Cuộc thi phát động ý tưởng khởi nghiệp trong 3 lĩnh vực gồm: Công nghệ thông tin, Công nghệ thực phẩm và Giải pháp kinh doanh.
Ngày 29/12/2016, tác giả của 10 nhóm ý tưởng khởi nghiệp tiêu biểu, đại diện cho hơn 60 ý tưởng tham gia cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp đợt 1, khu vực 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL (Mekong Startup) đã có được cơ hội trình bày và bảo vệ ý tưởng của mình trước hội đồng giám khảo.
Qua đó Ban tổ chức đã chọn và trao giấy chứng nhận cho hai ý tưởng đạt giải 3 là: Sản xuất và tiêu thụ sản phẩm mứt thanh long ruột đỏ sấy dẻo của sinh viên Nguyễn Tấn Hùng – Đại học Tiền Giang và ý tưởng Trồng và kinh doanh nấm rơm trên cơ chất hổn hợp của Nguyễn Thanh Việt – Trường Cao đẳng Cộng đồng Vĩnh Long.
Ban tổ chức cũng trao 4 giải khuyến khích cho các ý tưởng: Kinh doanh dịch vụ sinh viên Tri thức trẻ của sinh viên Thái Thị Tường An – Đại học Tiền Giang; Sản xuất và phân phối phân hữu cơ vi sinh từ phân bò của tác giả Châu Đăng Quang; Sản xuất và phân phối sản phẩm trà hạt sen hòa tan của Đạo Trọng Nghĩa – Đại học Đồng Tháp và Ứng dụng chế phẩm sinh học vào công nghệ sản xuất: Sử dụng enzim để phân hủy tinh bột và dextranse trong nước mía nhằm để tăng thu hồi đường và nâng cao chất lượng sản phẩm đường tinh luyện của Nhà máy đường Phụng Hiệp.
Nằm trong chuỗi hoạt động của chương trình Khởi nghiệp khu vực ĐBSCL (giai đoạn 2016 – 2020), Mekong Startup 2016 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh tại Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) tổ chức đã chính thức khởi động từ ngày 15/9/2016. Cuộc thi phát động ý tưởng khởi nghiệp trong 3 lĩnh vực gồm: Công nghệ thông tin, Công nghệ thực phẩm và Giải pháp kinh doanh.
Ông Võ Hùng Dũng – Giám đốc VCCI Cần Thơ cho biết: Đây là cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp đầu tiên được tổ chức tại khu vực ĐBSCL. Chỉ trong một thời gian ngắn (2 tháng), cuộc thi đã nhận được 60 đề án tham gia, qua sơ khảo 2 vòng đã có 20 đề án được xét chọn vào chung kết và 10 đề án được báo cáo, bảo vệ trước hội đồng Ban giám khảo.
Theo đánh giá của hội đồng chuyên môn, trong đợt thi lần này chưa có nhiều ý tưởng mới, độc đáo, nhưng đáng mừng là có nhiều đề án tập trung vào lĩnh vực chế biến nông sản, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao- một lĩnh vực được xem là thế mạnh của vùng ĐBSCL.
Tuy nhiên, Ban Giám khảo cũng tỏ ra chưa hài lòng bởi các ý tưởng chưa thực sự xuất sắc để ban tổ chức trao giải Nhất, Nhì như kế hoạch. Chính vì vậy, trong cuộc thi này, Ban tổ chức chỉ trao giải Ba và Khuyến khích.
Theo ông Nguyễn Phương Lam – Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ: ĐBSCL là vùng trọng điểm kinh tế nông nghiệp của cả nước nhưng số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh mới tăng trưởng chỉ bằng ½ trung bình của cả nước.
Nhằm hưởng ứng phong trào khởi nghiệp do Chính phủ phát động, VCCI Cần Thơ đã xây dựng Chương trình Khởi nghiệp khu vực ĐBSCL với tên gọi “Mekong Startup” giai đoạn 2016 – 2020 và định hướng 2030 với mục tiêu cụ thể là hình thành trung tâm khởi nghiệp với 100 chỗ làm việc mỗi năm giai đoạn 2016-2017, kết nối các vườn ươm hiện hữu tạo thành mô hình “đô thị khởi nghiệp” tại Cần Thơ đến 2020.
Chương trình cũng nhằm tạo dựng một lực lượng 1.000 doanh nghiệp mới trong các lĩnh vực về công nghệ, quản trị từ nay đến 2020; Giải quyết trên 5.000 lao động có chuyên môn trực tiếp tham gia cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và 20.000 lao động kỹ năng làm việc gián tiếp; Đồng thời, hỗ trợ đầu vào và kết nối đầu ra cho Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc (KVIP), Vườn ươm Đại học Cần Thơ và các khu ươm tạo khác; Hỗ trợ đăng ký 50 bằng sáng chế (sở hữu trí tuệ) giai đoạn 2016-2020, 500 bằng giai đoạn 2020 – 2030.
“Cuộc thi tuyển chọn ý tưởng dự kiến tổ chức thường niên sẽ là hoạt động khởi đầu cho khởi nghiệp. Tác giả các ý tưởng tốt, đạt giải sẽ được hỗ trợ huấn luyện về kỹ năng và được giới thiệu đến các cơ sở ươm tạo để hiện thực hóa ý tưởng. Nhằm tạo môi trường sinh thái thuận lợi cho khởi nghiệp, chúng tôi cũng đang hướng đến việc xây dựng Trung tâm ươm tạo và văn phòng làm việc phục vụ cho khởi nghiệp. Để các tác giả hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp thì một yếu tố quan trọng không thể thiếu là vốn ban đầu cho dự án. Tuy nhiên, việc tiếp cận các nguồn vốn của những doanh nghiệp này gặp rất nhiều khó khăn do đó việc vận động thành lập quỹ hỗ trợ cho khởi nghiệp để trợ lực cho dự án khởi động là rất cần thiết”, ông Lam chia sẻ.
Huỳnh Khởi