“Ý tưởng tốt là “Vốn” để kinh doanh”

27.1

Ngay tại Lễ Bế giảng khóa đào tạo miễn phí về khởi sự kinh doanh được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức tại trường ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (30/6), buổi giao lưu với các doanh nhân thành đạt đã được tổ chức thành công. Đây là một trong các hoạt động hỗ trợ giới trẻ khởi nghiệp của Chương trình Khởi nghiệp quốc gia.


Khách mời giao lưu là những doanh nhân thành công: Ông Đỗ Xuân Quang – nguyên Chủ tịch Hiệp Hội Giao nhận Vận tải Đông Nam Á; Chủ tịch Hiêp Hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam, Tổng giám đốc Vietjet Cargo; ông Hứa Phú Doãn – Chủ tịch CEOLink miền Nam, và ông Theerapong Ritmak – TGĐ SITTO Việt Nam (từ trái qua phải)

Ông Theerapong chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp với cấc bạn sinh viên.

Ông Đỗ Xuân Quang là một trong những doanh nhân của ngành logistics, một trong những ngành có vai trò như chiếc đòn bẩy của nền kinh tế. Ông là Doanh nhân Việt Nam đầu tiên được các doanh nghiệp khu vực Đông Nam Á tín nhiệm bầu chọn là Chủ tịch Hiệp hội Giao nhận vận tải Đông Nam Á. Ông đã có những chia sẻ về vai trò quan trọng của doanh nhân trong sự phát triển kinh tế của đất nước cũng như những triển vọng và thách thức của ngành logistics Việt Nam. Ông cho biết, ngành logistics Việt Nam đang có nhu cầu rất cao về nguồn nhân lực. Những sinh viên học ngành logictics sẽ được Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam ưu tiên giới thiệu thực tập tốt nghiệp và giới thiệu việc làm. Để làm tốt trong ngành này, sinh viên cần trang bị thêm ngoại ngữ.
Trao đổi về kinh nghiệm khởi nghiệp kinh doanh của mình, ông chia sẻ; “Các em cần có niềm đam mê, khi đã có niềm đam mê, thì theo đuổi nó đến cùng và có kế hoạch cụ thể để thực hiện ước mơ”.

Các em sinh viên còn được giao lưu với ông Theerapong Ritmak – một doanh nhân đến từ Thái Lan, đang sinh sống và kinh doanh rất thành công tại Việt Nam. Câu chuyện lập nghiệp của ông là câu chuyện thú vị. Vị doanh nhân Thái Lan chia sẻ: Khi bắt đầu khởi nghiệp, “vốn” quý nhất của ông chính là ý tưởng kinh doanh. Vì vậy, khi đã có ý tưởng kinh doanh tốt, thì việc tìm vốn để thực hiện ý tưởng không còn là vấn đề quá khó. Nếu dự án khả thi, các nhà đầu tư sẵn sàng đầu tư cho bạn. Nếu các bạn sinh viên có ý tưởng kinh doanh khả thi trong lĩnh vực nông nghiệp và có ý nghĩa xã hội, Công ty SITTO Việt Nam sẽ nhận đầu tư cho dự án đó.

Từ những kinh nghiệm bản thân, ông Theerapong đã rút ra 18 điều cần lưu ý, khi khởi nghiệp kinh doanh. Những kinh nghiệm của ông có sự kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực tiễn, đơn giản, dễ hiểu và dễ thực hiện, giúp cho sinh viên phòng tránh được nhiều rủi ro khi khởi nghiệp kinh doanh.

Đối với doanh nhân Hứa Phú Doãn, những kinh nghiệp quý báu nhất của ông khi khởi nghiệp thành công là việc xây dựng mối quan hệ, đây là yếu tố cực kỳ quan trọng và việc xây dựng quan hệ phải sinh viên được chuẩn bị từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Những buổi giao lưu với doanh nhân còn là cơ hội cho các em xây dựng mối quan hệ.
Các bạn sinh viên còn trao đổi thêm về kinh nghiệm chọn cổ đông, lựa chọn đối tác kinh doanh, kinh nghiệm vay vốn cùng nhiều vấn đề khác và đã được doanh nhân giải đáp thấu đáo.

Các Doanh nhân có chung kinh nghiệm, để khởi nghiệp thành công, điều đầu tiên các bạn trẻ phải có niềm đam mê, có ý tưởng kinh doanh và biết cách viết một đề án kinh doanh. Từ đề đề án kinh doanh đó, các em có thể tìm vốn thông qua các cuộc thi, như cuộc thi khởi nghiệp Quốc gia của VCCI. Đây là con đường rất tốt để biến ước mơ của các em trở thành hiện thực.

Ban Tổ chức, các doanh nhân khách mời và các bạn sinh viên chụp ảnh kỉ niệm.

Chương trình đào tạo Khởi nghiệp ở khu vực phía Nam sẽ không thể tổ chức được nếu không có sự đồng hành tài trợ của các doanh nhân, các nhà tài trợ là Công ty Vector Avition, Công Cổ phần Xi măng PICO Tây Ninh và các đơn vị đã đồng hành cùng chương trình là Cty SITTO Việt Nam, CEOLink miền Nam, Cty Toàn Phú Quý, Cty CP Giao nhận – Vận chuyển Mỹ Á; Cty CP Thái Minh chi nhánh Đồng Nai; Cty CP May túi xách Miti Minh Tiến, Tổng Công ty Hòa Bình Minh…

Nguyễn Thủy