Việc bắt tay giữa nhà trường với các doanh nghiệp để đào tạo sinh viên đã được nhắc đến nhiều trong những năm gần đây. Điều này mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia.
BÀI HỌC NGOÀI GIẢNG ĐƯỜNG
Tại TP. HCM, trường ĐH Nguyễn Tất Thành là nơi đi đầu trong phong trào gắn nhà xưởng với giảng đường. Đến nay, trường đã hợp tác với hơn 1.000 doanh nghiệp hoạt động đa lĩnh vực, như: Công nghệ thông tin, nhà hàng, khách sạn, truyền thông – quảng cáo và với các tập đoàn danh tiếng (Samsung, Intel hay bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện Nhi đồng, bệnh viện Bình Dân, bệnh viện 115, bệnh viện Nhân dân Gia Định, bệnh viện Triều An…). Điều này đã tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên được đi thực tập thực tế tại cộng đồng để nâng cao trình độ tay nghề và mở rộng cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp. Bên cạnh đó, Trung tâm Xuất khẩu lao động của trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng liên kết với các tổ chức giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp quốc tế nhằm giới thiệu việc làm cho sinh viên khi các bạn muốn làm việc tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức… Câu lạc bộ Doanh nghiệp của trường cũng thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, hội chợ việc làm, giúp sinh viên đang theo học tại trường có cơ hội tiếp xúc với doanh nghiệp ngay trong quá trình học tập, tạo cơ hội cho các bạn sớm tiếp cận với thực tế.
Điển hình cho việc đưa sinh viên đến nhà máy là trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã liên kết với trường ĐH Yeungjin của Hàn Quốc, mở khóa Đào tạo quản lý sản xuất cho công ty Samsung Việt Nam. Khóa học có hai chuyên ngành đào tạo là Cơ khí tạo mẫu khuôn và Điện tử ứng dụng lập trình, dành cho sinh viên ngành Cơ khí và Điện tử bậc đại học. Khóa học này đào tạo kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, kéo dài trong một năm. Sáu tháng đầu, sinh viên sẽ học lý thuyết, do các giáo sư tới từ trường ĐH Yeungjin trực tiếp giảng dạy. Sáu tháng còn lại, học viên sẽ tới thực tập tại công ty Samsung Việt Nam ở Khu công nghệ cao TP. HCM. Sau khóa học, sinh viên không chỉ được trường ĐH Yeungjin Hàn Quốc cấp chứng chỉ tốt nghiệp mà còn được trang bị kiến thức phù hợp với công nghệ mới của ngành công nghiệp điện tử. Đồng thời, có cơ hội vào làm việc ngay tại công ty Samsung mà không cần phải qua bước đào tạo lại. Nếu không đủ điều kiện để vào làm việc ở công ty Samsung, sinh viên sẽ được giới thiệu vào làm việc cho các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam.
Tương tự, trường ĐH Công nghệ TP. HCM lập Hutechbank ngay trong trường, rồi mời nhân sự cấp cao của các ngân hàng về giảng dạy. Hutechbank là một ngân hàng thật 100%, được thiết kế và bố trí theo mô hình của một ngân hàng hoàn chỉnh, như có khu vực đón khách, bàn làm việc dành giao dịch viên, máy tính chuyên dụng, máy ATM… để giúp các bạn sinh viên nhanh chóng quen thuộc với môi trường làm việc tương lai. Đây là nơi để sinh viên ngành Tài chính Ngân hàng làm quen với hàng trăm tình huống thực tế, thực hành những kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn, thực hiện nhiều hình thức giao dịch khác nhau. Nhờ vậy, các bạn vừa có thể ôn lại kiến thức đã học trên lớp, vừa có thể tích lũy kinh nghiệm làm việc bổ ích.
Còn trường ĐH Văn Hiến vừa ký kết hợp tác với gần 50 doanh nghiệp ở TP. HCM. Theo đó, những công ty này sẽ cùng với trường rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện chương trình đào tạo để phù hợp hơn với nhu cầu doanh nghiệp. Các doanh nghiệp sẽ hỗ trợ nơi thực tập cho sinh viên và ưu tiên tuyển dụng các bạn sau khi tốt nghiệp. Đặc biệt, công ty Cổ phần Nông nghiệp Hùng Hậu sẽ nhận 100% sinh viên học ngành Công nghệ Kỹ thuật chế biến và bảo quản thực phẩm, Nuôi trồng thủy sản làm việc sau khi ra trường.
Nhiều trường đại học như: ĐH Nông Lâm TP. HCM, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP. HCM, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Mở TP. HCM… và các trường cao đẳng như: CĐ Quốc tế TP. HCM, CĐ Đại Việt Sài Gòn, CĐ Viễn Đông… đều thuê xe chở sinh viên đến tham quan thực tế ở các doanh nghiệp, trước khi bước vào học chuyên ngành. Mỗi chuyến đi kéo dài từ 2 – 3 ngày. Do đó, các bạn biết được ngành mình đang học cần bổ sung những kiến thức, kỹ năng gì, để sau này ra trường có thể nhanh chóng hòa nhập được với môi trường làm việc mới.
LỢI NHIỀU THỨ
Ông Huỳnh Thanh Vạn, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn khởi nghiệp Quốc gia phía Nam đánh giá cao “học kỳ doanh nghiệp”. Đây là cơ hội giúp sinh viên nắm bắt được những yêu cầu về chuyên môn, cũng như các kỹ năng, văn hóa doanh nghiệp. “Tuy nhiên, để có được một “học kỳ doanh nghiệp” hiệu quả, nhà trường và doanh nghiệp phải phối hợp chặt chẽ, xây dựng chương trình đào tạo sát với thực tế. Đặc biệt, những người nắm giữ các vị trí quan trọng trong doanh nghiệp phải trực tiếp tham gia đào tạo”, ông Vạn nói. Trong khi đó, ThS Lê Ngọc Hân, khoa Thủy sản, trường ĐH Nông Lâm TP. HCM khẳng định, qua “học kỳ doanh nghiệp”, sinh viên trưởng thành nhiều hơn từ những va chạm thực tế, những bài học kinh nghiệm mà các bạn có bước chuẩn bị hành trang cho con đường lập nghiệp. Doanh nghiệp đào tạo những gì họ cần, có lợi cho cả người học, nhà trường. Hơn nữa, các công ty cũng không mất thời gian và chi phí đào tạo lại sau khi tuyển dụng. “Thời gian cho “học kỳ doanh nghiệp” tương đối ngắn nhưng các bạn sẽ được học được rất nhiều điều. Đó là những kỹ năng đơn giản nhưng không phải ai cũng nghĩ đến, như cách trình bày thư điện tử, nghe điện thoại, kỹ năng ứng xử với khách hàng, chào hỏi lãnh đạo… Từ những kỹ năng mềm đó, việc bắt tay vào học hỏi công việc chuyên môn rất dễ dàng, đó là những bài học giá trị không hề có trên giảng đường”, ông Hân nói.
Chủ động đến các trường đến các trường tuyển sinh cho “học kỳ doanh nghiệp”, công ty Cổ phần Sài Gòn Food đã thu được nhiều kết quả khả quan. Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc công ty cho biết, qua 5 khóa “học kỳ doanh nghiệp”, công ty có được nguồn lao động tay nghề cao, đáp ứng yêu cầu các vị trí doanh nghiệp cần mà không phải mất thời gian đào tạo lại. Còn ông Nguyễn Văn Trắng, Giám đốc Công ty Kiểm toán KSI cho biết: “Liên minh chiến lược giữa nhà trường và doanh nghiệp không chỉ mang lại lợi ích cho trường mà chúng tôi cũng có lợi. Nhà trường đã cung ứng nguồn lao động rất lớn cho công ty. Điều đặc biệt là chúng tôi không phải đào tạo lại, vì nhà trường đã gắn lý thuyết với thực hành, tiết kiệm một khoản chi phí đào tạo rất lớn cho doanh nghiệp. Hiện tại, công ty đang liên kết với trường ĐH Nguyễn Tất Thành để tuyển dụng nhân sự. Hai bên đã triển khai công tác đào tạo theo phương châm: Lý luận phải gắn liền với thực tiễn, các học phần đào tạo cũng được phân chia hợp lý. Theo đó, chương trình lý thuyết sẽ được đào tạo tại trường, còn chương trình thực hành sẽ được đào tạo trực tiếp ở công ty”.
Bài viết được đăng trên Báo Sinh Viên Việt Nam số 38, phát hành ngày 25/09/2017
QUẾ SƠN