Israel thực hiện chiến lược startup như thế nào?

kinhnghiemkhoinghiep-768x516

Để thu hút đầu tư và phát triển cộng đồng startup, Israel thực hiện chiến lược quốc gia với hàng loạt chính sách như khuyến khích lập vườn ươm startup, ưu đãi thuế, rót vốn, đào tạo tập trung môn Toán và tiếng Anh, đẩy mạnh xuất khẩu công nghệ, hợp tác tài trợ R&D với các nước…


Tại hội thảo “Tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam – Bài học thực tiễn Israel” diễn ra tại Hà Nội ngày 21/9, bà Esther Barak Landes, nhà sáng lập kiêm CEO của Nielsen Innovate Fund (một vườn ươm công nghệ hàng đầu tại Israel) chia sẻ, tại quốc gia có dân số khoảng 8,5 triệu người này, mỗi năm có 6500 công ty công nghệ ra đời.

Hiện quốc gia này đứng số 1 về thu hút đầu tư mạo hiểm (không tính Hoa Kỳ), đứng số 1 về năng lực đổi mới, đứng số 2 về tinh thần doanh nhân, đứng thứ 3 về số lượng công ty được niêm yết trên sàn chứng khoán NASDAQ.

Theo thống kê, năm 2015 các startup Israel gọi vốn được 4,5 tỷ USD, có 8 phi vụ IPOs trị giá 609 triệu USD và có 104 phi vụ thoái vốn trị giá 9,02 tỉ USD (trong đó 50% do Mỹ và 30% do Israel mua lại).

Bà Esther Barak Landes cho rằng, những kết quả trên không diễn ra tự nhiên, mà đó là một chiến lược quốc gia.

Chia sẻ về cách làm của Israel trong vấn đề thu hút các nhà đầu tư, bà Esther Barak Landes cho hay Israel có 24 vườn ươm khởi nghiệp của Chính phủ, mỗi vườn ươm luôn có khoảng 180 công ty, với hơn 50 chương trình tăng tốc khởi nghiệp. Quỹ khởi nghiệp tại quốc gia này thu hút gần 1000 hồ sơ nộp vào mỗi năm.

Mỗi vườn ươm cần có 1 giấy phép hoạt động có giá trị trong 8 năm. Để khuyến khích, Israel cho phép mọi đối tượng đều có thể tham gia xin cấp phép, dù là tổ chức trong nước hay nước ngoài.

Bên cạnh đó, Israel hiện có 220 quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tư. Trong đó có 14 quỹ đầu tư mạo hiểm quốc tế có văn phòng tại Israel. Ngoài ra chưa kể còn có hàng trăm quỹ đầu tư thiên thần, hàng trăm quỹ từ các công ty, ngân hàng đầu tư, mạng lưới trung gian.

Đối với vấn đề thúc đẩy phát triển cộng đồng startup, cũng theo bà Esther Barak Landes,, Chính phủ Israel cung cấp nhiều hỗ trợ cho cộng đồng này như tài chính, ưu đãi thuế, thỏa thuận thương mại, đào tạo, ưu đãi thuế cho nhà đầu tư nuớc ngoài…

Startup thường được đào tạo 2 năm với ngân sách từ 500.000 – 800.000 USD. 85% ngân sách do Chính phủ tài trợ và sẽ được công ty hoàn trả lại sau khi thoái vốn thành công.

3-5% tiền bản quyền được trích cho Chính phủ từ doanh thu cho đến khi khoản tài trợ (bao gồm tiền lãi) được hoàn trả.

Ngay từ năm 1991, Chính phủ đã đầu tư cho 1700 startup. Các vườn ươm giúp thành lập ra 70 – 80 startup mới mỗi năm.

Tính đến nay đã có hơn 1500 startup tốt nghiệp các vườn ươm, trong đó 60% gọi vốn đầu tư thành công và 40% vẫn đang hoạt động tốt.

Theo ước tính, mỗi 1 USD Chính phủ đầu tư, các startup tốt nghiệp sẽ gọi được thêm 5-6 USD từ các công ty mạo hiểm, các nhà đầu tư thiên thần, các tập đoàn và những nhà đầu tư khác.

Ngoài những chính sách nói trên, Israel còn đưa ra hàng loạt chính sách như ưu đãi thuế cho doanh nghiệp trong nước, ưu đãi thuế cho đầu tư nước ngoàitại Israel, khuyến khích phụ nữ làm việc trong lĩnh vực công nghệ, đào tạo tập trung môn toán và tiếng Anh trong giáo dục cấp phổ thông, đẩy mạnh xuất khẩu công nghệ, hợp tác tài trợ R&D với các nước trên thế giới…

Theo doanhnhanthanhdat