Đột phá bằng “Quốc gia khởi nghiệp”

21.6

Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, Việt Nam cần có chương trình quốc gia về khởi nghiệp để thúc đẩy khát vọng kinh doanh của doanh nhân Việt.


Năm 2015 để lại những dấu ấn mạnh mẽ trong hội nhập kinh tế quốc tế. Chia sẻ với DĐDN, GS.TS Vương Đình Huệ – Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban kinh tế Trung ương cho biết, bên cạnh việc tận dụng tốt những cơ hội mang lại, chúng ta cũng phải sẵn sàng các giải pháp để đối mặt với nhiều thách thức từ hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó “quốc gia khởi nghiệp” sẽ là một trong những chương trình quan trọng để tạo bước đột phá phát triển kinh tế.

Có thể nói, năm 2015 trong điều kiện khó khăn như vậy, nhưng những mục tiêu cơ bản trong phát triển kinh tế xã hội đều trở thành hiện thực.

Thứ nhất, năm 2015 tăng trưởng trên 6,5% là lần đầu tiên trong nhiệm kỳ 5 năm cao hơn mức chỉ tiêu kế hoạch. Như vậy có thể thấy tăng trưởng bắt đầu đảo chiều từ giữa năm 2014 và xu hướng phục hồi mạnh hơn và rõ hơn trong năm 2015 này, chúng ta đạt mức 6,68% (so với chỉ tiêu Quốc hội là 6,2%), nếu mà theo mức độ này thì cả 5 năm trên 5,9%.

Thứ hai, trong điều kiện kinh tế trong nước phục hồi chưa đủ mạnh, kinh tế Thế giới và Trung Quốc sụt giảm, biến động mạnh về tỷ giá Nhân dân tệ và các đồng tiền trong khu vực, cuối năm thì FED tăng lãi suất, sụt giảm mạnh của Thị trường Chứng khoán Trung Quốc v.v… chúng ta vẫn giữ được ổn định vĩ mô.

Thứ ba, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, kể cả những lĩnh vực trọng tâm, như DNNN, đầu tư công, ngân hàng thương mại, xử lý nợ xấu, rồi lĩnh vực tái cơ cấu nông nghiệp…

Thứ tư, môi trường kinh doanh và đầu tư được cải thiện, rất quyết liệt trong chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Chúng ta chính thức thực hiện cơ chế một cửa quốc gia và kết nối kỹ thuật cơ chế một cửa với ASEAN, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan; tiếp cận điện năng, đầu tư xây dựng, cấp phép, tài nguyên và môi trường, những vấn đề này chúng ta triển khai rất quyết liệt để đạt mức trên trung bình của ASEAN 6.

Thứ năm, nổi bật trong năm nay, là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP được ký kết, cộng với đó là hàng loạt các Hiệp định FTA song phương và đa phương thế hệ mới mà Việt Nam đã ký với các nước, các đối tác và hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN.

– Khởi nghiệp là một trong những lĩnh vực luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Chính phủ trong thời gian gần đây. Theo ông, Việt Nam cần phải tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách như thế nào để tạo điều kiện, môi trường kinh doanh cho DN khởi nghiệp?

Một trong những việc cần phải hết sức chú trọng trong năm 2016 là phải tập trung nỗ lực để tạo ra làn sóng đầu tư mới. Làn sóng đầu tư thứ nhất có thể nói bắt đầu từ Đổi mới 1986. Làn sóng đầu tư thứ hai là khi chúng ta ban hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư và đến bây giờ khi có Luật Đầu tư sửa đổi, Luật DN sửa đổi theo những nguyên tắc rất hiện đại, nội dung tiến bộ, độ minh bạch cũng rất cao, các loại hiệp định FTA, ASEAN sẽ tạo thuận lợi trong thương mại và trong đầu tư thì hy vọng sẽ tạo được làn sóng đầu tư mới ở Việt Nam với tinh thần quốc gia khởi nghiệp.

Năm 2015, Ban Kinh tế Trung ương đã đặt trọng tâm nghiên cứu thể chế, chính sách để hỗ trợ DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp. Với tinh thần thúc đẩy khát vọng kinh doanh Việt cũng như nâng cao hiệu quả các chính sách và chương trình hỗ trợ khởi nghiệp ở Việt Nam, tháng 6/2015, Ban Kinh tế Trung ương đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Diễn đàn Khởi nghiệp Việt Nam. Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, Việt Nam cần có chương trình quốc gia về khởi nghiệp để thúc đẩy khát vọng kinh doanh của doanh nhân Việt. Khởi nghiệp thành công sẽ góp phần phát triển đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, tạo nên sức sống mới cho nền kinh tế.

– Như vậy, trong giai đoạn tới, chúng ta phải làm gì để góp phần phát triển kinh tế bền vững và tăng trưởng hội nhập, thưa ông?

Dấu ấn của năm 2015 là thành tựu của cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Mục tiêu đặt ra cho năm 2016 là làm thế nào để rút ngắn hơn nữa khoảng cách những quy định trên văn bản với thực thi của các cơ quan và đội ngũ cán bộ công chức – đấy là mong muốn của đội ngũ các doanh nghiệp, doanh nhân và người dân.

Theo chúng tôi, Một là, hoàn thiện thể chế, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu để phát triển đất nước nhanh và bền vững; Hai là, tập trung thực hiện có kết quả đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm là thực hiện thành công ba đột phá chiến lược, sớm khắc phục những điểm nghẽn về thể chế kinh tế, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng. Đây là những vấn đề chúng ta phải quan tâm hàng đầu và hoàn toàn có thể đặt kỳ vọng vào những quyết sách chung của Đảng và Nhà nước trong những năm tới về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; hoàn thiện thể chế, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, Việt Nam cần có chương trình quốc gia về khởi nghiệp để thúc đẩy khát vọng kinh doanh của doanh nhân Việt.
Năm 2015 đã kết thúc – là năm cuối của chặng đường 30 năm đổi mới, đánh dấu một giai đoạn quan trọng của tiến trình phát triển. Bước sang năm 2016, với niềm tin sâu sắc vào đường lối đúng đắn trong hoạch định chiến lược, chính sách phù hợp cho từng giai đoạn phát triển của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ, sự cố gắng vươn lên trong tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành, các địa phương và sự phấn đấu nỗ lực của toàn dân, toàn quân, chúng ta luôn tin tưởng vào sự phát triển thịnh vượng của đất nước trên con đường hội nhập rộng mở phía trước.

– Xin trân trọng cảm ơn ông!

Lại Hợp Nhân