Bất ngờ với khởi nghiệp của sinh viên

Đã có dự án khởi nghiệp của sinh viên được doanh nghiệp “chốt đơn” đầu tư từ giai đoạn rất sớm để có sản phẩm hoàn thiện đưa ra thị trường.

Phong trào khởi nghiệp trong cộng đồng sinh viên tại TP HCM gần đây có nhiều chuyển biến tích cực với nhiều ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo có thể phát triển thành dự án kinh doanh. Qua “sân chơi” khởi nghiệp, các trường đại học, cao đẳng có thể đưa các kết quả nghiên cứu khoa học vào sản xuất – kinh doanh thay vì “cất tủ” như trước.

Doanh nghiệp “chốt đơn”

Ông Võ Thanh Tâm, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại VietOils (TP HCM) – chuyên cung cấp giải pháp khử mùi bằng tinh dầu thiên nhiên, cho biết sắp tung ra sản phẩm khử mùi tanh hải sản từ tinh dầu thiên nhiên dạng xịt tiện lợi. Đây là sản phẩm hợp tác 3 bên giữa Trường Cao đẳng Công Thương TP HCM, nhà sản xuất là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thủy Mộc Việt, VietOils là đơn vị phân phối sản phẩm ra thị trường.

“Là doanh nghiệp (DN) thuộc tốp 3 Việt Nam về giải pháp khử mùi nên khi được biết về dự án “Điều hương chất thơm khử tanh hải sản” của nhóm sinh viên Trường Cao đẳng Công Thương TP HCM, chúng tôi đã liên hệ ngay để hợp tác. Sản phẩm rất thiết thực dành cho các nhà hàng, quán ăn chuyên về hải sản hay các cửa hàng, quầy hải sản tươi sống, giúp khách hàng khử được mùi tanh hiệu quả” – ông Tâm nhận định.

Nhiều dự án khởi nghiệp của sinh viên được đánh giá khả thi tại cuộc thi do Trường Đại học Công nghệ Thực phẩm TP HCM tổ chức

Nguyễn Thị Minh Uyên, sinh viên năm 3 chuyên ngành hóa hữu cơ Trường Cao đẳng Công Thương TP HCM – đại diện nhóm khởi nghiệp dự án “Điều hương chất thơm khử tanh hải sản”, cho biết cả nhóm phải thử đi thử lại nhiều lần mới ra được công thức hoàn chỉnh cho sản phẩm. Từ những tinh dầu đơn như sả, chúc, bưởi, quế…, nhóm của Uyên với sự hướng dẫn của các thầy cô đã tạo ra được hỗn hợp tinh dầu có thể khử tanh tốt và lưu được mùi hương dễ chịu cho người dùng.

“Ban đầu khi nghiên cứu, cả nhóm chỉ hướng đến việc làm sao sản phẩm đạt được công dụng như mong muốn chứ chưa nghĩ đến bài toán thị trường. Khi có DN tham gia tư vấn, cả nhóm chọn lại nguyên liệu để bảo đảm tính khả thi, hạ giá thành, phù hợp với thị trường. Đơn cử, nhóm loại tinh dầu hoa ngọc lan ra khỏi thành phần bởi rất đắt đỏ, không phù hợp với sản phẩm” – Uyên dẫn chứng.

Theo Uyên, sinh viên khởi nghiệp rất có lợi thế khi được sử dụng phòng thí nghiệm của nhà trường, được DN tài trợ nguyên liệu và các thầy cô chỉ dẫn tận tình nên có cơ hội thử sức với khởi nghiệp mà không lo phải “trả giá” cao. Uyên cũng cho biết với sự quan tâm của các DN với dự án, nhóm sẽ tập trung vào khâu nghiên cứu phát triển sản phẩm, khâu thương mại sẽ để DN có kinh nghiệm phụ trách.

Nhiều dự án khả thi

Trước đó, vào đầu tháng 10, tại vòng chung kết cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp lần 3 – năm 2022” của Trường Đại học Công nghệ Thực phẩm TP HCM, chủ các dự án khởi nghiệp dù còn ngồi ghế nhà trường nhưng trình bày chuyên nghiệp không kém các dự án khởi nghiệp đã bắt đầu ra thương trường.

Đại diện nhà trường cho biết trong năm học 2022-2023 đã dành nguồn kinh phí 400 triệu đồng để hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Ngoài giải thưởng, tốp 12 dự án vào vòng chung kết tiếp tục được nhà trường phối hợp cùng mạng lưới các nhà lãnh đạo đối mới sáng tạo Leader Network, Hội đồng Tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia phía Nam bố trí đội ngũ mentor là các doanh nhân tham gia cố vấn cho các dự án trong vòng 12 tháng để các dự án tiếp tục được hoàn thiện và triển khai ra thực tế.

“Các nhóm sinh viên đã tận dụng tốt thế mạnh sẵn có của mình như chuyên môn đang theo học, sở thích, đam mê cá nhân, sự nhạy bén của tuổi trẻ… để tìm ra những nhu cầu thiết thực của người tiêu dùng và tìm cách giải quyết chúng, đem lại những giá trị tích cực cho xã hội” – đại diện nhà trường cho hay.

Ông Nguyễn Văn Ngà, Trưởng Ban Giám khảo cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp lần 3 – năm 2022”, cho hay nhiều dự án thật sự giải quyết nhu cầu thiết thực cho con người. Ví dụ, để bảo vệ trái cây khỏi hư hỏng, người ta dùng hóa chất để phun hoặc ngâm thì các sinh viên nghĩ ra được giải pháp màng bọc hữu cơ (từ tinh bột) rất an toàn. Các dự án như: “sữa lúa non”, bột bồ công anh, nhang muỗi từ bã gừng, mứt tần dày lá… có thể tiến xa nếu được cố vấn và ươm tạo thích đáng” – ông Ngà nhận xét.

Cũng theo ông Ngà, phong trào khởi nghiệp sinh viên đang có nhiều chuyển biến tích cực khi các trường đại học, cao đẳng thông qua sân chơi khởi nghiệp để ứng dụng các nghiên cứu vào sản xuất – kinh doanh. Các nghiên cứu không bị “cất tủ”. Các dự án của sinh viên có thầy cô đứng sau hỗ trợ, thậm chí hùn tiền đầu tư hoặc kêu gọi được các chủ DN, thường là cựu sinh viên của trường, tham gia đầu tư.