Doanh nhân Huỳnh Thanh Vạn cho rằng, khởi nghiệp là không được vội vã, phải trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng thì khi khởi nghiệp mới mong có được thành công.
>>>Doanh nhân Huỳnh Thanh Vạn: “5 năm tới, ngành chế biến gỗ Việt Nam sẽ còn phát triển mạnh mẽ”
Talkshow Câu chuyên doanh nhân thành công do Hội đồng Tư vấn và Hỗ trợ Khởi nghiệp quốc gia phía Nam phối hợp với Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp và trường ĐH Nông Lâm TP.HCM tổ chức thu húy đông đảo doanh nghiệp và sinh viên trường ĐH Nông Lâm TP.HCM tham dự – Ảnh: Đình Đại.
Tuổi thơ vất vả, nghèo khó
Chia sẻ tại talkshow Câu chuyên doanh nhân thành công, doanh nhân Huỳnh Thanh Vạn – Chủ tịch HĐQT Công ty CP S Furniture cho biết, ông sinh ra và lớn lên tại thành phố Mỹ Tho tỉnh Tiền Giang trong một gia đình có 6 anh em, trải qua một tuổi thơ nghèo khó và vất vả, khi chỉ mới 5-6 tuổi, cậu bé Huỳnh Thanh Vạn đã phải đi làm để kiếm sống với nhiều công việc khác nhau như lột tôm, làm bánh bông lan và bán nước sâm ở bến xe…công việc vất vả từ 7 giờ sáng cho đến 8 giờ tối, nhưng đồng lương nhận được 1 ngày chỉ đủ mua một chiếc bánh bao.
“Do mải mê đi làm kiếm tiến nên tôi đi học trễ hơn các bạn cùng trang lứa 1 năm. Trong quá trình học cũng gặp nhiều trắc trở, do nhà nghèo, không có tiền đóng học phí nên tôi thường xuyên bị phạt quét dọn trường lớp. Nhưng cũng chính từ những lần phạt ấy mà tôi nghĩ ra cách kiếm tiền đóng học phí bằng cách gom những chiếc túi nylon để bán ve chai”, doanh nhân Huỳnh Thanh Vạn kể.
Doanh nhân Huỳnh Thanh Vạn chia sẻ câu chuyện doanh nhân thành công với sinh viên trường ĐH Nông Lâm TP.HCM – Ảnh: Đình Đại.
Lớn lên một chút, anh Vạn theo ba đi bán cây giống. Anh chia sẻ, đây là khoảng thời gian giúp anh có được rất nhiều kiến thức về marketing và ba anh cũng là người thầy đầu tiên “dạy” anh những kiến thức về marketing đầu tiên. Đó cũng chính là thời điểm anh nảy sinh ý tưởng khởi nghiệp, nhưng do chưa có điều kiện nên đành gác lại và tiếp tục con đường học tập.
Kể về thời học sinh của mình, anh Vạn cho biết, do có năng khiếu nên anh được làm “lãnh đạo” (lớp trưởng) từ năm lớp 4 và được giữ “chức vụ” này cho đến tận năm lớp 12. Thời gian học Đại học, anh hăng hái tham gia phong trào Đoàn và là một cán bộ Đoàn năng nổ của Đoàn trường Đại học Nông Lâm TP.HCM.
Thành công với doanh nghiệp Nhà nước
Ra trường với nhiều thành tích xuất sắc trong hoạt động Đoàn, không khó để Huỳnh Thanh Vạn có thể xin vào làm việc tại một doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, làm được một thời gian thì anh nhận thấy không phù hợp. Bởi bản thân là một Đảng viên với rất nhiều thành tích trong công tác Đoàn nhưng làm trong doanh nghiệp nước ngoài thì không thể phát huy được hết những khả năng mà anh đã tích lũy. Vậy là anh quyết định xin nghỉ để xin vào làm việc tại Công ty TNHH MTV Chế biến Gỗ Đông Hoà, một doanh nghiệp Nhà nước có truyền thống và có thương hiệu trong ngành chế biến gỗ xuất khẩu, trực thuộc Công ty CP Công nghiệp và Xuất nhập khẩu Cao su.
Doanh nhân Huỳnh Thanh Vạn cho rằng, khởi nghiệp là không được vội vã, phải trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng thì khi khởi nghiệp mới mong có được thành công – Ảnh: Đình Đại.
Với sự nỗ lực và sự nhạy bén trong thị trường chế biến, xuất khẩu gỗ, Huỳnh Thanh Vạn thăng tiến rất nhanh trong công việc, anh được bổ nhiệm làm Giám đốc Xí nghiệp Chế biến gỗ Dĩ An năm 2008, rồi sau đó là Giám đốc Xí nghiệp Chế biến gỗ Đông Hoà năm 2010.
Doanh nhân Huỳnh Thanh Vạn chia sẻ, đúng vào thời điểm được bổ nhiệm làm Giám đốc Xí nghiệp gỗ Dĩ An cũng là thời điểm nền kinh tế thế giới bị khủng hoảng, khó khăn chồng chất khó khăn. Lúc bấy giờ, nhiều người nghi ngờ khả năng lãnh đạo của anh, nhưng anh khẳng định là mình làm được và đơn hàng đầu tiên đã thành công, được khách hàng chấp nhận, đã mang đến niền tin của lãnh đạo công ty đối với một giám đốc xí nghiệp trẻ.
“Trong 1 năm tôi đảm nhiệm vai trò Giám đốc xí nghiệp gỗ Dĩ An, thời điểm đó có rất nhiều xí nghiệp khác của công ty gặp khó khăn, thậm chí phá sản, nhưng xí nghiệp gỗ Dĩ An vẫn phát triển rất mạnh mẽ. Cũng vào thời điểm đó Xí nghiệp gỗ Đông Hòa gặp khó khăn và phải sáp nhập vào với Dĩ An, sau 1 năm thì chúng tôi vực dậy được Đông Hòa và tiếp tục sáp nhập xí nghiệp Tam Phước”, doanh nhân Huỳnh Thanh Vạn chia sẻ.
Trong giai đoạn từ 2010 – 2015, sau khi sáp nhập 3 xí nghiệp chế biến gỗ là Dĩ An, Đông Hòa, Tam Phước và dưới sự lãnh đạo của doanh nhân Huỳnh Thanh Vạn, cả 3 xí nghiệp gỗ này đã thoát khỏi nguy cơ bị phá sản và phát triển rất mạnh mẽ, đời sống người lao động được nâng cao.
Các bạn sinh viên trường ĐH Nông Lâm TP.HCM lắng nghe những chia sẻ của doanh nhân – Ảnh: Đình Đại.
Mặc dù thành công với doanh nghiệp Nhà nước và giữ vị trí lãnh đạo của doanh nghiệp, nhưng doanh nhân Huỳnh Thanh Vạn nhận thấy môi trường doanh nghiệp Nhà nước không còn phù hợp, không giúp anh thể hiện được hết những ý tưởng, mong muốn của mình trong kinh doanh. Do đó, vào năm 2015, anh xin nghỉ việc và cùng với một vài người bạn thành lập Công ty CP S Furniture chuyên về chế biến và xuất khẩu đồ gỗ.
Thành công là sự cố gắng và nỗ lực mỗi ngày
Chia sẻ về việc làm sao để vượt qua những khó khăn trong giai đoạn đầu khởi nghiệp, doanh nhân Huỳnh Thanh Vạn cho rằng, lúc khó khăn là lúc chúng ta mạnh mẽ nhất. Anh cho biết, khi còn làm Giám đốc Công ty Đông Hòa, khách hàng, đối tác muốn gặp thì phải đặt lịch trước, bởi lượng đối tác, khách hàng của công ty rất lớn, họ đến để học hỏi, chia sẻ, để kết nối đầu tư và kinh doanh. Nhưng khi thành lập doanh nghiệp tư nhân, anh đã phải tốn rất nhiều chi phí để có được đối tác và đơn hàng.
“Thời điểm đó, mặc dù là một công ty nhỏ và còn nhiều khó khăn, nhưng khi tiếp đối tác, chúng tôi đều đặt địa điểm ở những nơi sang trọng bậc nhất Sài Gòn như khách sạn New World, KS Sheraton…tốn rất nhiều chi phí. Nhưng nhờ đó mà đối tác tin tưởng và cũng nhờ đó mà công ty vượt qua được khó khăn, có được những đơn hàng lớn và những đối tác lớn”, doanh nhân Huỳnh Thanh Vạn chia sẻ. Đồng thời, ông khẳng định đó là sự táo bạo và sự quyết liệt cần phải có của một người lãnh đạo.
Doanh nhân Huỳnh Thanh Vạn tài trợ 100 triệu đồng cho Khoa Kinh tế trường ĐH Nông Lâm TP.HCM – Ảnh: Đình Đại.
Nói về khái niện thành công trong kinh doanh, doanh nhân Huỳnh Thanh Vạn cho rằng, thành công là sự cố gắng và nỗ lực mỗi ngày, khi chúng ta vượt qua chính bản thân mình thì sẽ thành công. Ông cho rằng, làm sao để giúp được nhiều cho xã hội, với điều kiện là phải giúp ích được cho chính bản thân mình, cho gia đình mình. Bởi gia đình là một tế bào của xã hội, do đó, hãy nỗ lực hết mình để giúp cho xã hội ngày một tốt hơn, đó sẽ là một thành công rất lớn của mỗi người.
Ông cũng cho rằng, yếu tố may mắn trong thành công chỉ chiếm 1% và 99% còn lại là sự cố gắng mỗi ngày để đến được thành công. Đối với các bạn sinh viên còn đang ngồi trên ghế giảng đường, doanh nhân Huỳnh Thanh Vạn khuyên các bạn nên tập trung học tập cho thật giỏi, trau dồi kiến thức cho mình trước khi nghĩ đến việc khởi nghiệp kinh doanh.
“Các bạn không thể ra trường với một tấm bằng mà không có một kiến thức gì. Ngoài việc học giỏi, các bạn cần phải trang bị cho mình những kỹ năng như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng đặt vấn đề, kỹ năng làm việc nhóm…Ngoài ra, cũng cần tham gia nhiều hoạt động phong trào, nhằm trang bị bị cho mình một hành trang vững chắc khi đi phỏng vấn xin việc”, doanh nhân Huỳnh Thanh Vạn khuyên.
Ông cũng khuyên các bạn sinh viên mới ra trường và muốn làm chủ doanh nghiệp thì trước tiên phải đi làm công một thời gian để tích lũy kinh nghiệm. Bởi khi mới ra trường các bạn chỉ có vốn kiến thức là chính và nếu may mắn thì có thêm vốn từ gia đình còn những vấn đề khác thì hầu như chưa có.
“Nếu muốn ra một sản phẩm, đòi hỏi tầm quản trị cao và cần rất nhiều yếu tố, không phải cứ có tiền là đủ, mà còn rất nhiều yếu tố khác kèm theo như kinh nghiệm, giao tiếp, quản trị…Do đó, theo tôi, khởi nghiệp là không được vội vã, phải trang bị đầy đủ kiến thức thì khi khởi nghiệp mới mong có được thành công”, doanh nhân Huỳnh Thanh Vạn chia sẻ.