Bà Mandy khuyên các bạn khởi nghiệp nên suy nghĩ về những giá trị “mềm” mà mình có thể nhận được từ các nhà đầu tư hơn là tiền, vì “có nhiều tiền đôi khi lại hỏng việc”.
Bà Mandy Nguyễn thuộc Quỹ Startup Vietnam Foundation (SVF) khuyên các bạn khởi nghiệp nên suy nghĩ về những giá trị “mềm” mà mình có thể nhận được từ các nhà đầu tư hơn là tiền, vì “có nhiều tiền đôi khi lại hỏng việc”.
“Bên khởi nghiệp kêu khó gọi vốn, nhà đầu tư lại than thở không tìm thấy dự án khởi nghiệp để đầu tư. Vậy vấn đề nằm ở chỗ nào?” – bà Mandy Nguyễn đặt câu hỏi.
Đừng đòi nhiều ‘của hồi môn’ khi gọi vốn
“Tìm nhà đầu tư không khó, chỉ cần lên Facebook dạo một vòng là có thể ra được một loạt thông tin. Tuy nhiên, quan trọng là làm sao thuyết phục được nhà đầu tư. Giữa một số công ty khởi nghiệp và nhà đầu tư có quá nhiều khác biệt về kinh nghiệm cũng như tư duy, khiến cho việc thương thảo luôn gặp trục trặc”, bà Mandy Nguyễn cho biết.
Cái nhà đầu tư cần là bên khởi nghiệp trình bày được tiềm năng phát triển của ý tưởng, sản phẩm. Trong khi đó với kinh nghiệm tài chính ít ỏi, những nhà khởi nghiệp lại chú trọng vào việc gọi được vốn càng nhiều càng tốt.
“Nhiều bạn có tư tưởng công ty của mình đẻ ra là con gái cưng, khi gả đi thì phải đòi của hồi môn cho nhiều, trong khi không thật sự hiểu rõ được giá trị cốt lõi của mình. Các bạn thấy công ty khởi nghiệp khác tương tự mình gọi vốn được một khoản, thì mình cũng nhất định gọi cho bằng số đó. Đây là một điều rất sai lầm”, bà Mandy nói.
Bà cũng nêu lên một vấn đề rằng nhiều bạn khởi nghiệp có tầm nhìn ngắn hạn, không chỉ trong tư duy về sản phẩm mà ở cả những mối quan hệ: “Các bạn khởi nghiệp rất thất vọng khi nghe bên Quỹ SVF dành ít tiền để đầu tư cho các dự án. Nhưng họ không biết rằng những kiến thức, kỹ năng mà SVF đầu tư, không thể mua được bằng tiền”.
Để được SVF chọn đầu tư, một dự án khởi nghiệp phải trải qua nhiều giai đoạn thẩm định. Đầu tiên là phải vượt qua vòng tuyển chọn hồ sơ, sau đó tham gia buổi thuyết trình sản phẩm trước hội đồng những chuyên gia của lĩnh vực dự án đang thực hiện.
Sau khi ‘bắt mạch’ được vấn đề, SVF sẽ tiến hành ‘kê đơn’. Đơn thuốc có thể là tiền hoặc là những kết nối. Các dự án khởi nghiệp yếu về tài chính hay marketing… sẽ được hỗ trợ nguồn lực để cải thiện. Nếu tư duy chưa ổn, sẽ gửi đi học các khóa đào tạo, học hỏi kinh nghiệm từ những người thành công
Bà Mandy khuyên các bạn khởi nghiệp nên suy nghĩ về những giá trị “mềm” mà mình có thể nhận được từ các nhà đầu tư hơn là tiền, vì “có nhiều tiền đôi khi lại hỏng việc”.
Xem nhà đầu tư như người cố vấn
Bà Mandy ví nhà đầu tư và bên khởi nghiệp có mối quan hệ giống như hôn nhân. Trước khi kết hôn, ai cũng có hình mẫu lý tưởng cho mình về ngoại hình, tính cách, khả năng tài chính… Thường thì rất khó để gặp được người đáp ứng đầy đủ tố chất, nên phải có thời gian tìm hiểu lẫn nhau.
“Hai bên phải tìm hiểu kĩ để xem có thể gắn kết với nhau trên cả một chặng đường dài được không. Và các bạn khởi nghiệp nên nhìn các nhà đầu tư trước hết ở vai trò một người cố vấn”, bà Mandy chia sẻ.
Khi nhà đầu tư được nhìn dưới góc độ người cố vấn thì sẽ dễ chia sẻ những khó khăn, cũng như tiếp nhận lời khuyên của họ hơn. Bởi vì nhà đầu tư lúc này giống người bạn, người thầy hơn là người gây ra áp lực cho dự án khởi nghiệp vì đã bỏ ra rất nhiều tiền đầu tư.
“Mối quan hệ của hai bên là hợp tác trao đổi, không phải xin – cho”, bà Mandy nói.
SVF là tổ chức xã hội phi lợi nhuận của Việt Nam. SVF hỗ trợ, khuyến khích và thúc đẩy các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt bằng cách thu hút và thúc đẩy việc sử dụng các quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước và nước ngoài.SVF được thành lập để tôn vinh việc thương mại hóa các ứng dụng khoa học và công nghệ Việt Nam đối với doanh nghiệp.
Theo Khampha