Với mong muốn tạo ra cơ hội cho nhiều dự án, nhiều ý tưởng được hiện thực hoá, đồng thời lan toả tinh thần nghiệp chủ, phát huy sức sáng tạo trong thanh niên, sinh viên cả nước, năm 2016, Chương trình Khởi nghiệp sẽ triển khai đồng bộ các hoạt động hỗ trợ thiết thực.
TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI và ông Phạm Minh Huân – Thứ trưởng Bộ LĐTBXH (thứ 5 từ phải sang), các thành viên Hội đồng thẩm định cùng các nhóm Dự án đạt giải Cuộc thi Khởi nghiệp 2015.
Sau 13 năm triển khai, năm 2015, Chương trình Khởi nghiệp đã chứng tỏ được sức hút, khả năng lan toả với 412 đề án kinh doanh của gần 1.000 thanh niên, sinh viên đến từ 25 tỉnh, thành phố và 48 trường Đại học, Học viện, Cao đẳng tham dự Cuộc thi Khởi nghiệp.
Hiệu ứng lan toả
Một tín hiệu đáng mừng nữa là các lĩnh vực kinh doanh của các đề án tham dự Cuộc thi năm nay rất đa dạng: Nông nghiệp, sản xuất, thương mại – dịch vụ, công nghệ. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp và công nghệ thông tin được quan tâm nhiều hơn cả. Điều này chứng tỏ các bạn trẻ đã rất nhanh nhạy nắm bắt được xu hướng thị trường, tập trung vào các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam. Đặc biệt, trong số 9 dự án vào vòng chung kết cuộc thi Khởi nghiệp, đã có 4 dự án triển khai thực tế. Bởi hơn cả thứ hạng, hơn cả giải thưởng, tinh thần, ý chí dấn thân khởi nghiệp kinh doanh đây chính là mục tiêu mà Chương trình mong muốn.
Để có được kết quả trên, năm 2015, Ban tổ chức đã chú trọng nhiều đến hoạt động đào tạo khởi sự kinh doanh từ những lớp cơ bản dạy về khái niệm kinh doanh, hướng dẫn tìm ý tưởng kinh doanh, chuyển giao format cho các trường, cụm trường. Ban tổ chức cũng đã tổ chức 14 lớp đào tạo trên khắp cả nước. Đồng thời tổ chức nhiều cuộc giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp của các doanh nhân thành đạt. Đặc biệt, tháng 6 vừa qua, VCCI đã phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Diễn đàn Khởi nghiệp với tinh thần thúc đẩy “khát vọng kinh doanh Việt” cũng như nâng cao hiệu quả các chính sách và chương trình hỗ trợ khởi nghiệp ở Việt Nam.
Chia sẻ sau khi nhận giải, Nguyễn Văn Tới – đại diện cho nhóm tác giả đạt giải Nhất (Dự án Sản xuất kinh doanh các sản phẩm từ cây cacao Việt Nam) cho biết: Thông qua Chương trình, nhóm đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ Ban tổ chức cũng như nhà trường, qua đó bổ sung, hoàn thiện và nâng cao tính khả thi của dự án. Hơn cả giải thưởng, với những ý kiến đóng góp đã nhận được nhóm có thêm tự tin và mong muốn nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư để dự án triển khai thành công trong thực tế góp phần phát triển cây ca cao tại Việt Nam.
Thúc đẩy hiện thực hoá
Theo BTC, để tăng cường hoạt động hỗ trợ Khởi nghiệp, trong năm 2016, Ban tổ chức Chương trình Khởi nghiệp sẽ tổ chức trên 10 cuộc giao lư và đào tạo trên toàn quốc. Đồng thời tăng cường tìm các nhà đầu tư cho những dự án có tính khả thi cao để triển khai thực tiễn; Hỗ trợ thành lập DN từ các dự án đạt giải hoặc dự án khả thi; Mở rộng liên kết các vườn ươm DN; Mở rộng chuyển giao format cho các trường tổ chức cuộc thi Khởi nghiệp ở các cụm trường và khu vực, tiến tới Báo Diễn đàn DN chỉ nhận các bài dự thi đạt giải từ các cụm trường đại học hoặc các khu vực trong cả nước; Tập trung đẩy mạnh phát triển Chương trình Khởi nghiệp ở khu vực miền Trung, tiến tới thành lập Hội đồng Tư vấn khởi nghiệp khu vực miền Trung; Vận động tài trợ để có thêm kinh phí cho việc duy trì hoạt động khởi nghiệp, tiến tới thành lập Quỹ Khởi nghiệp. “Chúng tôi đã bàn bạc và có giải pháp cho năm tới. Trong đó tập trung, tăng cường đào tạo cho các trường ở vùng xa; tăng cường các lớp giảng viên nguồn để tạo các hạt nhân lan toả” – đại diện BTC cho biết.
Theo khảo sát mới nhất do Trường Đại học hàng đầu nước Đức (TUM), Cty nghiên cứu thị trường Gesellschaft fuer Konsumforschung (GfK) và Tập đoàn đoàn bán hàng trực tiếp Amway thực hiện có chủ đề “Định nghĩa tinh thần khởi nghiệp”, Việt Nam được xếp đứng thứ 7 trong số 44 nước tham gia khảo sát có tinh thần khởi nghiệp cao nhất thế giới. Điều này cho thấy khởi nghiệp đang là một trong những lựa chọn hàng đầu của thanh niên tại Việt Nam.
TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI cho rằng: Chưa bao giờ cụm từ Khởi nghiệp được nhắc tới nhiều như hiện nay. Việc phát động tinh thần khởi nghiệp ở Việt Nam, phát động tinh thần coi trọng doanh nhân, coi trọng tinh thần kinh doanh không chỉ là nhiệm vụ của Chính phủ, Bộ, Ngành mà làm sao phải để sự lựa chọn trở thành người kinh doanh phải trở thành sự lựa chọn hàng đầu của những người ưu tú của cả dân tộc. Sứ mệnh của doanh nhân và khát vọng trở thành doanh nhân phải trở thành động lực chủ yếu của xã hội nếu đất nước ta muốn vươn lên sánh ngang với các cường quốc năm châu. “Ban tổ chức Chương trình Khởi nghiệp kỳ vọng đội ngũ thanh niên, sinh viên sẽ chọn con đường trở thành doanh nhân trên cơ sở sự sáng tạo” – TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Phan Nam