Hội đồng Tư vấn và Hỗ trợ Khởi nghiệp phía Nam thuộc Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia đã phối hợp với trường Đại học Tôn Đức Thắng, TP.HCM tổ chức chương trình Giao lưu Doanh nhân với chủ đề “Khởi nghiệp 5W + 1H”.
Chương trình đã thu hút sự tham gia của hơn 500 bạn sinh viên thuộc nhiều Khoa của Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Các bạn sinh viên đã gặp gỡ và lắng nghe những chia sẻ về kinh nghiệm Khởi nghiệp từ các diễn giả khách mời là những doanh nhân thành đạt, những chuyên gia về Khởi nghiệp của Hội đồng Tư vấn và Hỗ trợ Khởi nghiệp phía Nam.
Phát biểu Khai mạc chương trình, TS. Võ Hoàng Duy – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng gửi lời cảm ơn về sự hỗ trợ và hướng dẫn của Hội đồng Khởi Nghiệp phía nam danh cho sinh viên của Trường.
Tại chương trình, thầy Duy cho rằng sự đào tạo về lý thuyết trong nhà trường chưa đủ, cần phải có những trải nghiệm ở ngoài thực tế. Theo ông, nếu muốn thành công thì cần phải có những người đi trước dẫn đường, đó là lý do mà trong năm qua trường Đại học Tôn Đức Thắng luôn tạo mọi điều kiện để các em sinh viên tham gia nhiều cuộc thi khởi nghiệp do Thành phố tổ chức.
Qua chương trình ông mong các bạn sinh viên sẽ có những bài học kinh nghiệm thành công cũng như thất bại của các doanh nhân để trang bị thêm những kỹ năng, kiến thức làm hành trang cho chặng đường khởi nghiệp của riêng mình.
Nói về chức năng và sự ra đời của Hội đồng Tư vấn và Hỗ trợ Khởi nghiệp phía Nam, bà Võ Thị Phương Lan – Chủ tịch Hội đồng cho biết: Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho thanh niên, sinh viên cả nước có cơ hội được học tập, thực hành, giao lưu… với những chuyên gia, nhà tư vấn và doanh nhân thành đạt nhằm giúp các bạn hiện thực hóa giấc mơ trở thành doanh nhân. Năm 2014, Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã ban hành Quyết định thành lập Hội đồng Tư vấn và Hỗ trợ Khởi nghiệp phía Nam trực thuộc Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia.
Bà Lan hy vọng với những hỗ trợ từ Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia và từ Hội đồng Tư vấn và Hỗ trợ Khởi nghiệp phía Nam, năm 2017 trường Đại học Tôn Đức Thắng sẽ có nhiều dự án Khởi nghiệp đạt giải cao tại Cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia.
Phần Giao lưu doanh nhân có sự tham gia của Bà Võ Thị Phương Lan – TGĐ Công ty CP Vận tải Mỹ Á/Chủ tịch Hội đồng Tư vấn và Hỗ trợ Khởi nghiệp phía Nam; Ông Huỳnh Thanh Vạn – Chủ tịch HĐQT Công ty Sfurniture/P. Chủ tịch Hội đồng Tư vấn và Hỗ trợ Khởi nghiệp phía Nam; Bà Lê Thị Thanh Lâm – P. Tổng giám đốc Công ty CP Sài Gòn Food; ông Hà Huy Cường – P. TGĐ Ngân hàng An Bình.
Mở đầu buổi Gao lưu, bạn Thanh Vân sinh viên Khoa Kế toán hỏi:
Những thách thức lớn nhất của sinh viên khi khởi nghiệp là gì?
Trả lời câu hỏi này, bà Võ Thị Phương Lan chia sẻ: Khi khởi nghiệp có rất nhiều thách thức, mà thách thức lớn nhất của người khởi nghiệp là phải có niềm đam mê và sự kiên trì. Nếu hai yếu tố này chưa đủ lớn thì dễ dẫn đến thất bại.
Khi khởi nghiệp chọn người đồng hành với mình cũng vô cùng quan trọng. Ngay từ đầu chúng ta phải rõ ràng, minh bạch mọi thông tin bằng văn bản đặc biệt là khâu góp vốn làm ăn chung.
Doanh nhân Huỳnh Thanh Vạn chia sẻ thêm: Các bạn muốn khởi nghiệp thì việc đầu tiên là phải có ý tưởng và quyết tâm thực hiện ý tưởng đến cùng không sợ thất bại. Điều quan trọng nhất của sinh viên khi khởi nghiệp là chúng ta phải đủ kiến thức và sự tư vấn từ những chuyên gia, doanh nhân thành đạt, mối quan hệ như bạn bè, gia đình thầy cô… Chúng ta cần phải được trải nhiệm nhiều hơn để hiện thực hóa ý tưởng của mình.
Doanh Nhân Thanh Lâm chia sẻ thêm: Điều lo lắng nhất của các bạn sinh viên khi khởi nghiệp là không biết bắt đầu từ đâu để ý tưởng khởi nghiệp của mình không chỉ là phong trào. Việc chuẩn bị cho một ý tưởng đi vào thực tiễn là vô cũng quan trọng . Có ý tưởng là tốt nhưng nếu ý tưởng đó không được trang bị hành trang để đi vào thực tiễn thì ý tưởng đó mãi mãi vẫn chỉ là ý tưởng.
Bà Lê Thị Thanh Lâm – P. TGĐ Sài Gòn Food cho rằng, các bạn trẻ mới Khởi nghiệp hiện nay thường bị thất bại bởi sự quá nóng vội và không có kinh nghiệm cho quá trình thực hiện dự án của mình. Bà Lâm nhấn mạnh, muốn kinh doanh thành công thì phải có những kiến thức, mối quan hệ xã hội, nhu cầu của thị trường, khách hàng… thì mới có thể đạt được thành công. Để có được niềm đam mê thì bản thân các bạn phải biết mình muốn gì, yêu cái gì… và các bạn muốn mình sẽ trở thành ai trong tương lai, nếu các bạn trả lời được những câu hỏi này thì mới có được những ý tưởng.
Sinh viên Khoa – khoa học ứng dụng đặt câu hỏi cho ông Hà Huy Cường – P. TGĐ Ngân hàng An Bình: Hiện nay, tại Ngân hàng An Bình có giải quyết gì cho các doanh nghiệp Khởi nghiệp thất bại?
Trong năm 2017, ngân hàng An Bình định hướng vào bán lẻ, tập trung vào phân khúc khách hàng là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hiện nay, chúng tôi đã có những gói tín dụng nhỏ dành cho doanh nghiệp mới Khởi nghiệp. Các bạn có thể đến tất cả các chi nhánh của ngân hàng An Bình để được tư vấn hỗ trợ. Khi những doanh nghiệp bị lầm vào tình phá sản thì phải trực tiếp chia sẻ tình trạng cho ngân hàng biết, để ngân hàng có những biện pháp nhằm tháo gỡ tình trạng đó.
Bạn Vinh khoa điện tử hỏi: “Làm sao để các nhà đầu tư có thể tin tưởng và đầu tư vốn vào dự án của mình?”
Trả lời câu hỏi này, bà Võ Thị Phương Lan cho rằng: Khi bạn muốn nhà đầu tư tin tưởng để đầu tư vào dự án của mình. Bản thân bạn phải chứng minh được dự án đó của bạn có khả thi và được các chuyên gia cũng như những doanh nhân thành đạt đánh giá lúc đó nhà đầu tư, ngân hàng, các quỹ đầu tư… mới sẵn sàng đầu tư.
Bạn Quốc Bảo sinh viên Khoa Quản trị Kinh doanh hỏi: “Quản trị nhân sự Người nhà trong quá trình khởi nghiệp như thế nào?”
Với câu hỏi này Doanh nhân Huỳnh Thanh Vạn cho rằng: Khi Khởi Nghiệp điều tạo nên thành công là yếu tố con người . Chúng ta cần cân nhắc kỹ để không ảnh đến vấn đề tiền cũng như người nhà. Người thực hiện dự án phải là người quyết định được mọi việc.
Sau hơn một giờ giao lưu chia sẻ, hơn 500 bạn sinh viên trường Đại học Tôn Đức Thắng đã nhận được rất nhiều chia sẻ hữu ích về những kiến thức Khởi nghiệp cũng như những cam kết hỗ trợ khởi nghiệp từ các vị khách mời của Chương trình.
PV