Chủ đề khởi nghiệp đang gây sốt tại Việt Nam, đi đến đâu cũng nghe thấy người ta nói về khởi nghiệp…
Khái niệm khởi nghiệp (startup) dường như vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam khi bước vào thế kỷ 21 mà người dân còn đang phải vật lộn với miếng cơm manh áo và chưa thoát khỏi cảnh “buôn thúng bán bưng”.
Ngày xưa, khởi nghiệp có khi là việc mua một chiếc xe kéo hay bán được ổ bánh mỳ ở ven đường. Ngày nay, có lẽ khái niệm khởi nghiệp mang một màu sắc khác, và sự thay đổi này vừa là thách, những cũng lại chính là cơ hội để cuộc sống khấm khá hơn.
Các chuẩn mực văn hóa ở Việt Nam là cái nôi nuôi dưỡng chí làm giàu của nhiều doanh nhân Việt. Tuy nhiên, đôi khi đó cũng là rào cản trong việc tiếp cận vốn bởi tâm lý người Việt ngại vay mượn, kể cả đi vay để kinh doanh. Nhiều người chọn cho mình phương án an toàn là “đủ ăn”, trong khi số người vươn lên để có “của ăn, của để” còn khá hạn chế bởi chỉ có người “có gan” mới làm giàu được.
Trong bối cảnh hiện nay, các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia, các trường đại học, các viện nghiên cứu đã bắt đầu coi các ý tưởng mới trong kinh doanh là chìa khóa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong tương lai. Cũng có một số tổ chức “ươm mầm” cho các dự án khởi nghiệp và sẵn sàng “đỡ đầu” các ý tưởng kinh doanh có triển vọng. Trong số đó có tổ chức Hatch đã đồng hành với các dự án khởi nghiệp được mấy năm nay, được coi là cầu nối hiệu quả giữa các nhà khởi nghiệp với nhà đầu tư và truyền thông.
Ông Aaron Everhart – một trong những nhà đồng sáng lập tổ chức Hatch – cho hay, các ý tưởng khởi nghiệp luôn được đánh giá cao. “Nếu bạn có ý tưởng kinh doanh, hãy biến nó thành một kế hoạch kinh doanh cụ thể, bỏ vào vali rồi thuê xe đến gặp gỡ các đối tác ở ngân hàng,” vị chuyên gia này chia sẻ.
Theo Aaron Everhart, môi trường khởi nghiệp ở Việt Nam hiện nay giống như ở Mỹ hồi những năm 1990. “Tôi cảm nhận rằng, chủ đề khởi nghiệp đang gây “sốt” tại Việt Nam. Đến Việt Nam ở thời điểm này đi đâu cũng nghe người ta nói về khởi nghiệp”, ông nói.
Hiện nay, tổ chức Hatch được coi là một diễn đàn khá “rôm rả” đối với các nhà khởi nghiệp để cùng gặp gỡ trao đổi, tìm đối tác, tìm kiếm các nhà tài trợ. Hiện tại, các dự án khởi nghiệp ở Việt Nam đang tập trung vào lĩnh vực công nghệ, nhưng trong tương lai sẽ mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác, Aaron Everhart nhận định.
Theo VOV/Forbes