Doanh nghiệp khởi nghiệp được ưu đãi: Giảm thuế không bằng giảm xin – cho

Thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ còn 15-17%, tuy nhiên các doanh nghiệp cho rằng ngoài giảm thuế, cần minh bạch các thủ tục để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho doanh nghiệp làm ăn.


Bộ Tài chính vừa trình phương án giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp với doanh nghiệp nhỏ và vừa và doanh nghiệp khởi nghiệp về mức 15% hoặc 17%.

Hỗ trợ tối đa cho star -up

Theo Bộ Tài chính, hiện Chính phủ đang đẩy mạnh và khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân “khởi nghiệp” nên xu hướng sắp tới sẽ tiếp tục hình thành thêm nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp mới. Đối với doanh nghiệp khởi nghiệp mới thành lập đáp ứng các điều kiện ưu đãi thuế hiện hành sẽ được hưởng thuế suất ưu đãi 10% trong 15 năm, miễn thuế trong 4 năm và giảm thuế trong 9 năm tiếp theo.

Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp không thực hiện tại các địa bàn ưu đãi thuế, không đáp ứng các lĩnh vực khuyến khích đầu tư hiện hành, để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, Bộ Tài chính trình Chính phủ xin đề xuất phương án thuế. Theo đó, mức thuế suất phổ thông áp dụng với đối tượng này cũng tương tự như doanh nghiệp nhỏ và vừa, dự kiến ở 17% hoặc 15%.

Bộ Tài chính cũng lưu ý, tiêu chí xác định doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ là doanh nghiệp thành lập mới hoạt động dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới để tạo ra hàng hoá, dịch vụ có tính sáng tạo và ứng dụng thực tế trong các lĩnh vực của đời sống. Bên cạnh đó, còn phải đáp ứng tiêu chí về tổng doanh thu không vượt quá 20 tỷ đồng/năm.

Phải giảm cả thủ tục, giấy phép con

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại công nghiệp VN (VCCI), cho rằng việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo xuống mức 15-17% là cần thiết.

Theo ông Lộc, mức giảm thuế phụ thuộc vào khả năng cân đối ngân sách. Trong lúc ngân sách khó khăn, việc giảm thuế đã là nỗ lực lớn của Chính phủ. Tuy nhiên, ông Lộc cho rằng cùng với việc giảm thuế, cần phải cải cách thủ tục hành chính, cải cách chi tiêu… để có thể tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp. “Ngoài việc giảm thuế để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, cần nhiều giải pháp khác” – ông Lộc nói.

“Trước mắt, từ ngày 1/7, phải làm sao rà soát, tạo bước chuyển biến mạnh trong các điều kiện kinh doanh, làm sao giảm cơ chế xin cho, giảm giấy phép con, giảm thủ tục” – ông Lộc nói.

Đặc biệt, cần cải cách thể chế để tạo được môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng, cơ chế xin cho bị bãi bỏ, người dân được tham gia giám sát và tăng cường chính phủ điện tử… Nếu thực hiện được những yêu cầu này, tham nhũng sẽ giảm.

“Phải giảm bằng cơ chế, không phải bằng hô hào, kêu gọi. Khi nào không còn cơ chế xin cho, cơ quan chức năng không còn khả năng giải thích, hiểu quy định kiểu nào cũng được thì tự nhiên tham nhũng sẽ giảm. Giảm thuế chỉ có thể giúp doanh nghiệp một phần, nếu vẫn không giải quyết được tham nhũng, nhũng nhiễu thì doanh nghiệp vẫn khó phát triển” – TS Lộc khẳng định.

Hoàng Hà