Chưa đầy 2 năm sau khi chính thức đi vào hoạt động, những con số khả quan về lượt tải, lượng người dùng từng dấy lên những nghi ngờ về việc, liệu Cốc Cốc có quá “nổ” hay không. Tuy nhiên, việc liên tiếp nhận được những khoản đầu từ lớn từ nước ngoài, mà mới đây nhất là 14 triệu USD từ tập đoàn truyền thông Hubert Burda Media của Đức cho thấy, Cốc Cốc đã có những thành công nhất định tại Việt Nam.
The Establishment Post – một tờ báo khá lớn về kinh doanh vừa qua đã có bài viết về Cốc Cốc, trong đó đề cập đến những thách thức của trình duyệt này khi cạnh tranh tại Việt Nam, kinh nghiệm thu hút đầu tư dành cho startup…
Theo thông tin trên The Establishment Post, ý tưởng về một trình duyệt xây dựng trên nền tảng mã nguồn của Chrome đã manh nha từ năm 2010. Sau thời gian thai nghén và chuẩn bị, mãi đến tháng 5/2013 thì một phiên bản Cốc Cốc mới chính thức được tung ra.
Và chỉ sau chưa đầy 2 năm kể từ thời điểm chính thức đi vào hoạt động, đến nay Cốc Cốc đã có hơn 300 nhân viên, là trình duyệt web được sử dụng nhiều thứ hai tại Việt Nam chỉ sau Google Chrome. Cốc Cốc có hơn 90.000 lượt tải về mỗi ngày, lượng tìm kiếm hàng ngày trung bình khoảng 4,2 triệu.
Nhà đồng sáng lập Cốc Cốc là ông Lê Văn Thanh cho biết, sự phát triển của Cốc Cốc cũng như việc thu hút được khoản đầu tư từ Hubert Burda Media có công lao rất lớn của CEO Cốc Cốc hiện nay là Victor Lavrenko.
Theo trang PC World Vietnam đưa tin, thỏa thuận hợp tác giữa Cốc Cốc và Hubert Burda Media đã được ký kết từ những ngày cuối tháng 2/2015 tại Hà Nội, nhưng đây là thời điểm của kỳ nghỉ Tết nguyên đán Ất Mùi nên phía Cốc Cốc quyết định sang tháng 3 mới công bố rộng rãi thông tin cho báo giới.
Nguồn đầu tư của Hubert Burda Media không chỉ góp phần thúc đẩy triển vọng phát triển của Cốc Cốc, mà còn nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghệ thông tin thế giới. Điều đó cho thấy Việt Nam đang có một tương lai khá khả quan trong lĩnh vực này.
Theo Techz