Cuộc thi Start-Up Uni: “bệ đỡ” cho khát vọng doanh nhân

Start-up-Uni7-768x488

Start-up Uni là cuộc thi khởi nghiệp do Đại học FPT, Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ cao Hòa Lạc (HBI), Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV), Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao TP. HCM (SHTPIC) và ĐH Nông Lâm TP. HCM phối hợp tổ chức.


Sau 5 tháng kể từ khi phát động, đêm 2/11 Chung kết Cuộc thi Startup Uni đã diễn ra tại ĐH FPT Hà Nội với sự góp mặt của 5 dự án khởi nghiệp. Với slogan “Start-up Uni: Become a unipreneur”, ngoài giải thưởng, các dự án xuất sắc sẽ nhận được nhiều hỗ trợ từ Ban Tổ chức để hiện thực hóa.

Cuộc thi thu hút sự quan tâm của đông đảo các bạn trẻ

Là mùa giải đầu tiên, nhưng Start-up Uni đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo khán giả là các bạn trẻ đam mê khởi nghiệp, các chuyên gia và doanh nhân thành đạt. Đêm chung kết có sự góp mặt của nhiều khách mời như: ông Nguyễn Đức Long – GĐ Trung tâm Ươm tạo DN Khu CNC, ông Nguyễn Đình Hùng – Tổng GĐ Công ty CP Tập đoàn EDX, ông Phan Thế Dũng – Tổng GĐ RikkeiSoft, ông Lê Trường Tùng – Chủ tịch HĐQT Đại học FPT, ông Trần Xuân Khôi – Phó TGĐ công ty FPT Software, ông Nguyễn Thanh Phát – Quản lý IBA Việt Nam…

TS. Tạ Ngọc Cầu – GĐ ĐH FPT cơ sở Hòa Lạc chia sẻ “Khởi nghiệp là một chiến lược quan trọng của ĐH FPT”.

Phát biểu khai mạc đêm chung kết, TS. Tạ Ngọc Cầu – GĐ ĐH FPT cơ sở Hòa Lạc chia sẻ, Khởi nghiệp là một chiến lược quan trọng của ĐH FPT. Ông cũng lấy ví dụ về những tấm gương sinh viên khởi nghiệp thành công trên thế giới như 2 sinh viên ĐH Harvard đã lập ra Microsoft hay Google được sáng lập ra bởi sinh viên của ĐH Standford. Từ thực tiễn này, ông tin tưởng: trong 5-10 năm tới, sinh viên đến từ các trường ĐH của Việt Nam như ĐH Bách Khoa, FPT, ĐHQG, ĐH Ngoại thương… hoàn toàn có thể khởi nghiệp thành công.

Thử thách gay cấn

5 dự án vào chung kết đều của các bạn sinh viên. Trong đó, hầu hết các dự án đều thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin hoặc có nhiều hàm lượng công nghệ cao trong ý tưởng, gồm: Dự án M.a.D  với sản phẩm quan sát vật thể thật qua thiết bị điện tử, V-team với dịch vụ hệ thống khách sạn tiện lợi mang tên “Be Loved Hostel”, SE Team với phòng thí nghiệm ảo dành cho sinh viên, Kadima với website dạy lập trình trực tuyến và “Biệt đội khẩn cấp” với phần mềm hỗ trợ phượt thủ.

Mỗi dự án là một ý tưởng thú vị nhằm giải quyết những vấn đề nhức nhối, cấp thiết của xã hội hiện nay, đồng thời đặt ra những bài toán kinh doanh và tài chính.

Nhóm M.a.D  với sản phẩm quan sát vật thể thật qua thiết bị điện tử thuyết trình.

Nhóm V-team với dịch vụ hệ thống khách sạn tiện lợi đến từ TP. HCM giới thiệu dự án

Đến với đêm chung kết, mỗi đội sẽ trải qua 3 vòng thi.

Vòng 1 – “Thuyết trình”, mỗi đội thi có 10 phút để trình bày dự án. 5 dự án đều có phần thuyết trình được chuẩn bị công phu. Trong đó, một số dự án như M.a.D, Kadima hay SE Team đã có cả những sản phẩm mẫu để Ban Giám khảo và các khán giả trực tiếp trải nghiệm.

Vòng 2 – “Thách thức chéo”, 5 đội thi sẽ nhận được 2 câu hỏi thách thức từ hai đội bạn. Tại vòng thi này, Ban Giám khảo không chỉ đánh giá các đội dựa trên câu trả lời mà còn đánh giá dựa trên câu hỏi đội đặt ra. Những đội đặt được những câu hỏi sắc sảo, đánh trúng yếu điểm của dự án đối thủ đều có điểm cộng.

Vòng cuối cùng, đúng như tên gọi “Thử thách”, các đội thi sẽ nhận được câu hỏi từ Ban Giám khảo.

Ban giám khảo và cũng là những nhà đầu tư tiềm năng cho các dự án của Startup Uni gồm 5 thành viên: ông Nguyễn Lâm Thanh – Giám đốc Ban KH&CN – BQL Khu CNC Hòa Lạc, ông Phan Viết Hoàn – CEO Mywork, ông Trần Hữu Đức – Giám đốc FPT Ventures, ông Tạ Ngọc Cầu – Giám đốc ĐH FPT cơ sở Hòa Lạc và ông Trần Việt Trung – Viện trưởng viện Công nghệ FPT. Những câu hỏi của Ban Giám khảo chủ yếu xoay quanh những vấn đề về thị trường, điểm khác biệt để cạnh tranh, kế hoạch phát triển trong tương lai của từng dự án.

Với phần thể hiện đầy thuyết phục, nhóm M.a.D team với 8 thành viên viên đến từ ĐH FPT đã giành giải Quán quân của cuộc thi Start-up Uni mùa đầu tiên.

Sản phẩm Friendly Guide của nhóm M.a.D là  một ứng dụng di động hỗ trợ khách tham quan tại các bảo tàng, khu triển lãm nghệ thuật, nhà truyền thống.  Bằng các lập luận, M.a.D đã chứng minh được sản phẩm có thể tối ưu hóa việc trưng bày ở bảo tàng, chia sẻ thông tin du lịch. Từ đó, nâng cao trải nghiệm người dùng, tăng giá trị nhận diện và tăng doanh thu cho doanh nghiệp. Theo sát và về nhì là đội Kadima, tiếp đến V-team, SE Team và Biệt đội khẩn cấp.

Ban Giám khảo gồm 5 thành viên

Nhóm M.a.D team với 8 thành viên viên đến từ ĐH FPT đã giành giải Quán quân của Cuộc thi.

Đội Kadima giành giải Nhì Cuộc thi.

Hỗ trợ toàn diện

Kết thúc cuộc thi, ngoài giải thưởng tiền mặt, những nhóm xuất sắc sẽ có cơ hội tham quan và làm việc với 3 doanh nghiệp startup thành công vượt trội. Đồng thời tham gia quá trình ươm tạo doanh nghiệp tại các vùng miền trong cả nước, theo chương trình hợp tác giữa Đại học FPT và HBI.

Tham gia quá trình này, các nhóm nhận được các dịch vụ bao gồm: hỗ trợ thành lập doanh nghiệp, tham gia các hoạt động đào tạo về khởi nghiệp; nhận tư vấn kèm cặp từ các doanh nhân thành công, chuyên gia tư vấn giàu kinh nghiệm, và kết nối với các nhà đầu tư/đối tác kinh doanh tiềm năng.

Đánh giá về Cuộc thi, TS. Tạ Ngọc Cầu cho rằng:  “Start-up Uni không chỉ là sân chơi, mà còn là mảnh đất ươm tạo nên những doanh nghiệp. 5 nhóm vào vòng chung kết ngày hôm nay sẽ được hỗ trợ về pháp lý, quản trị doanh nghiệp, được kết nối với các tổ chức, cá nhân đầu tư vốn,… để tạo cơ hội giúp các dự án sớm đi vào triển khai”.

Start-up Uni là cuộc thi khởi nghiệp do Đại học FPT, Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ cao Hòa Lạc (HBI), Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV), Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao TP. HCM (SHTPIC) và ĐH Nông Lâm TP. HCM phối hợp tổ chức. Cuộc thi nhằm khuyến khích những ý tưởng kinh doanh sáng tạo, ứng dụng công nghệ; đồng thời mong muốn khơi dậy tinh thần lao động sáng tạo của thế hệ trẻ và tôn vinh những tác giả có dự án khởi nghiệp xuất sắc trên cả nước. Năm 2016 là mùa giải đầu tiên của Start-up Uni.

Phan Dương