Đào tạo nhân sự nòng cốt cho các dự án Khởi nghiệp

27.4

Ông Tomi Sarkioja, tham tán ĐSQ Phần Lan, người đại diện dự án IPP đã có buổi trà lời phỏng vấn về nội dung “Đào tạo nhân sự nòng cốt cho các dự án khởi nghiệp”.


Thưa ông, là người đại diện cho dự án IPP và khóa đào tạo này, ông nhận xét gì về thế hệ trẻ cũng như các DN khởi nghiệp tại Việt Nam?

Theo quan điểm của tôi, tôi thấy giới trẻ Việt Nam có tiềm năng lớn cũng như có cơ hội rất lớn. Tôi thấy rằng Chính phủ Việt Nam cũng như các gia đình Việt Nam đều đầu tư rất nhiều cho giáo dục và họ luôn luôn tạo cho con em mình có nền tảng thật tốt. Tuy nhiên, liệu cái tiềm năng đấy đã được phát huy đầy đủ hay chưa? Tôi nghĩ là chưa, vì các bạn trẻ hiện đại nếu muốn xây dựng cho mình tương lai trong 10 năm nữa sẽ làm công việc gì? Ở đâu? Và như vậy thì các bạn sẽ phải thay đổi những gì, sẽ phải học hỏi những gì?

Tôi nghĩ để đảm bảo tương lai phát triển cho Việt Nam, đặc biệt là liên quan tới đổi mới sáng tạo – khởi nghiệp thì chúng ta phải bắt đầu ngay từ các bạn trẻ, ngay khi các bạn còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Các bạn phải tin tưởng rằng các bạn có đầy đủ khả năng, có cơ hội cũng như năng lực, bản lĩnh để có thể chấp nhận những rủi ro khi tham gia vào quá trình đổi mới sáng tạo cũng như khởi nghiệp.

Ông mong muốn điều gì từ những khóa đào tạo này?

Khi tổ chức một chương trình nào đó chúng tôi đều mong muốn sẽ thành công và chúng tôi đã thành công trong những bước đầu tiên, đó là đã lựa chọn được những người phù hợp có đủ tiềm năng để tham gia vào khóa đào tạo này. Khâu tiếp theo là sẽ quản lý và tổ chức vận hành như thế nào. Tôi kỳ vọng những người được chọn lựa lần này sẽ hỗ trợ lẫn nhau, cùng nhau thúc đẩy để biến những giấc mơ ý tưởng của họ trở thành hiện thực. Như các bạn thấy trong thế giới kinh doanh, chúng ta cần phải có đối tác, đồng nghiệp và chúng ta cần phải làm việc theo nhóm. Tôi hy vọng tất cả những người ở đây sẽ tạo thành nhóm bạn bè làm việc tốt với nhau, hoặc trở thành đối tác tốt. Từ đó có thể xây dựng nên một cộng đồng về đổi mới sáng tạo; từ đó có thể thúc đẩy sự phát triển và tăng trưởng của mọi người cũng như của xã hội.

Tôi hy vọng rằng sau khóa đào tạo này tất cả các giảng viên cũng như học viên của ngày hôm nay và sẽ là các giảng viên trong tương lai, sẽ tiếp tục truyền những kiến thức và khát vọng của họ cho nhiều người trẻ khác và truyền thêm sức mạnh về đổi mới sáng tạo cũng như trao cho họ kiến thức và kỹ năng phù hợp.

Như các bạn biết, tôi đến từ Phần Lan – khu vực nằm ở phía Bắc bán cầu có rất là nhiều tuyết, chúng tôi hiểu rất rõ về tuyết. Cũng giống như chương trình này chúng ta có thể tạo nên hiệu ứng quả bóng tuyết, nghĩa là càng lăn quả bóng sẽ càng lớn.

Những chính sách hỗ trợ của chính phủ Phần Lan tại Việt Nam cho chương trình đổi mới sáng tạo sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Chính phủ Phần Lan đã hỗ trợ chương trình hợp tác phát triển ở Việt Nam cũng như các quốc gia khác và chúng tôi cũng đã hỗ trợ việc đổi mới sáng tạo này không chỉ ở Việt Nam mà cũng ở nhiều quốc gia khác nữa. Chúng tôi tập trung ở nhóm các DN vừa và nhỏ với những kênh hỗ trợ khác nhau, ví dụ như thông qua nhiều tổ chức. Đây thực ra không phải là cách thức hợp tác phát triển truyền thống vì chủ đề ở đây là đổi mới sáng tạo, mà chúng tôi cố gắng để lập nên những quỹ đổi mới sáng tạo cũng như kêu gọi sự tham gia của chính phủ, trong đó chính phủ đóng vai trò rất quan trọng để tạo ra nền tảng, công cụ để chương trình đổi mới sáng tạo được phát triển. Tôi nghĩ, dự án IPP là một ví dụ điển hình rất tốt, minh chứng cho việc chính phủ có thể hỗ trợ gì, hoặc chính phủ có thể hiểu rõ quá trình đổi mới sáng tạo để từ đó sẽ tạo nên cơ sở, hành lang pháp lý cũng như tạo nên điều kiện thuận lợi cho khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo phát triển mà ở đây chính phủ đóng vai trò dẫn dắt và đưa ra lộ trình phát triển, từ đó đem lại lợi ích cho cộng đồng nói chung và toàn Việt Nam nói riêng, như tạo thêm công ăn việc làm cũng như thúc đẩy tăng trưởng từ các DN.

Khóa đào tạo mang tính thực tế cao và được kỳ vọng sẽ nhân rộng các
hoạt động đào tạo – thực hành về đối mới sáng tạo ở Việt Nam.

Kế hoạch đầu tư tiếp theo trong thời gian tới của dự án sẽ là gì, thưa ông?

Trong khuôn khổ hợp tác giữa Việt Nam và Phần Lan về chương trình IPP này chúng tôi có rất nhiều hoạt động khác nhau, trong đó chương trình đào tạo giảng viên nguồn ngày hôm nay là một trong những hoạt động của chúng tôi mà thôi. Chúng tôi đặt ra mục tiêu là có thể tạo ra công cụ, có thể thu hút sự tham gia của các bên khác nhau để tạo nên sự chuyển biến, sự tác động lâu dài, chúng tôi cũng sẽ hỗ trợ cho một số doanh nghiệp để có thể phát triển những ý tưởng đổi mới sáng tạo. Những hoạt động thứ nữa mà chúng tôi có thể hỗ trợ, đó là thành lập và hỗ trợ những tổ chức đổi mới sáng tạo ở các vùng. Những tổ chức này có thể hỗ trợ tiếp đến các doanh nghiệp tại các vùng này.
Với chương trình đào tạo giảng viên nguồn này sẽ giúp nâng cao năng lực của các đối tượng muốn tham gia vào lĩnh vực đổi mới – sáng tạo, khởi nghiệp. Bên cạnh đó, chúng tôi còn có chương trình đổi mới sáng tạo nữa đối với Bộ Khoa học & Công nghệ và hỗ trợ họ trong việc xây dựng công cụ pháp lý cũng như tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo. Tất cả những hoạt động này chúng tôi phải tiến hành đồng thời, diễn ra trong cả một quá trình triển khai. Chương trình đào tạo này là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ của dự án IPP.
 

Ông Chu Văn Thắng – cán bộ điều phối của IPP: mục tiêu của khóa đào tạo này trước hết là sẽ tạo ra những nhân sự nòng cốt để tiếp tục tham gia đào tạo các dự án của doanh nghiệp mà IPP sắp hỗ trợ, sau đó họ sẽ phát triển năng lực để đi tư vấn doanh nghiệp, đặc biệt là nhắm tới đối tượng là các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Tiêu chí của chương trình cũng đã được ban quản lý đưa ra, trình ban chỉ đạo duyệt, đó là hướng tới các bạn đam mê và muốn đi theo con đường huấn luyện các doanh nghiệp khởi nghiệp. Đây là mục tiêu lớn vì vừa là thách thức vừa là sự nghiệp, nghề nghiệp; bên cạnh đó, những bạn tham gia vào việc xây dựng các chương trình khởi nghiệp này thường xuất phát từ các doanh nghiệp tư nhân – đơn vị có chức năng đào tạo hoặc huấn luyện khởi nghiệp; từ các vườn ươm, các trung tâm thúc đẩy doanh nghiệp và từ các trường đại học. Ngoài ra, Bộ KH&CN đã cử các cán bộ có năng lực nằm trong tổ thư ký của lãnh đạo Bộ, từ đó sau khi tham gia khóa đào tạo các bạn có thể tham gia quá trình xây dựng chính sách của Bộ KH&CN, trong việc hỗ trợ chi tiết, định hướng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Khóa học là bước đầu thử nghiệm, rất quan trọng, đồng thời qui trình để đào tạo ra một cán bộ huấn luyện cho doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ đòi hỏi rất nhiều công phu của người đào tạo. Đây không phải là khóa học đại trà thông thường, càng nhiều học viên càng tốt mà người huấn luyện sẽ phải mất nhiều công lao cũng như thời gian để đào tạo, có nhiều tình huống phải cần một thầy một trò.

Khóa đào kéo dài 08 tháng, sau đó IPP sẽ căn cứ rất nhiều từ kết quả của khóa học để tiếp tiếp tục có các kế hoạch đào tạo phù hợp tiếp theo, trong đó sẽ có một số cán bộ đươc đưa về các trường đào tạo để giảng dạy, và như vậy chúng ta sẽ từng bước mở rộng qui mô. Mong rằng đây sẽ là bước khởi đầu để mọi người cùng làm và rút kinh nghiệm, tiến tới sẽ hỗ trợ hiệu quả hơn nữa cho các doanh nghiệp cũng như các cá nhân khởi nghiệp.

Hồng Hương