Khởi nghiệp Việt rất cần được đầu tư vốn

startupviet

Một trong những nỗi lo của người khởi nghiệp là vốn. Họ khó trông chờ vào nguồn vốn ngân hàng, do khó chứng minh khả năng về doanh thu, lợi nhuận, dòng tiền trả nợ, cũng như yêu cầu về tài sản bảo đảm.


Trong khi đó, các quỹ đầu tư mạo hiểm theo xu thế và hiệu quả khai thác thị trường ở Việt Nam chưa nhiều. Bấy lâu nay phần lớn chỉ thấy các quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài hoạt động. Chẳng hạn Quỹ Yahoo Japan (Nhật Bản), Quỹ Gobi Partner (trụ sở chính ở Thượng Hải, Trung Quốc), Quỹ Cradle (thuộc Chính phủ Malaysia) đầu tư vào Offpeak – trang ứng dụng tìm kiếm nhà hàng và giảm giá ở khu vực Đông Nam Á – số tiền tổng cộng khoảng 2 triệu USD.

Một quỹ đầu tư từ Nhật Bản và một quỹ đầu tư từ Singapore rót hơn 10 tỷ đồng cho ViCare.vn – trang tìm kiếm thông tin y tế được kiểm định và mang tính xác thực cao. Yello Shopping Media Group (Hàn Quốc) đầu tư vào trang Websosanh.vn, Quỹ CyberAgent (Nhật Bản) đầu tư vào JupViec.vn. Quỹ Fenghe Group (Trung Quốc) và Hancock Revocable Trust (Mỹ) đầu tư vào Vntrip.vn khoảng 3 triệu USD…

Để trở thành một quốc gia khởi nghiệp, rất cần các cấp chính quyền, chủ thể tài chính, doanh nghiệp chung tay xây dựng phương cách gọi vốn cho cộng đồng khởi nghiệp. Theo đó, UBND TP.HCM đã thành lập Quỹ Tài trợ start up (HSIF) với số vốn ban đầu 30 tỷ đồng, sẽ nâng lên 100 tỷ đồng trong bốn năm tới.

Nguồn vốn của HSIF do Ngân hàng Phương Đông, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM và Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM đóng góp. Với HSIF, start up hoạt động trong bất cứ lĩnh vực nào cũng có thể tiếp cận. Với sự tham gia của những nhà đầu tư sáng lập Quỹ HSIF là ngân hàng, doanh nghiệp lớn sẽ đem đến các giá trị thương hiệu, khách hàng, mối quan hệ cho các start up nhận được đầu tư.

Bên cạnh đó, các nhà sáng lập Quỹ am hiểu thị trường địa phương cũng là một lợi thế đối với một số ngành nghề, một số giai đoạn trong vòng đời doanh nghiệp. Nguồn quỹ “thuần Việt” này của các nhà đầu tư là hướng đến mục tiêu gia tăng nội lực cho các start up sớm tăng trưởng ngay trong nước thay vì đăng ký kinh doanh ở quốc gia khác như đã diễn ra khá phổ biến.

Một quỹ thuần Việt khác là FPT Ventures của Tập đoàn FPT chuyên về đầu tư mạo hiểm, được kỳ vọng đem lại “luồng gió mới” cho cộng đồng khởi nghiệp. FPT Ventures có số vốn 3 triệu USD, sẽ chuyên đầu tư cho các start up Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ.

Theo đó FPT Ventures cung cấp nguồn vốn ban đầu, hỗ trợ nơi làm việc, cố vấn, kinh nghiệm mở rộng thị trường, khách hàng, hạ tầng kỹ thuật, marketing và truyền thông cũng như mối quan hệ với các quỹ đầu tư trên thế giới để các start up triển khai sản phẩm trong nước và từng bước mở rộng ra khu vực.

Ở mảng khởi nghiệp nông nghiệp cũng đã có một quỹ đầu tư từ Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu (LBC). Cách làm cũng là đầu tư vốn cho start up và dùng kinh nghiệm, khả năng quản trị của các tổng giám đốc, chủ các doanh nghiệp đã thành công, chuyên gia kinh tế tại LBC để hỗ trợ định hướng cho start up. Có khác một chút là quỹ này sẵn sàng đầu tư vào ý tưởng chứ chưa cần triển khai thực tế.

Đáng chú ý nữa là Đề án Thương mại hóa công nghệ theo mô hình mẫu Thung lũng Silicon tại Việt Nam do Bộ Khoa học và Công nghệ khởi động nhằm kích thích sự tăng trưởng của các start up thông qua những chương trình huấn luyện và phát triển doanh nghiệp kết hợp với một mạng lưới chuyên gia trên thế giới.

Đề án này có nguồn tài chính cho start up theo hình thức quỹ đầu tư Accelerator (vốn mồi). Có nghĩa start up sẽ nhận được một khoản vốn để “gieo mầm”, và những chỉ dạy để vững vàng trên con đường khởi nghiệp. Sau đó các start up sẽ được hỗ trợ kết nối với các quỹ đầu tư khác để lớn mạnh. Cách làm này tương tự những “vườn ươm” tại Khu Công nghệ cao TP.HCM, hay Công viên Phần mềm Quang Trung.

Để động viên tinh thần khởi nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng Chính phủ cần tham gia đầu tư trực tiếp và mạnh mẽ hơn nữa. Bài học thực tế có thể nhìn thấy qua việc Chính phủ Israel vận hành Quỹ Đầu tư Bird trong suốt 9 năm, tính đến năm 2015 đã hỗ trợ 1.000 doanh nghiệp khởi nghiệp. Hay Chính phủ Hàn Quốc đã xây dựng Sàn Giao dịch KONEX dành cho start up, vốn hóa được 4,1 tỷ USD…

Theo DNSG