Chung kết khởi nghiệp 2015: Chất lượng thí sinh vượt trội so với mọi năm

23.8

Trao đổi với phóng viên Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tại sự kiện “Chung kết Cuộc thi Khởi nghiệp 2015” diễn ra chiều 26/12, tại Hà Nội, hầu hết doanh nhân, hội đồng giám khảo đều khẳng định chất lượng thí sinh tham gia cuộc thi năm nay đã vượt trội so với mọi năm.


Ông Nguyễn Văn Mỹ – Giảng viên cao cấp Chương trình CEFE Việt Nam, Cố vấn cao cấp chương trình Khởi nghiệp quốc gia: “Năm nay các thí sinh tham gia cuộc thi tương đối đồng đều với chất lượng tốt, đi sâu vào form quốc tế và làm tốt hơn mọi năm, đặc biệt các nhóm trường, khu vực được chương trình đào tạo. Rất nhiều dự án không còn dừng lại ở ý tưởng mà thực sự có kế họach hành động, triển khai ở thực tế, nhiều dự án đã đi vào sản xuất kinh doanh. Có những nhóm dự án say mê đến mức toàn tâm toàn lực tham gia cuộc thi và muốn được nhà nước, chương trình hỗ trợ 1 phần nào đó để đi vào thực tế. Tôi cho rằng, để chương trình được phủ sóng rộng hơn nữa, Nhà nước nên dành 1 phần kinh phí để tổ chức chương trình, đào tạo cho các bạn sinh viên đam mê khởi nghiệp vì trong trường học không có chương trình này. Có lẽ các trường chỉ muốn đào tạo sinh viên trở thành người làm thuê. Còn chương trình và chúng tôi thì muốn đào tạo các bạn làm chủ”.

Ông Nguyễn Văn Mỹ – Giảng viên cao cấp Chương trình CEFE Việt Nam, Cố vấn cao cấp chương trình Khởi nghiệp quốc gia

Bà Võ Thị Phương Lan – Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Giao nhận Vận tải Mỹ Á (ASL), Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Khu vực phía Nam: “Chương trình Khởi nghiệp quốc gia có ý nghĩa rất lớn, khơi dậy niềm đam mê kinh doanh cho thế hệ trẻ. Các em sinh viên học trong trường, học đa số là lý thuyết nhưng khi các em tiếp cận với những kiến thức kinh doanh thì nảy sinh ra các ý tưởng tốt. Ví như các bạn sinh viên trường Đại học Bách Khoa đã sáng tạo ra các sản phẩm như máy tưới tiêu tự động phục vụ cho ngành nông nghiệp. Để đem sản phẩm ra thị trường cần có kiến thức cơ bản về kinh tế để các em viết dự án và kêu gọi các doanh nhân đầu tư cho các em cơ sở vật chất ban đầu để chế tạo ra các sản phẩm hoàn chỉnh và hướng dẫn các em đưa sản phẩm đó ra thị trường.

Với ý nghĩa như vậy, hội đồng tư vấn phía Nam gồm gần 50 thành viên đều là giảng viên, doanh nhân tham gia rất nhiệt tình, sẵn sàng chia sẻ thời gian, vật chất. Phía Nam đã tổ chức được 6 lớp khởi nghiệp. Sau chuỗi đào tạo đã có 42 dự án nộp về. Hội đồng tư vấn là các doanh nhân chấm chéo được 10 dự án và lần đầu tiên tổ chức chung kết cuộc thi phía Nam.

Bản thân tôi là doanh nhân và là thành viên CLB Doanh nhân Sài gòn, tôi đã giới thiệu chương trình đến với các anh chị doanh nhân và được hưởng ứng. Mặc dù các anh chị bận rộn nhưng vẫn dành thời gian quý báu đến chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp với các bạn sinh viên và sẵn sàng đọc các dự án, hướng dẫn thêm cho các em để hoàn thành đề án. Nếu các dự án trình bày xong có tính khả thi các doanh nhân sẵn sàng đầu tư cho các em. Đây là niềm vui và cũng là động lực cho chúng tôi. Ví như dự án Thành lập cty TNHH-MTV Chocolate Handmade E-E đã có công ty Saigon Food sẵn sàng đầu tư…

Tôi hy vọng trong thời gian tới Ban tổ chức cần kết nối hơn nữa với các doanh nhân để họ quan tâm nhiều hơn bằng việc chia sẻ kinh nghiệm và tài chính đối với các dự án của sinh viên để những dự án này được đi vào thực tế”.

Bà Võ Thị Phương Lan – Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Giao nhận Vận tải Mỹ Á (ASL), Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Khu vực phía Nam

Ông Trần Đình Cường – Tổng Giám đốc Cty E&Y Việt Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn – Hỗ trợ Khởi nghiệp Quốc gia: “Các dự án dự thi năm nay đã thể hiện được ý tưởng kinh doanh gắn chặt với thị trường, nhu cầu và xu hướng phát triển của xã hội, những lĩnh vực như công nghệ thông tin, nông nghiệp, dịch vụ thương mại được đề cập nhiều … Tuy nhiên ở một số dự án đã bộc lộ điểm yếu, đó là chưa thật kỹ lưỡng và chi tiết trong việc lập kế hoạch kinh doanh. Điều này cũng dễ hiểu đối với các dự án khởi nghiệp bởi các chủ dự án chưa có kinh nghiệm thực tế, họ mới nghĩ được ý tưởng và chưa hình dung được cụ thể thực tế sẽ triển khai thế nào. Với quyết tâm và lòng đam mê, tôi tin rằng trong quá trình thực hiện dự án, các bạn sẽ làm và điều chỉnh kế hoạch của mình để đạt được những kết quả như mong muốn”.

Ông Trần Đình Cường – Tổng Giám đốc Cty E&Y Việt Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn – Hỗ trợ Khởi nghiệp Quốc gia

Bạn Đinh Thị Nho – Nhóm F4, dự án Net-Loading: “Năm nay có 412 dự án của gần 1.000 thí sinh ở 25 tỉnh, thành phố gửi về. Các nhóm ngành dự thi cũng rất đa dạng, có đủ các lĩnh vực: Công nghệ thông tin, Nông – lâm nghiệp, thương mại dịch vụ, sản xuất chế tạo… Các con số này đã cho thấy sức hút của cuộc thi. Bản thân 10 nhóm lọt vào chung kết đều là những đối thủ “đáng gờm”. Dự án của em mặc dù chưa được ứng dụng, demo với Ban giám khảo nhưng bọn em tin tưởng vào việc khảo sát thị trường rất kỹ càng. Việc áp dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề trong xã hội là xu hướng phù hợp được nhiều bạn trẻ quan tâm và bọn em có thể khẳng định dự án hoàn toàn có thị trường đủ rộng để phát triển.

Hiện tại chưa có doanh nghiệp đứng ra đầu tư nhưng bọn em đã và đang nhận được sự hỗ trợ và cố vấn của Khoa Quản trị Kinh doanh – Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Có sự hỗ trợ của các thầy cô nên dễ dàng thu hút vốn đầu tư của các doanh nghiệp. Ngoài ra chúng em cũng đang tìm kiến thêm các nhân sự phù hợp, đặc biệt là mảng công nghệ”.

Bạn Đinh Thị Nho – Nhóm F4, dự án Net-Loading

Bạn Phan Thị Thanh Nhàn – Dự án Rau sạch thủy canh, rau sạch siêu năng suất: “Chất lượng các thí sinh tham gia năm nay khá đồng đều và đa dạng ở các lĩnh vực. Các dự án tham gia cuộc thi cũng được các chuyên gia, doanh nhân trong hội đồng giám khảo đánh giá cao, có tính khả thi và mang ý nghĩa xã hội cao hơn.

Thông qua chương trình chúng em có thêm nhiều cơ hội để tiếp cận, học hỏi kinh nghiệm từ các doanh nhân đi trước, trau dồi lý tưởng, hoài bão để làm giàu cho quê hương, đất nước”.

Bạn Phan Thị Thanh Nhàn – Dự án Rau sạch thủy canh, rau sạch siêu năng suất

Lưu Vân