Chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp cho thanh niên, sinh viên Vĩnh Phúc

24.2

Gần 500 thanh niên, sinh viên tới tham dự chương trình.


Đây là năm thứ hai chương trình được tổ chức tại tỉnh Vĩnh Phúc, thể hiện quyết tâm của Ban Tổ chức Chương trình Khởi nghiệp quốc gia, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Tỉnh Đoàn trong việc phát triển phong trảo khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn.

Tham dự buổi giao lưu có sự hiện diện của ông Lê Duy Thành – Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, ông Phùng Ngọc Lân – Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm, Sở Lao động Thương binh Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc, ông Phan Bá Sang – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc, ông Đường Trọng Khang – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc, ông Nguyễn Mạnh Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên tỉnh Vĩnh Phúc.

Về phía Báo Diễn đàn Doanh nghiệp có ông Phạm Ngọc Tuấn – Tổng Biên tập báo Diễn đàn Doanh nghiệp, Phó Trưởng ban Thường trực Ban tổ chức Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia; ông Lại Hợp Nhân – Phó Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, Tổng Thư ký Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia. Về phía khách mời doanh nhân có ông Nguyễn Tiến Trung – Giám đốc Công ty Cổ phần Kankyo Việt Nam, bà Trần Thị Minh Huế – Giám đốc cơ sở gia công tóc giả xuất khẩu.

Gần 500 thanh niên, sinh viên tới tham dự chương trình

Phát biểu khai mạc chương trình, ông Phạm Ngọc Tuấn – Tổng Biên tập báo Diễn đàn Doanh nghiệp, Phó Trưởng ban Thường trực Ban tổ chức Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia cho biết, đội ngũ doanh nhân và doanh nghiệp nước ta ngày càng đóng vai trò và là lực lượng quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ðảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp, phát huy vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đã nhấn mạnh nhiệm vụ: “Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần dân tộc, giác ngộ chính trị, văn hóa kinh doanh, có trách nhiệm xã hội cao, có đủ năng lực, trình độ để lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp hoạt động có chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao, liên kết chặt chẽ, tham gia tích cực vào sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu; không ngừng phát triển, phấn đấu đến năm 2020 có một số doanh nhân, doanh nghiệp có thương hiệu đạt tầm cỡ khu vực Đông Nam Á”.

Ông Phạm Ngọc Tuấn – Tổng Biên tập báo Diễn đàn Doanh nghiệp, Phó Trưởng ban Thường trực Ban tổ chức Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia

Đặc biệt, trong nhiệm vụ đó, khởi nghiệp của thanh niên ở các tỉnh, các địa phương đang được toàn xã hội quan tâm và tạo điều kiện nhiều nhất. Vì Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp và lợi thế cạnh tranh có lẽ cũng là nông nghiệp nông thôn. Công cuộc đổi mới kinh tế khởi xướng từ năm 1986 với chính sách khoán 10 mà bản chất như là cuộc khởi nghiệp mới trong nông nghiệp và nông thôn. Chính những cải cách trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn đã đưa nền kinh tế đất nước đi lên mạnh mẽ suốt 3 thập kỷ qua. Trong giai đoạn mới, phát triển phong trào khởi nghiệp ở các tỉnh nói chung, trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn nói riêng vẫn sẽ là một giải pháp quan trọng đối với vận mệnh phát triển của đất nước.

Nhiều số liệu từ báo cáo kinh tế của UBND tỉnh Vĩnh Phúc năm 2014 cho thấy, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết liệt trong công tác chỉ đạo, tập trung huy động cả hệ thống chính trị vào công cuộc cải thiện môi trường đầu tư. Cụ thể, tỉnh có 6.228 doanh nghiệp, tăng 300 doanh nghiệp so với năm ngoái, đóng góp 20.000 tỷ đồng vào tổng thu ngân sách tỉnh. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Vĩnh Phúc năm 2014 tăng 20 bậc (từ xếp hạng thứ 26 vươn lên thứ 6). Ông Tuấn cho rằng, sự đồng hành này rất có ý nghĩa với sự phát triển doanh nghiệp địa phương, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp.

Ngoài ra, việc nhiều tập đoàn lớn như VinGroup đã đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, cơ sở hạ tầng tại Vĩnh Phúc cho thấy, tiềm năng khởi nghiệp cho thanh niên sinh viên trong tỉnh là rất dồi dào.

“Với vai trò là tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam luôn coi việc hỗ trợ doanh nghiệp, xây dựng đội ngũ doanh nhân có tầm, có tâm và có tài là một nhiệm vụ quan trọng. Chương trình Khởi nghiệp quốc gia do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp – cơ quan ngôn luận của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức là hoạt động thiết yếu để chúng tôi thực hiện nhiệm vụ đó. Với tinh thần thúc đẩy “khát vọng kinh doanh Việt”, chúng tôi hi vọng có thể đồng hành từng bước cùng các bạn trẻ lập thân lập nghiệp bằng con đường kinh doanh.” – Ông Tuấn nhấn mạnh.

MC và các vị diễn giả

Các vị khách mời tham gia giao lưu với các bạn thanh niên – sinh viên tỉnh Vĩnh Phúc gồm: ông Nguyễn Tiến Trung – Giám đốc Công ty Cổ phần Kankyo Việt Nam, bà Trần Thị Minh Huế – Giám đốc cơ sở gia công tóc giả xuất khẩu, ông Đường Trọng Khang – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc, ông Nguyễn Mạnh Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên tỉnh Vĩnh Phúc, ông Phùng Ngọc Lân – Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm, Sở Lao động Thương binh Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc.

Ông Nguyễn Tiến Trung: Khi bắt đầu ra trường và vào làm việc tại Toyota, tôi không nghĩ là mình gắn bó được lâu đến như vậy. Các tập đoàn lớn như Toyota, Honda, Piagio… có những hệ thống đào tạo rất bài bản và chuyên nghiệp. Chính vì vậy, những người làm việc ở đó như chúng tôi đã học được rất nhiều điều quý báu từ những người đi trước. Điều đó mang lại rất nhiều lợi ích giúp cho sự nghiệp sau này của mình.

Có nhiều người thành đạt họ mang tiền đi chia sẻ cho người có hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ thì tôi chọn cách mang kinh nghiệm của mình đi chia sẻ cho những người đi sau. Các bạn trẻ hiện nay có điều kiện hơn chúng tôi rất nhiều vì các bạn có cơ hội tiếp xúc với người thành công đi trước, tìm hiểu trên nhiều phương tiện thông tin. Các bạn cũng có rất nhiều ý tưởng tuyệt vời để xây dựng các dự án khởi nghiệp. Tuy nhiên để biến ý tưởng thành hiện thực thì cần rất nhiều thứ. Các bạn cần phải có đam mê, tâm huyết với những “đứa con tinh thần của mình”. Hãy bắt đầu từ những gì nhỏ nhất, chưa cần phải thực hiện điều lớn lao.

Bà Trần Thị Minh Huế: Tôi đã từng làm công nhân tại KCN Quang Minh. Bước đầu thì tôi cũng không nghĩ làm việc lâu dài mà chỉ là kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống. Tuy nhiên sau đó tôi thấy nó thực sự phù hợp với mình và quyết định học hỏi, phấn đấu. Sau 3 năm, khi đã có vốn, kinh nghiệm tôi quyết định vay vốn ngân hàng, xin mở xưởng tại nhà. Đến nay, tôi đã có nhiều nhóm cộng tác ở nhiều phường xã, tại cơ sở sản xuất thì luôn có từ 20 -25 lao động.

Một bạn sinh viên đặt câu hỏi cho khách mời

Để trở thành một CEO giỏi thì cần những tố chất gì ?

Ông Nguyễn Tiến Trung: Việc đầu tiên với tất cả các bạn là không phải nghĩ mình phải học thật cao, phải có nhiều tiền thì mới là doanh nhân giỏi mà là sự đam mê với những ước mơ của các bạn. Từ đam mê đó thì các bạn phải không ngừng học hỏi. Để có 1 công ty tốt thì các bạn nên hình thành 1 đôi, 1 nhóm, mỗi người mạnh về 1 lĩnh vực (tài chính, kế toán, nhân sự…) để chúng ta tạo ra 1 doanh nghiệp. Trong quá trình hoạt động, người lãnh đạo phải không ngừng rèn rũa, học tập để làm gương cho những người khác trong nhóm. Các doanh nghiệp lớn họ rất chú tâm vào các hoạt động đào tạo nhân sự cho công ty. Yếu tố về tài chính là vô cùng quan trọng nhưng không phải là nhất vì khi chúng ta có ý tưởng tốt, sản phẩm tốt, được thị trường chấp nhận, chúng ta sẽ có nhà đầu tư.

Em muốn khởi nghiệp kinh doanh nhưng chưa biết bắt đầu tư đâu. Em có nên kinh doanh hay đi làm trước để học hỏi kinh nghiệm và tích lũy vốn ?

Ông Phùng Ngọc Lân: Hiện nay, nếu các bạn học xong ra trường đi làm công nhân thì cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống của bản thân mình. Các bạn nên đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, Sau 3 năm bạn quay về khởi nghiệp vẫn chưa muộn. Lúc đó, bạn đã có vốn, kinh nghiệm trong tay, như thế phần trăm thành công sẽ cao hơn.

Thưa ông, tỉnh Đoàn hiện nay đã có những họat động hỗ trợ gì cho thanh niên, sinh viên khởi nghiệp ?

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn: Trong thời gian qua tỉnh đoàn đã có rất nhiều hoạt động tư vấn, hỗ trợ, khuyến khích các bạn thanh niên, sinh viên khởi nghiệp, lập nghiệp bằng con đường kinh doanh. Tỷ lệ các hoạt động này đã dần được tăng lên, tuy nhiên chưa đáp ứng được nhu cầu của các bạn thanh niên, sinh viên. Trong thời gian tới, tỉnh đoàn sẽ nỗ lực tăng cường các hoạt động như mở các lớp đào tạo, trang bị kiến thức kinh doanh cho các bạn. Ngoài ra còn có các lớp quản lý lãnh đạo trẻ cho những bạn thậm chí mới là đội viên. Chúng tôi cũng đã xây dựng đề án lập quỹ tài năng trẻ. Trong 9 năm hoạt động, quỹ đã giúp đỡ 251 mô hình khởi nghiệp, 2 trung tâm giới thiệu việc làm của tỉnh đã giới thiệu được việc làm cho hơn 1.300 lao động tại thị trường Nhật trong năm 2014. Ban Thường vụ tỉnh đoàn cũng đã tổ chức các buổi tư vấn, chuyển giao khoa học công nghệ đến với thanh niên nông thôn. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng tham mưu nhiều hơn cho phía chính quyền và nỗ lực mang trí sáng tạo của mình để góp phần đưa những ý tưởng khởi nghiệp trở thành hiện thực nhiều hơn nữa.

Ông Đường Trọng Khang, ông Nguyễn Mạnh Tuấn và ông Phùng Ngọc Lân (từ trái sang phải)

Hiện nay tỉnh Vĩnh Phúc có những ưu đãi gì để thu hút sự đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ?

Ông Đường Trọng Khang: Khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp tại Vĩnh Phúc là một lĩnh vực khó khăn vì chúng ta đang hướng tới công nghiệp nhiều hơn nhưng không vì thế mà chúng ta không coi trọng đầu tư. Hiện tại nông nghiệp của chúng ta đang bị cạnh tranh rất nhiều, đặc biệt, sắp tới khi ký kết TPP và có hiệu lực, việc cạnh tranh về công nghệ, giá thành sản phẩm… sẽ ngày càng khốc liệt và khó khăn hơn. Đã có 1 vài tập đoàn lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao tại Vĩnh Phúc. Hiện nay, UBND tỉnh đang trình HĐND tỉnh về đề án khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Hy vọng sẽ sớm được thông qua và triển khai thực tế.

Ông Nguyễn Tiến Trung: Dù hiện tại chúng ta chưa có được sự hỗ trợ nhiều trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên nếu bạn vẫn quyết tâm khởi nghiệp trong lĩnh vực này, bạn hãy tìm sự khác biệt trong những dòng sản phẩm hiện tại và đầu tư vào nó thì chúng ta mới có thể thành công được.

Ông Nguyễn Tiến Trung và bà Trần Thị Minh Huế

Em là sinh viên năm cuối nhưng chưa biết khởi nghiệp từ đâu, xin anh chị cho em lời khuyên?

Bà Trần Thị Minh Huế: Bạn hãy bắt đầu tư những thứ xung quanh mình, từ những khả năng, ý tưởng nhỏ nhất của bạn. Chờ cho đến khi có thời cơ, cơ hội chín muồi sẽ thành công.

Ông Nguyễn Tiến Trung: Năm cuối đại học, tôi đã có những thương vụ kinh doanh nhỏ như bán sim điện thoại, đại lý băng đĩa, cửa hàng internet… dần dần tôi phát triển lớn hơn. Cái bạn mất nhiều nhất là thời gian. Tuy nhiên, dù thành công hay thất bại thì bạn cũng sẽ tích lũy được nhiều kinh nghiệm hơn cho những lần sau.

Khi mở một công ty, em phải làm sao để thu hút và giữ chân nhân viên?

Ông Nguyễn Tiến Trung: Tôi đã từng rất đau đầu về những vấn đề này, việc giữ chân nhân viên, trước tiên, hãy tự hỏi và trả lời xem mình đã mang được những gì cho người ta, sau đó mới nói đến việc người ta đã làm được gì cho mình. Tốt nhất là để họ có cơ hội góp cổ phần cùng công ty, như vậy sẽ thôi thúc họ làm việc và gắn bó với công ty, doanh nghiệp nhiều hơn.

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn: Phải dung hòa lợi ích về kinh tế, môi trường làm việc giữa người chủ lao động và những người nhân viên. Trả đúng đồng lương họ đáng được hưởng và tuyển dụng, phân việc đúng trình độ của họ.

Ông Phạm Ngọc Tuấn (trái) trao tặng khoá đào tạo khởi nghiệp cho ông Phan Bá Sang – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc.

Cũng tại buổi giao lưu, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc đã phát động cuộc thi Khởi nghiệp Vĩnh Phúc 2015. Đây là cuộc thi nhằm tạo cơ hội cho sinh viên Lâm nghiệp phát huy tinh thần sáng tạo và ý chí khởi nghiệp. Đồng thời, BTC Chương trình Khởi nghiệp quốc gia cũng đã trao tặng một lớp hướng dẫn tìm kiếm ý tưởng kinh doanh cho thanh niên, sinh viên tỉnh Vĩnh Phúc.

Hoàng Sang – Hồng Hương