Cần thêm gì để khởi nghiệp?

15.7

Chưa bao giờ cụm từ “khởi nghiệp” được nhắc đến nhiều như những ngày gần đây. Nó như một sự thôi thúc hành động từ nhu cầu thực tiễn. Năm 2016 cũng đã được Chính phủ chọn là Năm quốc gia khởi nghiệp.


Đã có những cam kết mạnh mẽ từ Chính phủ trong việc kiến tạo hệ sinh thái khởi nghiệp khi cách đây không lâu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”. Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 cũng xác định “Tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Gần đây nhất, tại hội thảo “Phát triển thị trường vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ hối thúc nhanh chóng hình thành một thị trường giao dịch chứng khoán dành riêng cho doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ đã được trong vòng 2-3 năm tới.

Chắc chắn, sẽ có thêm nhiều chính sách cụ thể thúc đẩy khởi nghiệp được ban hành trong thời gian thới. Đó là nền tảng cho một hệ sinh thái khởi nghiệp đang hình thành và phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam.

Tuy nhiên, như vậy là chưa đủ. Trong Hội nghị xúc tiến đầu tư được tổ chức tại một tỉnh miền núi phía Bắc cách đây không lâu, khi chúng tôi trao đổi với một doanh nhân tại địa phương về số lượng doanh nghiệp mới được thành lập trong tỉnh, vị doanh nhân này tỏ ra không vui.

Ông tâm sự rằng: Mỗi năm, trên địa bàn tỉnh chỉ có vài chục doanh nghiệp thành lập mới không phải là con số lớn nhưng lại tập trung hết vào lĩnh vực xây dựng. Trong khi đó, tỉnh nghèo nên chỉ trông chờ vào ngân sách xây dựng cơ bản. Trên 80% trong tổng số hơn 1000 doanh nghiệp của tỉnh hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, không sản xuất ra của cải vật chất và thiếu tính sáng tạo khiến cho “chiếc bánh” thị phần không phát triển và các doanh nghiệp cũng không “lớn” lên được.

Vị doanh nhân này đã chỉ ra một thực trạng “èo uột” của doanh nghiệp địa phương đó chính là tính sáng tạo. Đáng tiếc, đây lại là thực trạng đạng diễn ra khá phố biến ở nhiều nơi và là một trong những nguyên nhân khiến cộng đồng doanh nghiệp không thể phát triển lớn mạnh.

Không phải ngẫu nhiên mà trong cuộc gặp mặt các doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc 2016, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh: Doanh nghiệp nhỏ muốn thành công thì chí phải lớn và phải sáng tạo.

Trong một cuộc giao lưu khởi nghiệp do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức cách đây không lâu ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT chia sẻ: Một thế giới mới đang được hình thành, mọi ngân sách sẽ trở thành ngân sách số. Mọi nhà lãnh đạo sẽ trở thành lãnh đạo số. Mỗi một công dân đều có thể trở thành doanh nghiệp số mà trường hợp Nguyễn Hà Đông với sản phẩm Flappy Bird. Cuộc cách mạng số và kinh tế sáng tạo đã tạo ra một trong những công ty vận tải lớn nhất thế giới nhưng không sở hữu riêng một chiếc xe nào như Uber.

Ông Bình cũng cho rằng: Để khởi nghiệp thành công, nếu bỏ mọi điều kiện chỉ giữ lại một điều kiện thì đấy là con người, rộng ra là giáo dục, phải thay đổi toàn diện và căn bản giáo dục và đào tạo để Việt Nam có một nguồn nhân lực vừa có tinh thần khởi nghiệp, vừa có năng lực sáng tạo và có dũng khí chấp nhận mạo hiểm.

Nghị quyết 35 của Chính phủ cũng đặt ra yêu cầu: Việt Nam phải đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát triển theo chiều sâu dựa trên tri thức đổi mới, sáng tạo, khoa học và công nghệ cao, trong đó doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân là động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế.

Xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp là tiền đề quan trọng để đạt được mục tiêu Việt Nam có một triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020 và các mục tiêu kinh tế đã đề ra. Nhưng khởi nghiệp không phải là một “mỹ từ”, một trạng thái bắt đầu hay là một đích đến. Khởi nghiệp là một lộ trình dẫn đến thành công mà ở đó cơ chế chính sách chỉ là những tác nhân ngoại lực, sáng tạo mới là nội lực, động lực chính đưa sự nghiệp khởi sắc, phát triển!

Phan Nam