(khoinghiep) – Từng xuất hiện trên nhiều diễn đàn doanh nhân với những tên gọi “Người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt”, “diễn giả được yêu mến nhất”… ông Lê Vĩnh Sơn – Chủ tịch Hội DN trẻ Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quốc tế Sơn Hà hiện là một trong những gương mặt gợi cảm hứng nhiều nhất cho lớp doanh nhân trẻ Việt Nam.
Phóng viên DĐDN đã có cuộc trò chuyện với vị doanh nhân trẻ xung quanh chủ đề doanh nhân trẻ với nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đổi mới doanh nghiệp ở Việt Nam.
– Thưa ông, với vai trò là chủ tịch Hội DN trẻ Hà Nội, ông đánh giá như thế nào về vai trò của lớp doanh nhân trẻ hiện nay?
Từ góc nhìn của một doanh nhân trẻ, tôi cho rằng trong hơn 20 năm qua, đội ngũ doanh nhân trẻ của chúng ta đã thực sự dám nghĩ dám làm, đi theo khát vọng làm giàu cho doanh nghiệp, người lao động, gia đình, địa phương và cho đất nước.
Bên cạnh những thành quả đạt được thì dù thất bại nhiều lần, phải đánh đổi nhiều thứ, phải trả những giá không nhỏ nhưng gần 10 ngàn Doanh nhân trẻ cả nước đã cùng nhau vượt qua và đang đóng góp tích cực cho ngân sách, tạo việc làm, thắp sáng tinh thần doanh nhân và đưa sản phẩm của Việt Nam ra Thế giới…
– Khởi nghiệp là một phong trào nổi bật trong những năm gần đây. Tuy nhiên, còn rất nhiều sự thật hầu hết mọi người chưa biết, ví như Việt Nam được cho là một trong những quốc gia có số lượng công ty khởi nghiệp nhiều nhất thế giới với tỷ lệ 13,3%. Ông nghĩ như thế nào về con số này?
Trước hết, tôi cho rằng số lượng công ty khởi nghiệp nhiều hay ít không nói lên nhiều điều bằng việc lớp doanh nhân trẻ Việt Nam đã phải trải qua rất nhiều thăng trầm, khó khăn trên chặng đường phát triển vừa qua.
Rõ ràng, bên cạnh các cơ hội lớn mà AEC, TPP và các FTAs mang lại thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối diện với những thách thức rất lớn. Sự bình đẳng về mọi mặt, sự minh bạch trong thực hiện các cam kết hội nhập, các cơ chế hỗ trợ phát triển Doanh nghiệp sẽ tạo ra những áp lực cạnh tranh rất lớn cho doanh nghiệp, doanh nhân…
Chúng ta sẽ phải cạnh tranh trong chính nội khối và với các doanh nghiệp đa quốc gia đang hướng nguồn lực vào những nền kinh tế mới nổi đầy tiềm năng như Việt Nam. Thị trường lao động sẽ đòi hỏi các tiêu chuẩn cao về cập nhật kiến thức, phát triển kỹ năng cá nhân, đổi mới tư duy, tinh thần tích cực, thái độ hành xử chuyên nghiệp, lối sống nhân văn và đặc biệt là khả năng học hỏi trong thế giới phẳng mà ngoại ngữ là công cụ tối cần thiết. Tính sáng tạo, tính chuyên nghiệp, tính minh bạch, tính chính trực và trách nhiệm cá nhân sẽ được đặc biệt chú trọng ở mọi môi trường làm việc.
– Như ông vừa nói, nâng cao năng lực cạnh tranh đóng vai trò vô cùng quan trọng. Vậy chúng ta đang vận dụng yếu tố này như thế nào, thưa ông?
Quá trình hội nhập sâu rộng đã cho thấy nâng cao năng lực cạnh tranh là một bài toán không chỉ giải bằng các giải pháp mang tính cải tiến mà phải mang tính đổi mới với hàm lượng sáng tạo cao. Trong quá trình kinh doanh, chúng tôi học hỏi những bước cải tiến nhỏ ở người Nhật, đổi mới sáng tạo ở người Mỹ và hệ thống chuẩn mực cao ở người châu Âu… và chúng tôi hiểu rằng Doanh nghiệp Việt Nam còn rất nhiều việc khó phải làm để có thể cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập hiện nay.
Trên thực tế, các tổ chức quốc tế cũng đang đồng hành và hỗ trợ chúng ta rất nhiều thông qua các Chương trình Phát triển, các Quỹ Đổi mới Sáng tạo, Quỹ Ứng dụng Khoa học Công nghệ… nhưng vẫn tồn tại khoảng cách rất lớn giữa doanh nghiệp với các cơ chế hỗ trợ này. Ngân sách của các Chương trình Hỗ trợ không được sử dụng hết nhưng doanh nghiệp thì vẫn luôn thiếu nguồn lực để phát triển. Vậy, phải chăng cách tiếp cận của chúng ta chưa phù hợp hay do năng lực của doanh nghiệp còn yếu khi hợp tác và khai thác hệ thống hỗ trợ phát triển?!
– Có thể nói, chưa bao giờ “làn sóng khởi nghiệp” lại lan rộng và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng như hiện nay. Vậy, làm thế nào để chuyển hoá được năng lượng dồi dào của “làn sóng” ấy vào phát triển kinh tế xã hội, thưa ông?
Tôi tin giải pháp hàng đầu chính là giáo dục để giúp cho thanh niên chủ động học hỏi cập nhật kiến thức, khơi dậy đam mê kinh doanh làm giàu, dám đương đầu với thách thức, rủi ro, học cách trải qua thất bại để phát triển thay vì chỉ muốn tìm kiếm việc làm ổn định, an toàn và chạy theo phong trào.
Chúng tôi đã thấy những hành động ấn tượng ban đầu của đội ngũ lãnh đạo mới, hứa hẹn một làn sóng đổi mới mạnh mẽ trên mọi mặt trận để phát triển doanh nghiệp. Doanh nhân trẻ chúng tôi đã tự mò mẫm trong kinh doanh, trải qua nhiều thất bại để hiểu rằng thúc đẩy Khởi nghiệp không phải chỉ “sinh ra” doanh nghiệp để cán đích con số 5 triệu mà phải “nuôi dưỡng” doanh nghiệp từ khâu ý tưởng cho đến phát triển hệ thống kinh doanh.
Vừa qua, các cơ chế hỗ trợ khởi nghiệp hình thành ở Việt Nam chủ yếu du nhập từ nước ngoài. Tuy nhiên, văn hoá khác biệt, điều kiện tự nhiên xã hội giáo dục khác biệt sẽ tạo ra những lỗ hổng cần lấp đầy trong quá trình đưa Việt Nam thành Quốc gia Khởi nghiệp. Do vậy, cần xây dựng một mô hình tập hợp được đầy đủ các nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp hiện tại, như một “Ngôi nhà chung” cho giới Khởi nghiệp và các Doanh nghiệp Tái Khởi nghiệp trên mọi ngành nghề.
Các nguồn sáng tạo đổi mới, nguồn tài chính, nguồn trí tuệ kinh doanh, nguồn tinh thần, nguồn nâng đỡ, nguồn khai thác hiệu quả… sẽ được liên kết và tích hợp tại đây để duy trì sự bền vững của chiến lược Quốc gia Khởi nghiệp.
Tôi tin rằng với động lực phát triển của tuổi trẻ, dưới những sự chỉ đạo sáng suốt của Đảng cùng các cam kết hỗ trợ cao của các tổ chức Chính quyền và sự sát cánh của các Hiệp hội Doanh nghiệp, chúng ta sẽ tạo ra một làn sóng Kinh doanh mới thật ấn tượng, nuôi dưỡng một lớp Doanh nhân mới có trí tuệ, có trách nhiệm với xã hội và mang thương hiệu Việt Nam ra toàn cầu.
– Là người đã từng trải qua rất nhiều bài học xương máu trên thương trường, ông có nhắn nhủ gì với những nhà lãnh đạo doanh nghiệp trẻ hiện nay?
Tôi muốn chia sẻ với các bạn một câu chuyện mà tôi đã được nghe từ ông Tham tán Thương mại Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam: “Các vị Lãnh đạo hãy rời bàn làm việc của mình, ra ngoài thị trường để hiểu và nắm bắt những cơ hội hợp tác đầu tư cho doanh nghiệp, hãy không chỉ trình bày những con số thống kê mà cần biết nhà đầu tư cần gì và hãy kiểm tra khả năng trình bày của mình bằng cách nói trước những bạn trẻ tuổi mới lớn xem họ có lắng nghe và không bỏ đi hay không”. Tôi nghĩ, chúng ta nên nghiền ngẫm kỹ về câu nói đó!
– Xin cảm ơn ông!
Tuyết Nhung
thực hiện