Đột phá bằng đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp

Để có một quốc gia khởi nghiệp như mong muốn của Thủ tướng Chính phủ, phải có những đầu tàu là những đô thị khởi nghiệp.


Năm 2016 là năm mà ngành khoa học và công nghệ (KH-CN) TPHCM đẩy mạnh hướng vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ và hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trong đó, lãnh đạo TP chỉ đạo và ưu tiên bố trí nguồn lực, bao gồm cả nguồn lực tài chính, cho hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhằm tạo sự đột phá, chuyển dịch cơ cấu phát triển kính tế TP trong những năm tiếp theo.

Tái cấu trúc ngành

Xác định phát triển KH-CN và đổi mới sáng tạo là động lực chủ yếu phát triển kinh tế – xã hội gắn với phát triển kinh tế tri thức, theo Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ TPHCM (nhiệm kỳ 215-2020), TP đã ban hành phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ KH-CN chủ yếu giai đoạn 2016-2020; kế hoạch thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành KH-CN đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030” gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, góp phần phát triển kinh tế’ cùng nhiều chương trình, kế hoạch khác với các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ.

Theo Sở KH-CN, qua 1 năm triển khai thực hiện đã có kết quả khả quan. Năm 2016, TP đã bố trí trên 1.137 tỷ đồng cho hoạt động KH-CN, chiếm khoảng 1,8% trên tổng chi ngân sách TP, có 132 đề tài, dự án được cấp kinh phí thực hiện; 170 đề tài, dự án được nghiệm thu theo kế hoạch, đạt 85%. Trong đó, 134 đề tài có kết quả nghiên cứu được ứng dụng trực tiếp (chiếm 79%)…

Song song với nghiên cứu khoa học, khâu bảo hộ và xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm khoa học cũng được TP chú trọng. Trên thực tế, nhận thức về sở hữu trí tuệ của phần lớn cá nhân, DN vẫn chưa cao; tài sản trí tuệ chưa được quản lý và khai thác hợp lý chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến việc số lượng sáng chế được nộp đơn đăng ký và cấp bằng còn khiêm tốn.

Tuy nhiên, với nhiều hoạt động tư vấn hỗ trợ, năm qua TP đã có 240 đơn đăng ký sáng chế với 50 bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích được cấp, 760 đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp với 450 bằng độc quyền được cấp, 13.000 đơn đăng ký nhãn hiệu với 6.000 giấy chứng nhận đăng ký được cấp. Ngoài ra, Sở cũng đã hướng dẫn 800 hồ sơ của các tổ chức, cá nhân về thủ tục đăng ký xác lập và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Cùng với đó, thị trường KH-CN với nhiều hoạt động kết nối cung cầu diễn ra tại Sàn giao dịch công nghệ thử nghiệm TP; kết nối tư vấn chuyên gia cho 78 yêu cầu cần tìm hiểu sâu về ứng dụng công nghệ; chợ công nghệ – thiết bị thường xuyên tư vấn 56 lượt khách hàng về lĩnh vực thực phẩm, môi trường, hóa chất, vật liệu; trưng bày, giới thiệu 169 công nghệ, thiết bị của 67 đơn vị sẵn sàng cung cấp, chuyển giao.

Đô thị khởi nghiệp cho giới trẻ

Để có một quốc gia khởi nghiệp như mong muốn của Thủ tướng Chính phủ, phải có những đầu tàu là những đô thị khởi nghiệp. TPHCM phải là địa phương đi tiên phong. Nhưng muốn hình thành được một đô thị khởi nghiệp, phải có các yếu tố cốt lõi của một hệ sinh thái khởi nghiệp, gồm vai trò của các cơ quan nhà nước trong việc ban hành cơ chế chính sách, tạo hành lang pháp lý thuận lợi; các DN khởi nghiệp; nhà đầu tư và các cơ sở ươm tạo DN. TP đã kịp thời ban hành Chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đaạn 2016-2020; Quy chế phối hợp hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đây là 2 trong số nhiều chương trình thuộc nhóm giải pháp tổng thể thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ, có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của TP.

Sở cũng đã phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á và các đơn vị có liên quan hình thành không gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Saigon Innovation Hub – SIHUB); đồng thời đưa vào hoạt động phòng thí nghiệm mở cho nghiên cứu, ứng dụng và phát triển thuộc lĩnh vực phân tích thí nghiệm. Thông qua các mô hình này, đã có 300 dự án khởi nghiệp với 700 nhà khởi nghiệp, bạn trẻ được đào tạo những kiến thức cơ bản để giúp phát triển ý tưởng, sản phẩm khởi nghiệp; 1.500 lượt nhà khởi nghiệp, bạn trẻ được hỗ trợ kết nối với nhà đầu tư, quỹ đầu tư, kết nối với người chỉ dẫn, nhà cố vấn… Nhất là mới đây, Chương trình Hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (SPEEDUP) giai đoạn 2016-2020 đã ra mắt cộng đồng khởi nghiệp TPHCM, sau hơn 2 tháng UBND TP ban hành quy chế phối hợp hỗ trợ. Tùy thuộc vào quy mô của mỗi dự án và căn cứ theo kết luận của hội đồng tuyển chọn mà cộng đồng khởi nghiệp sẽ nhận được các mức hỗ trợ khác nhau, tối đa lên tới 2 tỷ đồng/dự án, trong thời gian không quá 24 tháng.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm khẳng định, năm 2017, TP sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các chương trình KH-CN đã đề ra nhằm thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp ngày càng phát triển mạnh mẽ. Mục tiêu phát triển mới 50.000 DN sẽ là nguồn lực rất lớn để thúc đẩy, phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp trên địa bàn TPHCM…

“KH-CN phát triển đã cùng với các lĩnh vực khác góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội TPHCM năm 2016 phát triển với nhiều kết quả tịch cực và toàn diện. Kinh tế TP tăng trưởng khá, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 1.037.625 tỷ đồng, tăng 8,05% so cùng kỳ, hoàn thành kế hoạch năm 2016 và đạt cao nhất trong 5 năm gần đây. Trong đó, tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào GRDP đạt 35,2%”Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm

Theo SGGP