Cuộc chạy đua công nghệ giao hàng của start-up

thumbnail-default

(khoinghiep) – Các công ty start-up (Ấn Độ) trong lĩnh vực công nghệ đang vất vả chiến đấu với các đối thủ truyền thống khi đụng tới dịch vụ giao hàng.


Trong vòng 3 năm vừa qua, hơn 400 start-up về dịch vụ giao hàng đã ra đời tại Ấn Độ, huy động 120 triệu USD từ các công ty đầu tư mạo hiểm và các nhà đầu tư khác. Có thế mạnh về công nghệ, các công ty start up này thu hút khách hàng qua những tấm hình chụp các món ăn ngon cùng với các mức giảm giá mua hàng và giao hàng miễn phí tận nơi. Tuy nhiên, thách thức trong lĩnh vực này còn lớn hơn cả những gì người ta có thể tưởng tượng, liệu với cách làm tăng trưởng lượng khách hàng bằng mọi giá, có giúp 100% các start-up này đi trọn đường dài?

Một phần nguyên nhân về tình trạng kinh doanh thiếu bền vững là do các start-up đã bành trướng quá nhanh
Với những lợi thế công nghệ hiện nay, các start-up kỳ vọng có thể “lật đổ” những công ty giao hàng truyền thống đã tồn tại ở Ấn Độ kể từ thập niên 1890, trong đó có Công ty Dabbawalas vốn không có thế mạnh về công nghệ. Mỗi ngày Dabbawalas giao 175.000 suất ăn (một số được chế biến ngay tại nhà của các đầu bếp, số khác được lấy từ các nhà bếp trung tâm) cho các nhân viên văn phòng và giới sinh viên.

Các dịch vụ mới của các start-up mang đến một thứ mà Dabbawalas không thể có: đặt cơm phút chót và được chọn thức ăn từ hàng trăm nhà hàng khác nhau. Trong khi đó, Dabbawalas yêu cầu khách hàng phải đặt trước cả tháng và phải chấp nhận thực đơn đã cố định trong suốt tháng đó. Dù vậy, hầu hết các start-up sử dụng công nghệ cao đều làm ăn khó khăn và hàng chục start-up đã phải đóng cửa. Những công ty tồn tại được trong đó có TinyOwl và công ty con tại Ấn Độ của Foodpanda Hellofood hiện nay đã giảm quy mô hoạt động so với trước đó. Rrong khi đó, Dabbawalas thì không lúc nào hết việc làm. Mặc dù không có ứng dụng, nhưng công ty này vẫn duy trì được thị phần.

“Tất cả họ đều nhảy vào lĩnh vực này và cung cấp dịch vụ với giá rất rẻ, nhưng họ quên rằng cần tiền để tồn tại”, Subodh Snagle, điều phối viên tại Mumbai Tiffin Box Suppliers Association, đại diện cho khoảng 5.000 nhân viên giao cơm trưa nhận xét. “Chúng tôi làm việc trong lĩnh vực này quá nhiều năm rồi và biết rõ phải trầy trật như thế nào mới cung cấp dịch vụ giao thực phẩm với mức giá đúng”, Snagle nói thêm.

Lấy ví dụ từ trải nghiệm của TinyOwl – một start-up đặt cơm từ các nhà hàng gần đó. Start-up này ra đời vào năm 2014 và huy động được khoảng 20 triệu USD trong năm đầu tiên ra mắt. Lực lượng lao động của TinyOwl đã tăng lên đến khoảng 1.200 người vào đầu năm 2015 và đồng sáng lập kiêm CEO Harshvardhan Mandad cho biết, ông dự kiến mở rộng hoạt động lên tới 50 thành phố vào cuối năm đó. Nhưng rồi đến tháng 11 vừa qua, công ty này đã phải sa thải 270 lao động, hầu hết là các nhân viên làm việc ở bộ phận hỗ trợ khách hàng và bộ phận giao hàng. Hiện tại, TinyOwl chỉ hoạt động ở 2 thành phố tại Ấn Độ với khoảng 200 nhân viên.

Đối thủ lớn nhất của TinyOwl là Foodpanda, một nhà cung cấp dịch vụ giao thực phẩm nhà hàng do Rocket Internet (Đức) sở hữu. Với cơ sở hoạt động đặt tại hơn 25 quốc gia, năm 2012 công ty này đã bước chân vào New Delhi và nhanh chóng bành trướng sang hơn 30 thành phố ở khắp Ấn Độ với số nhân viên tăng mạnh lên tới 1.300 người vào cuối năm ngoái. Trong khi công ty chi tiêu rất nhiều vào quảng cáo truyền hình và các chương trình giảm giá để thu hút khách hàng thì các cơ sở hoạt động của nó lại bị yếu kém về mặt công nghệ, thêm vào đó là tình trạng các nhà hàng giả mạo và kèm theo là tình trạng ăn trộm của nhân viên và nhà thầu… (theo thông tin trên tờ Mint hồi tháng 9/2015) nên dẫn tới thực tế là kinh doanh kém hiệu quả.

Tổng giám đốc Saurabh Kochhar của Foodpanda tại Ấn Độ cho biết:“Chúng tôi đối mặt với nhiều vấn đề từ cách suy nghĩ đến cơ sở hạ tầng và cho tới năng lực thực hiện. Công ty đã phải sa thải 15% lực lượng lao động, một phần là để tự động hóa các cơ sở hoạt động”.

Giới truyền thông Ấn Độ nói rằng, tỉ lệ sa thải trên thực tế hơn gấp đôi con số đó. Kochhar từ chối hé miệng về cuộc điều tra của công ty đối với các cáo buộc gian lận, lừa đảo. Công ty đã “xóa sổ” các nhà hàng giả mạo và chuyển đổi hệ thống của mình sang “một thị trường được quản lý rất chặt chẽ” – theo Ralf Wenzel, CEO toàn cầu của Foodpanda. Wenzel cũng bác bỏ thông tin từ giới báo chí nói rằng, Foodpanda có ý định bán bộ phận này tại Ấn Độ.

Dục tốc bất đạt?

Một phần nguyên nhân về tình trạng kinh doanh thiếu bền vững là do cácstart-up đã bành trướng quá nhanh, tuyển dụng ồ ạt nhân viên giao hàng và các nhân viên làm ở bộ phận hỗ trợ khách hàng. Điều đó đã đẩy các doanh nghiệp “rơi vào một tình huống gần giống như là khủng hoảng” khi lương cho các nhân viên giao hàng đã tăng gần 70% trong năm vừa qua – theo Rituparna Chakraborty, Phó chủ tịch cấp cao tại hãng tư vấn tuyển dụng TeamLease. Các start-up trong đó có Swiggy đã không tuyển nhân viên giao nhận làm toàn thời gian mà chỉ tuyển lao động làm bán thời gian cho mỗi lần có đơn đi giao hàng.

Foodpanda tới Ấn Độ và nhanh chóng bành trướng ra 30 thành phố với 1300 người. Nhưng vừa qua, công ty đã sa thải 15% nhân viên.

Thậm chí những người tham gia giàu kinh nghiệm cũng đang chật vật. Zomato Media (do Sequoia Capital rót vốn) là công ty lớn nhất Ấn Độ trong lĩnh vực đặt thực đơn nhà hàng. Công ty này nhảy vào lĩnh vực giao thức ăn hồi tháng 5/2015, song song đó là cung cấp dịch vụ mới về thanh toán không dùng tiền mặt. Nhưng rồi tháng 11 vừa qua, Zomato Media đã sa thải khoảng 300 người, chiếm 10% lực lượng lao động và bỏ luôn dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Trên trang blog của mình, Zomato Media cho biết, công ty đã chi quá tay vào chương trình này trong đó có việc cung cấp iPad miễn phí cho hàng ngàn nhà hàng. Hồi tháng 12/2015, doanh nghiệp này cho biết, đang đóng cửa dịch vụ đặt hàng trực tuyến tại 4/14 thành phố mà Zomato Media đang hoạt động. “Mặc dù các nỗ lực marketing gần đây của Zomato Media, trong đó có chi tiền cho quảng cáo truyền hình thì lượng đặt hàng cũng không hề tăng tại những thành phố này”, đồng sáng lập Pankaj Chaddah cho biết.

Đối với những người làm nhà hàng như Rajiv Rambhia, vốn đang điều hành nhà hàng Local Bites ở Mumbai (Ấn Độ), làn sóng xuất hiện ồ ạt các ứng dụng đặt thức ăn là một trải nghiệm “buồn vui lẫn lộn”. Sự bùng nổ vào buổi đầu là khi TinyOwl , Foodpanda và các công ty khác thu hút nhiều khách hàng bằng cách giảm giá tới 50%. Rồi sau đó, khi hết các chương trình giảm giá, các công ty ứng dụng bắt đầu tính hoa hồng đối với các nhà hàng với tỉ lệ có thể lên tới 1/5 trên mỗi đơn đặt hàng. “Rõ ràng, nếu bạn cho họ mức giảm giá 50%, mọi người sẽ tìm đến bạn. Khi không còn giảm giá thì các đơn hàng ấy cũng ngừng luôn”, Rambhia nói.

Thách thức trong lĩnh vực này còn lớn hơn nhiều, hơn cả những gì người ta có thể tưởng tượng được”, Tổng giám đốc Saurabh Kochhar của Foodpanda khu vực Ấn Độ rút ra kết luận.

Thành Lợi
logodoanhnhan