Chương trình khởi sự kinh doanh lần đầu đến với Sóc Trăng

27.6

Khóa đào tạo nhận được sự hỗ trợ của Quỹ Ôxtrâylia vì Nhân dân Châu Á và Thái Bình Dương tại Việt Nam (AFAP) và Ban Quản lý Dự án biến đổi khí hậu thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng.


Khóa đào tạo đã thu hút gần 50 thanh niên, trong đó khoảng 30% là người dân tộc Khmer. Qua 4 ngày học, 100% học viên tham gia học đầy đủ, đúng thời gian quy định. Anh Lê Hoàng Đô, thành viên Hợp tác xã Vĩnh Thành – Sóc Trăng chia sẻ: “Qua lớp học này, chúng tôi đã thu được nhiều kiến thức, biết cách làm ăn để mang lại lợi ích cho gia đình và cho hợp tác xã, trước giờ chúng tôi chỉ làm theo kinh nghiệm nên hiệu quả chưa cao.” Anh Trịnh Minh Thế, Giám đốc Hợp tác xã Vĩnh Thành hi vọng: “Mong rằng những lớp học như thế này nên tiếp tục tổ chức cho thanh niên, cho bà con nông dân.”

Thạc sỹ Trần Minh Trí – giảng viên Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh, Tổng Thư ký Hội đồng Tư vấn Hỗ trợ chương trình Khởi nghiệp khu vực phía Nam, người trực tiếp giảng dạy lớp học cũng nhận xét: “Được chuyển giao nội dung đào tạo từ Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia từ năm 2013, tôi đã ứng dụng vào lớp học này. Với nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy sinh động, lớp học đã đem đến sinh khí mới cho cuộc sống của thanh niên nơi làng quê. Các học viên học tập với tinh thần cần mẫn và nghiêm túc. Họ trân trọng và nâng niu tờ Giấy chứng nhận đã tham gia thành công lớp học, mà Ban tổ chức Chương trình đã trao – như những kỷ vật quý nhất trong gia đình mình”.

Có thể nói, khóa đào tạo đã để lại những ấn tượng sâu sắc cho người dân địa phương. Điều đó cho thấy Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia không chỉ hấp dẫn đối tượng sinh viên ở các thành phố lớn mà còn lôi cuốn cả đối tượng thanh niên vùng sâu vùng xa vùng đồng bào dân tộc.

Sau khóa đào tạo, Ban Quản lý Dự án biến đổi khí hậu – AFAP thị trấn Ngã Năm tỉnh Sóc Trăng phối hợp với Báo Diễn đàn Doanh nghiệp – chi nhánh phía Nam và Viện Nghiên cứu Tư vấn Phát triển bền vững – TP.HCM hướng dẫn học viên lập dự án kinh doanh, đồng thời tư vấn hỗ trợ triển khai thực tế. Hai dự án được chọn đầu tiên là: mô hình kinh doanh dịch vụ nông nghiệp và mô hình sản xuất kinh doanh cây chùm ngây. Ngay tại Lễ Bế giảng, TS Trần Thị Út – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tư vấn Phát triển bền vững – TP.HCM đã tài trợ hơn 3.500 hạt giống cây chùm ngây và hướng dẫn các học viên kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, chế biến và giới thiệu nơi tiêu thụ các sản phẩm từ cây chùm ngây. Khóa đào tạo “Hướng dẫn lập dự án kinh doanh” tại tỉnh Sóc Trăng đã mở ra cơ hội làm giàu chính đáng bằng con đường kinh doanh cho các bạn trẻ ở vùng nông thôn.

Nguyễn Thủy