Hơn 200.000 cử nhân thất nghiệp năm 2017: Sao phải bi quan?

nam2017-thatnghiep

Nhìn theo hướng tích cực, số lượng hơn 200.000 cử nhân thất nghiệp sẽ là nguồn nhân lực quý để hình thành một nền kinh tế khởi nghiệp cân bằng và lành mạnh.


Theo dự báo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, năm 2017, số lượng người thất nghiệp có bằng cử nhân tiếp tục gia tăng, hơn 200.000 người so với năm 2016.

Nhiều ý kiến bi quan về con số này. Nó có thể phản ánh phần nào bộ mặt của một nền kinh tế thiếu cơ hội việc làm; Phản ánh phần nào chất lượng đào tạo của hệ thống giáo dục đại học, khiến những sinh viên tốt nghiệp đại học không đáp ứng được nhu cầu lao động…

Nhưng nếu nhìn theo hướng tích cực, nếu phần lớn kỹ sư, cử nhân đều hài lòng với việc làm công ăn lương, sẽ không có phong trào khởi nghiệp. Vì thế, con số hơn  200.000 người thất nghiệp có bằng cử nhân, dù chất lượng có thể không tương xứng với bằng cấp, vẫn là điều kiện cần để thúc đẩy một nền kinh tế khởi nghiệp.

Tháng 8/2016, Nguyễn Thanh Tú – một lập trình viên sau 5 năm thất nghiệp đã nhận được gần 1 tỷ đồng tài trợ khởi nghiệp từ Facebook cho dự án khởi nghiệp viết games cho di động. Trước đó, chỉ bằng một trò chơi mày mò tự viết trong lúc thất nghiệp, người đàn ông này đã kiếm được khoản tiền trên dưới 5.000 USD/tháng. Đó là thu nhập mà rất nhiều lập trình viên có công ăn việc làm ổn định phải mơ ước.

Không phải cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp nào cũng khởi nghiệp thành công và có được vận may như Tú. Song, nếu không thất nghiệp, có lẽ Tú cũng sẽ giống như rất nhiều người khác, chấp nhận một vị trí làm công ăn lương, thỉnh thoảng mua xổ số để hy vọng một cơ hội đổi đời.

Hơn 200.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp là một áp lực để thay đổi sự lựa chọn con đường của một thế hệ thanh niên mới. Khi mà việc tìm kiếm một công việc phù hợp với trình độ đào tạo không còn dễ dàng nữa, động lực khởi nghiệp sẽ trở nên rõ nét hơn.

Sẽ có nhiều quyết định khởi nghiệp xuất hiện ở những lao động có trình độ thay vì cố gắng tìm kiếm một vị trí làm công đang ngày càng khan hiếm.

Nếu tỷ lệ thất nghiệp rơi vào nhóm người lao động không qua đào tạo cao mới đáng lo ngại. Bởi như thế đồng nghĩa là nền kinh tế sản xuất bị đình đốn, và các nguy cơ về xã hội sẽ theo đó mà gia tăng khi họ không thể tiếp cận những cơ hội mưu sinh thay thế.

Còn với những lao động có trình độ cử nhân, thạc sĩ, những người có kỹ năng chuyên môn nhất định, có khả năng nhất định trong việc tiếp cận thị trường, công nghệ và tri thức mới, họ ít nhiều có khả năng kiến tạo cơ hội khởi nghiệp, không những tạo ra giá trị cho bản thân, mà còn tạo thêm những việc làm mới.

Có một thực tế là đa số các cơ hội việc làm của nhóm lao động có bằng cử nhân, thạc sĩ đều tập trung tại khu vực đô thị. Trong số hơn 200.000 cử nhân thất nghiệp… phần lớn thoát ly từ khu vực nông thôn và không trở về làng quê của mình, nơi mà bao lâu nay thiếu vắng những nhân tố kiến tạo. Khi nguồn nhân lực có trình độ cao gặp khó khăn tìm kiếm việc làm ở thành phố thì lựa chọn về quê tìm cơ hội sẽ được nhiều người nghĩ đến.

Một sự dịch chuyển dòng lao động có trình độ cao từ thành thị về nông thôn có thể chưa diễn ra một cách ồ ạt ngay lập tức. Song, chắc chắn, đó sẽ là câu chuyện của tương lai không xa, khi mà các điều kiện về hạ tầng ở khu vực nông thôn được cải thiện.

Với nhu cầu tự nhiên về việc làm, với những điều chỉnh chính sách vĩ mô nhằm tạo ra môi trường thuận lợi cho khởi nghiệp ở nông thôn, số lượng hơn 200.000 cử nhân thất nghiệp sẽ là một nguồn nhân lực quý để hình thành một nền kinh tế khởi nghiệp cân bằng và lành mạnh.

Theo khampha