhờ chữ tâm như thế.
– Chị đã đi nhiều nơi trên thế giới, theo chị bạn bè quốc tế nghĩ gì về đất nước chúng ta? Có thể hy vọng giới trẻ Việt cạnh tranh sòng phẳng với giới trẻ thế giới trong sân chơi thương mại tự do toàn cầu không?
Thế giới đều công nhận người Việt mình chịu khó, ham học hỏi, có tinh thần cầu tiến. Nếu xét về tiềm năng, mình chẳng thua kém, thậm chí có khi còn vượt trội so với nhiều quốc gia châu Á khác. Tuy nhiên, bạn bè quốc tế không thích ở người Việt thứ tư duy ngắn hạn, đặt lợi ích trước mắt lên trên lợi ích lâu dài, đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích chung trong hành xử. Liệu ta có thể cạnh tranh sòng phẳng? Dù là ở mức độ người trẻ cạnh tranh trong công việc hay doanh nghiệp cạnh tranh trên thương trường, tôi cho rằng Việt Nam không thiếu cơ hội và không thua kém về khả năng so với bất kỳ ai. Nếu mỗi người Việt có thể thay đổi tư duy từ ngắn hạn sang dài hạn, từ cá nhân sang cộng đồng, từ Việt Nam sang thế giới, sẽ chẳng có khó khăn gì ngăn cản được Việt Nam.
– Chị nghĩ sao về bản sắc dân tộc? Trong ngành franchise ẩm thực có thể biến phở, nước mắm, chả giò, bánh mỳ trở thành “vũ khí” chinh phục các thành trì ẩm thực toàn cầu không? Bao giờ Việt Nam có thể hãnh diện với các chuỗi nhà hàng lớn vươn ra thế giới?
Hiện nay ẩm thực Việt Nam đang rất được ưa chuộng trên thế giới. Đây là một vũ khí lợi hại để chúng ta chinh phục thế giới, mang văn hóa Việt Nam giới thiệu với quốc tế. Có thể nói, franchise là hình thức phát triển kinh doanh dễ dàng và hiệu quả nhất giúp ẩm thực Việt Nam vươn xa như cách McDonald’s và Starbucks đang làm. Tôi rất tâm huyết với tiềm năng này và bản thân đang đầu tư cũng như đang cố vấn cho một số mô hình ẩm thực Việt Nam để tương lai phát triển ra thế giới. Điều duy nhất tôi khuyên những ai ấp ủ ước mơ mang ẩm thực Việt ra quốc tế là cần suy nghĩ dài hạn, xây dựng nền tảng bền vững ngay từ ngày đầu tiên nếu muốn bước bước dài từ Việt Nam ra thế giới. Không có đường tắt để đi ra thế giới và phải đoạn tuyệt với tư duy ngắn hạn, chỉ thấy cái lợi trước mắt, thiếu đầu tư vào nền tảng quản trị và nguồn vốn con người.
Mơ ước lớn nhất của tôi là nhìn thấy những thương hiệu Việt Nam sải cánh năm châu. Bạn có thể mang một người như tôi ra khỏi Việt Nam, nhưng sẽ chẳng có ai lấy được Việt Nam ra khỏi dòng máu Lạc Hồng đang tiếp sức cho từng bước chân của tôi trên trường quốc tế.
– Xin cảm ơn chị và chúc chị thành công trong năm 2017!
Thiên Thủy – Thành Trung