Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho doanh nghiệp start-up

Nestle6

Việc thực hiện bình đẳng giới, thúc đẩy vai trò của phụ nữ tại nơi làm việc đang là xu thế tiến bộ của thế giới và có vai trò quan trọng tới sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Chính vì vậy, đối với các doanh nghiệp start-up, việc nâng cao nhận thức về bình đẳng giới ngay từ lúc bắt đầu khởi nghiệp sẽ góp phần tạo dựng văn hóa doanh nghiệp và tiền đề cho quá trình xây dựng các chính sách của doanh nghiệp trong tương lai.

Các chính sách của công ty S Furniture theo định hướng tao cơ hội phát triển sự nghiệp, cơ hội thăng tiến, thu nhập dựa trên năng lực cá nhân, không phân biệt nam hay nữ. Ảnh: VGP/Nguyễn Thủy

Bên cạnh cần xây dựng chiến lược để phát triển kinh tế, thì việc đầu tư cho các các chính sách con người, môi trường, trong đó có bình đẳng giới (BĐG) sẽ là một trong những đầu tư thông minh và hiệu quả của những doanh nghiệp (DN) start-up này nếu muốn nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.

Một nghị quyết mới về phát triển DN giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030 vừa được Chính phủ giao Bộ KH&ĐT chủ trì xây dựng. Theo đó, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có tới 1,3-1,5 triệu DN, trong đó có 15-20 DN tư nhân có vốn hóa trên 1 tỷ USD. Trong khi đó, tính đến cuối năm 2020, cả nước mới có khoảng 810.000 DN đang hoạt động.

Như vậy, từ nay đến năm 2025, dự kiến sẽ có khoảng 500.000-700.000 DN mới thành lập và việc nâng cao nhận thức cho cho các DN mới thành lập này về BĐG sẽ có tác động quan trọng tới tiến trình thúc đẩy BĐG trong DN nói riêng và xã hội nói chung.

Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, hiện nay tại Việt Nam còn nhiều DN vừa và nhỏ, cũng như các DN mới khởi nghiệp chưa nhận thức đầy đủ vai trò của BĐG trong sự phát triển của DN mình. Điều đó được thể hiện qua tỷ lệ nam nữ lao động trong các DN này còn chênh lệch cao; nam nữ chưa thực sự bình đẳng về lương thưởng và phúc lợi; còn nhiều bất cập về các chính sách phát triển nhân sự, tuyển dụng… 

Do đó, nâng cao nhận thức nhằm thay đổi tư duy về BĐG cho các doanh nhân khởi nghiệp không chỉ giúp DN start-up (những DN trẻ năng động, đội ngũ kế thừa và tạo ra những thay đổi tích cực cho xã hội) hoạt động hiệu quả hơn mà nó còn góp phần nâng cao năng lực, vị thế của DN đó cho phù hợp hợp với xu thế chung của thế giới.

Xây dựng văn hóa BĐG trong DN ngay từ đầu

Hiện nay, tình trạng “trọng nam, khinh nữ” vẫn đang là một hệ lụy tư tưởng lớn, không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của nữ giới mà còn hạn chế sự phát triển của xã hội. Chỉ khi thay đổi được nhận thức, xóa bỏ định kiến về giới thì mới thay đổi được cách hành xử. Điều này có ý nghĩa quan trọng tới sự phát triển của xã hội nói chung và DN nói riêng.

Theo ThS Lê Quang Bình, Giám đốc Doanh nghiệp xã hội ECUE cũng là người điều hành Phong trào thúc đẩy bình đẳng giới VGEM, để thúc đẩy văn hóa bình đẳng giới trong các DN start-up thì việc đầu tư vào chủ DN là cần thiết.

ThS Lê Quang Bình cho rằng: “Văn hóa DN thể hiện các giá trị của người khởi nghiệp. Vì vậy, nếu các nhà khởi nghiệp tôn trọng BĐG thì chắc chắn họ sẽ xây dựng một văn hóa làm việc bình đẳng cho cả nam và nữ. Tuy nhiên chúng ta đều biết các DN start-up thường gặp rất nhiều khó khăn trong giai đoạn đầu. Chính vì vậy, BĐG nên được tiếp cận lồng ghép vào các nội dung cần thiết khác, đặc biệt khía cạnh quản trị doanh nghiệp và văn hóa DN”.

ThS Lê Quang Bình cho rằng các chủ DN không phải là các chuyên gia về giới, chính vì vậy chỉ cần họ đặt các câu hỏi tại sao cho các khuôn mẫu giới đang làm phụ nữ không xuất hiện nhiều trong các việc liên quan đến công nghệ, xây dựng, hoặc quản lý cấp cao hay tại sao nam giới ít xuất hiện trong các ngành dịch vụ hoặc hành chính. Khi họ hỏi tại sao và tò mò, tìm câu trả lời cho những điều tưởng chừng như đương nhiên ấy, thì chắc chắn họ mới dần xóa bỏ được những định kiến về giới.

Để phát triển bền vững, các chủ DN start-up cần nhận thức được xu hướng thời đại đòi hỏi các công ty cần xây dựng văn hóa tôn trọng sự bình đẳng về giới. Đó là xây dựng văn hóa BĐG trong tuyển dụng, đánh giá công việc; thăng tiến và thực hành văn hóa BĐG trong ứng xử giữa nhân viên với nhau và nhân viên với quản lý/ lãnh đạo; tạo điều kiện để cơ hội phải ngang bằng cho tất cả các giới… 

Đặc biệt, ngay từ khi mới thành lập các DN start-up nên phát triển sự đa dạng giới tính để giúp DN thu hút, giữ chân và tối ưu hóa nguồn nhân lực trong tổ chức bằng văn hóa đa dạng giới tính sẽ giúp DN gặt hái thành quả tốt hơn và góp phần vào lan tỏa rộng trong xã hội. Bởi vì, khi xu hướng hội nhập sâu rộng và cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay thì BĐG ở nơi làm việc ảnh hưởng trực tiếp đến thành công của DN.

Chị Nguyễn Thị Lê An, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần PLA 18, một trong start-up trẻ trung và năng động chia sẻ, muốn xây dựng văn hóa BĐG trong DN của mình bản thân các chủ DN cần hiểu rõ xóa bỏ định kiến về giới là điều cần thiết trong quá trình thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong DN. Ví dụ, ở gia đình không nên quan niệm người phụ nữ phải đảm đương công việc gia đình, chăm sóc cha mẹ, nuôi dạy con cái mà đó là trách nhiệm chung của cả phụ nữ và nam giới. Còn trong DN khi định hướng phát triển, các DN trẻ cần xây dựng chính sách dựa trên xem xét vai trò các yếu tố kinh tế, con người, xã hội cũng như trong quá trình phát triển cần sử dụng, đánh giá vai trò của lao động nam nữ như nhau để có những chính sách, cơ chế phù hợp nhằm thúc đẩy BĐG của DN mình.

Cùng chung quan điểm về việc đưa tiêu chí BĐG vào văn hóa công ty, bà Võ Thị Phương Lan, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp phía nam, trực thuộc Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: “Văn hóa công ty là tài sản vô hình của mỗi DN. Văn hóa công ty sẽ duy trì sự phát triển của DN nhờ truyền được cảm hứng và động lực làm việc cho mỗi nhân viên. Để nâng cao nhận thức của các start-up về BĐG, cách hiệu quả nhất là tổ chức các khóa đào tạo về BĐG cho các chủ DN. Khi có nhận thức đúng về BĐG thì người lãnh đạo DN sẽ thấy được ý nghĩa của BĐG và họ sẽ đưa tiêu chí BĐG vào văn hóa công ty để cùng với các thành viên trong công ty cùng thực hiện, duy trì và phát triển văn hóa đó”.

Khi nhận thức và tôn trọng vai trò của BĐG thì chắc chắn, các nhà khởi nghiệp sẽ xây dựng văn hóa làm việc bình đẳng cho cả nam và nữ. Ảnh: VGP/ Nguyễn Thủy

Đưa BĐG vào chiến lược phát triển của DN

Tại hội thảo về “BĐG phục hồi sản xuất” do Amcham Việt Nam tổ chức ngày 30/11 vừa qua, các diễn giả, nhà kinh tế, DN đều cho rằng trải qua những khó khăn và khủng hoảng vừa qua của đại dịch COVID- 19 càng minh chứng các DN cần có tư duy chiến lược để có thể đối mặt với tất cả mọi tình huống dù khó khăn nhất. Các DN phát triển bền vững sẽ xây dựng mục tiêu một cách có chiến lược với tầm nhìn lâu dài, trong đó tôn trọng yếu tố con người song song với yếu tố kinh tế, đặc biệt coi trọng BĐG và trao quyền cho phụ nữ. Điều đó đã được chứng minh qua thời gian vừa qua trước những thách thức của đại dịch COVID-19 về sự thiếu hụt lao động và thay đổi đơn hàng nhưng những DN có mục tiêu và tầm nhìn dài hạn vẫn duy trì và phát triển được hoạt động của mình.

Những DN nào coi trọng yếu tố con người, có chính sách quan tâm, hỗ trợ cho người lao động trong thời gian diễn ra dịch bệnh thì số lượng người lao động sẽ quay lại DN đó cao hơn những DN không có sự hỗ trợ nào. Như vậy, những DN nào ngay từ đầu khi bắt đầu khởi nghiệp đã xây dựng được chiến lược phát triển bền vững – coi trọng con người, coi trọng sự BĐG trong DN mình sẽ có những giải pháp để ứng phó với khó khăn vừa qua.

Theo đánh giá của Hội đồng Tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp phía nam, hiện nay đa số các start-up cũng đã có nhận thức về tầm quan trọng của các yếu tố môi trường, thực hiện trách nhiệm xã hội, BĐG… tới sự phát triển, nâng vị thế của DN. Có rất nhiều CEO trẻ đã quan tâm chú trọng BĐG là một trong những yếu tố không thể thiếu trong xây dựng chiến lược phát triển và đã đặt BĐG ở vị trí quan trọng tương đương như các chỉ tiêu về doanh số, doanh thu và lợi nhuận của công ty.

Theo chị Nguyễn Thị Lê An, muốn xây dựng các chính sách đúng, đủ và lâu dài về BĐG, các DN start-up cần nhận thức rõ các biện pháp thúc đẩy BĐG phải không bị coi là phân biệt đối xử về giới. Tức là, cần hiểu rõ những biện pháp thúc đẩy BĐG được áp dụng đối với cả hai giới nam và nữ nhằm bảo vệ quyền lợi của cả hai giới, đem lại kết quả tích cực cho các bên chứ không chỉ là biện pháp áp dụng riêng đối với phụ nữ để bảo vệ quyền, lợi ích của riêng phụ nữ.

Anh Huỳnh Thanh Vạn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty S Furniture tại Bình Dương (chuyên sản xuất và xuất khẩu nội thất từ gỗ) mới thành lập được gần 5 năm cho biết, S Furniture không chỉ đã vượt qua được giai đoạn “sống sót” của một DN start-up, nhất là 2 năm vừa qua khi phải đối mặt với đại dịch COVID-19 mà còn bứt phá với doanh thu năm 2021 tăng gấp 2 lần năm trước.

Theo anh Huỳnh Thanh Vạn, mặc dù là DN về gỗ nhưng lực lượng lao động nữ chiến gần 50% và có tới hơn 50% lãnh đạo của S Furniture là nữ, chiếm gần như tất cả các vị trí quan trọng của công ty. 

Ngay từ khi thành lập công ty, anh Huỳnh Thanh Vạn đã coi trọng nâng cao vai trò và thúc đẩy vai trò của phụ nữ. Vì vậy, các chính sách, cơ chế, quy định của công ty theo định hướng xây dựng các chính sách về phát triển sự nghiệp, về cơ hội thăng tiến, về thu nhập dựa trên năng lực cá nhân, không phân biệt nam hay nữ.

Cần sự phối hợp của nhiều bên

Để quá trình BĐG trong xã hội hay ở nơi làm việc, đặc biệt là các DN start-up đạt được hiệu quả cao đòi hỏi sự cam kết của cả tổ chức và các cá nhân, đồng thời có sự tham gia, phối hợp của nhiều bên.

Về phía Nhà nước, lần đầu tiên Chính phủ đã ban hành một Nghị quyết Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. Nghị quyết số 28/NQ-CP phê duyệt Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu tổng quát “Tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước”. Tuy nhiên, để thúc đẩy quá trình thực hiện chiến lược này cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các bên liên quan, đó là sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa Nhà nước, DN và các tổ chức xã hội.

Cần tạo điều kiện để các tổ chức xã hội, DN và các địa phương xúc tiến, triển khai những chương trình, mô hình, hoạt động hiệu quả, thiết thực, có sức lan tỏa và từ đó đúc rút thành kinh nghiệm để nhân rộng ra toàn xã hội…

Ví dụ, những nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ là một sáng kiến chung của UN Women và Cơ quan hiệp ước toàn cầu của Liên Hợp Quốc (UN Global Compact) cung cấp các hướng dẫn thực hiện thúc đẩy BĐG trong DN từ năm 2014 được VCCI, Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (dưới sự hỗ trợ của UN Women) đã xây dựng Bộ tài liệu hướng dẫn vận dụng các nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ trong thực hiện BĐG của DN hoàn thiện và đưa vào áp dụng đại trà trong khu vực DN Việt Nam. Như vậy, với các nguyên tắc này, các DN start-up có thể tham chiếu từ lúc bắt đầu xây dựng chiến lược phát triển công ty từ đó giúp họ có thêm thông tin, kiến thức về vấn đề này. 

Hay năm 2018, với tài trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) thông qua Dự án Investing in Women, Nhóm chuyên gia của Economica đã thực hiện Báo cáo đánh giá tác động của chính sách bảo đảm, thúc đẩy BĐG của người lao động để tham vấn về vấn đề này trong sửa đổi Bộ luật Lao động của Việt Nam với 5 giải pháp cụ thể.

Về phía DN và các tổ chức xã hội, Hội đồng Tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp phía nam cũng đã thường xuyên phối hợp các trường đại học, cao đẳng tổ chức các khóa đào tạo cho sinh viên, cho thanh niên về kinh doanh, về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Theo đó, bên cạnh các kiến thức cơ bản như xây dựng kế hoạch marketing, kế hoạch tổ chức sản xuất, kế hoạch nhân sự, kế hoạch tài chính cho DN, chương trình cũng đã chú trọng tới nội dung về kinh doanh liêm chính, kinh doanh tạo tác động xã hội, trách nhiệm xã hội của DN và BĐG hay thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong DN.

Để đẩy mạnh hoạt động về truyền thông dinh dưỡng cũng như xây dựng mô hình phụ nữ làm chủ kinh tế,  Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Nestlé Việt Nam phối hợp tổ chức chương trình “Nestlé đồng hành cùng phụ nữ”. Giai đoạn đầu của chương trình diễn ra trong 3 năm (2020-2022) và sau đó sẽ tiếp tục mở rộng mô hình trên tất cả các tỉnh trong cả nước nhằm hướng tới tăng cường chất lượng cuộc sống và quyền năng cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ tại khu vực nông thôn giúp nhiều mô hình khởi nghiệp cho chị em phụ nữ phát triển.