50 học viên hoàn thành khóa huấn luyện Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo

50-hoc-vien-hoan-thanh-khoa-huan-luyen-khoi-nghiep-doi-moi-sang-tao

khoinghiepphianam.com Vừa qua, Ban tổ chức Khóa huấn luyện Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dành cho giảng viên nguồn đã tổ chức bế giảng Khóa huấn luyện và trao giấy chứng nhận cho 50 học viên hoàn thành khóa huận luyện.

Khóa huấn luyện đã thu hút 50 học viên là các doanh nhân, các giảng viên tại các trường Đại học, Cao đẳng khu vực phía Nam, cùng với các thành viên của Hội đồng Tư vấn và Hỗ trợ Khởi nghiệp Quốc gia phía Nam. Trải qua 05 ngày tham gia khóa huấn luyện (28/10 – 01/11), các học viên đã được bổ sung thêm nhiều kiến thức về Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như: Tư duy khởi nghiệp; Khởi nghiệp tinh gọn và công cụ khởi nghiệp tinh gọn; Khách hàng và thị trường, đánh giá các giả định; Sản phẩm, kiểm chứng tuyên ngôn giá trị; Tài chính và gọi vốn; Scale Up- Growth Companies -Tăng trưởng công ty; Các công cụ khởi nghiệp tinh gọn…

Nhà báo Phạm Ngọc Tuấn (bìa trái) – Tổng Biên tận Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp trao Giấy chứng nhận hoàn thành khóa huấn luyện cho các học viên.

Nhà báo Phạm Hùng (thứ 2, bên phải) – Phó Tổng biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp trao Giấy chứng nhận cho học viên.

Kết thức Khóa huấn luyện, Ban tổ chức đã tổ chức một buổi Giao lưu cà phê Khởi nghiệp, các học viên đã được nghe các huấn luyện viên, các doanh nhân, các startup chia sẻ về những thành công, thất bại trên con đường khởi nghiệp cũng như áp dụng những kiến thức từ các khóa học vào thực tiễn của các doanh nghiệp.

Chia sẻ tại buổi Giao lưu cà phê Khởi nghiệp, Nhà báo Phạm Ngọc Tuấn – Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, Phó Trưởng ban tổ chức Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia cho biết, đây là khóa huấn luyện Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dành cho giảng viên nguồn đầu tiên mà Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia thực hiện tại khu vực phía Nam.

Ông Phạm Ngọc Tuấn chia sẻ với 5 ngày đào tạo những kiến thức của khóa đào tạo chưa mang lại cho các học viên thật sự nhiều nhưng cũng phần nào giúp các học viên nắm bắt được những kiến thức về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Nhà báo Phạm Ngọc Tuấn – Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, Phó Trưởng ban tổ chức Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia chia sẻ tại buổi bế giảng khóa huấn luyện.

Ông Tuấn cũng mong rằng, sau khóa huấn luyện này sẽ có thêm nhiều những hoạt động nữa để cùng nhau trao đổi về các hoạt động của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại khu vực phía Nam.

Ông Tuấn chia sẻ, cách đây 2 năm, ông cũng đã tham gia một khóa học về đổi mới sáng tạo đầu tiên. Khi xong khóa học này, Hội đồng đổi mới sáng tạo của Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, (nay là Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp) ra đời và kết quả là trong đợt khủng hoảng COVID-19 vừa qua, tất cả hệ thống báo chí đều lâm vào khủng hoảng. Nhưng Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp vẫn duy trì được sự tăng trưởng và sự suy giảm không đáng kể, trong đó, có khoảng 25% doanh số mới được tạo ra từ các sản phẩm mới.

“Tôi rất tâm đắc định nghĩa của một cuốn từ điển kinh doanh “Đổi mới sáng tạo là một quá trình biến các ý tưởng, phát minh thành các dịch vụ, hàng hóa mà khách hàng phải trả tiền cho các sản phẩm, hàng hóa đó”. Có nghĩa là mình phải luôn luôn nghĩ ra những gì mới, khác hơn để bán được hàng, và đấy cũng chính là đổi mới sáng tạo”. Nhà báo Phạm Ngọc Tuấn chia sẻ.

Chia sẻ về con đường khởi nghiệp của mình, chị Nguyễn Thị Hoàng Anh – Giám đốc Công Ty TNHH Đào tạo Phát triển Nguồn nhân lực và Hướng nghiệp JobWay cho biết, chị bắt đầu khởi nghiệp từ hơn một năm qua và từ chính những sai lầm của bản thân mình, cũng như nhiều sinh viên là học một ngành, nhưng khi ra trường lại đi làm một công việc không phù hợp với bản thân mình.

Chị Nguyễn Thị Hoàng Anh (ngồi giữa) – Giám đốc Công Ty TNHH Đào Tạo Phát Triển Nguồn Nhân Lực Và Hướng Nghiệp JobWay chia sẻ về con đường khởi nghiệp của mình tại buổi Giao lưu cà phê Khởi nghiệp.

“Điều may mắn đối với tôi là những người tôi quen biết đa phần đều là những chuyên gia về tâm lý và hướng nghiệp, do đó, khi tôi trao đổi với họ về vấn đề này thì họ cũng đều nhận ra rằng đây là một vấn đề lớn và cần phải được giải quyết cho xã hội. Tôi cũng thường gặp những bạn trẻ chọn lựa ngành học theo mong muốn của bố mẹ, hay theo trào lưu là ngành này sẽ kiếm được nhiều tiền sau vài năm nữa. Chính vì những câu chuyện như thế nên tôi mới quyết định xây dựng một ứng dụng hướng nghiệp trên điện thoại”, chị Hoàng Anh chia sẻ.

Nói về những khó khăn trong quá trình khởi nghiệp, chị Hoàng Anh cho rằng, chị chưa bao giờ dám nghĩ mình là một doanh nhân, vì theo chị, hai từ “Doanh Nhân” nó thật sự rất cao quý và thường dành cho những người đã thành công trên thương trường, đã mang lại những giá trị thực chất cho xã hội. Còn với chị, quá trình khởi nghiệp của mình mới chỉ là một đam mê và giải quyết một vấn đề dựa trên những kiến thức mà mình có. Do vậy, chị cho rằng trong quá trình khởi nghiệp của mình sẽ vẫn còn nhiều khó khăn.

“Trong 5 ngày theo học khóa huấn luyện này, tôi cảm thấy rất tâm đắc, trong giai đoạn này là một giai đoạn tôi cảm thấy có nhiều sự chông chênh nhất, vì khi mình đã ra được sản phẩm rồi, mình hiểu được khách hàng cần gì rồi. Nhưng mình vẫn chưa có được một mô hình cụ thể, rõ ràng để có thể mang lại nguồn doanh thu để tự chủ cho doanh nghiệp của mình. Trong khóa học này, tôi cũng đã có nhiều cơ hội để cùng trao đổi và học hỏi được rất nhiều từ những anh chị doanh nhân đi trước và tôi cảm thấy vững tin hơn trên con đường khởi nghiệp của mình”. Chị Hoàng Anh chia sẻ thêm.

Tương tự, anh Lưu Hoàng Minh Khoa – Founder Công ty CP GAFOCO từng tốt nghiệp Đại học Y Dược Cần Thơ và làm giảng viên và có thời gian làm trình dược viên cho các công ty dược đa quốc gia. Anh Khoa chia sẻ, khi được phân công giảng dạy môm Kinh tế Dược, anh không biết sẽ bắt đầu như thế nào vì bản thân mình là một dược sĩ nên không biết nhiều kiến thức về môn mình được phân công. Để có được kiến thức phục vụ cho việc giảng dạy, anh đã tìm đọc rất nhiều sách về kinh tế, trong những cuốn sách mà anh từng đọc có một cuốn sách về Khởi nghiệp (Quốc gia Khởi nghiệp), viết về khởi nghiệp của Israel.

Anh Lưu Hoàng Minh Khoa (bìa trái) – Founder Công ty CP GAFOCO chia sẻ tại buổi cà phê Khởi nghiệp.

“Khi đọc xong cuốn sách này, tôi cảm thấy “đau” cho ngành nông nghiệp của nước nhà, tại sao chúng ta có một rừng vàng, biển bạc, đất đai thì phì nhiêu, mà bây giờ không còn gì hết, rừng thì trơ trọi, đất đai thì sơ hóa. Do đó, tôi đã ấp ủ một ước mơ là nếu có cơ hội tôi sẽ làm một startup về nông nghiệp. Và Công ty CP GAFOCO, chuyên về giải pháp nông nghiệp của tôi ra đời khi tôi gặp được những người bạn cũng đam mê về nông nghiệp trước đây cùng học tại Đại học Y Dược Cần Thơ”, anh Khoa chia sẻ.

Anh Khoa cho rằng, nếu như anh được tham gia khóa học như thế này từ 2 năm về trước, thì anh sẽ không bị “te tua” như hiện nay. Tuy nhiên, mỗi một việc đều có cơ duyên của nó, những thất bại mà anh đã trải qua, anh cho rằng “có tiền cũng không thể mua được”.

Theo anh Khoa, những kiến thức khởi nghiệp mà anh đã học được trong khóa học này, khi áp dụng vào thực tiễn doanh nghiệp, cần phải biết được nỗi đau của khách hàng là gì? và nỗi đau của người nông dân là gì? để mà giải quyết vấn đề đó.

“Một trong những nỗi đau của người nông dân mà tôi đã nhận ra được sau rất nhiều thất bại trong nông nghiệp, đó là người nông dân chưa có những loại giống được quy chuẩn hóa mà họ chỉ sử dụng các loại giống bán tràn lan ngoài thị trường. Nếu sử dụng giống không đúng quy chuẩn thì sẽ có thể làm hư mùa màng của người nông dân mà không có cách nào có thể cứu vãn được. Vấn đề thứ hai mà người nông dân gặp phải hiện nay là phân bón và thuốc BVTV giả. Do đó, chúng tôi đang nghiên cứu để sản xuất những loại phân bón phù hợp cho từng loại cây trồng, đồng thời chế tạo những loại thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học và từ thảo dược để giúp cho sản phẩm được an toàn hơn với người tiêu dùng”. Anh Khoa cho biết thêm.

Bà Võ Thị Phương Lan – Chủ tịch Hội đồng Tư vấn và Hỗ trợ Khởi nghiệp Quốc gia phía Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Giao nhận Vận tải Mỹ Á cho biết, những kiến thức từ khóa đào tạo này có thể ứng dụng được cho tất cả những doanh nhân đang kinh doanh, giảng viên đang giảng dạy tại các trường đại học, những giảng viên giảng dạy cho các startup tương lai và những người làm mentor cho các dự án khởi nghiệp.

Bà Lan chia sẻ, bà rất tâm đắc với câu nói của tỷ phú Jack Ma “Là doanh nhân đừng bao giờ bỏ cuộc, hôm nay là ngày khó khăn, ngày mai là ngày tồi tệ, nhưng ngày kia sẽ là ngày tươi sáng”.

“Từ khi nghe câu nói ấy thì nó ám ảnh trong đầu tôi và tôi bắt đầu tìm đọc những cuốn sách viết về tỷ phú Jack Ma. Và tôi thấy rằng, mình phải làm sao để hợp tác được với tập đoàn này để đưa thương mại điện tử về áp dụng cho Công ty của mình. Tôi có một may mắn là được học rất nhiều kiến thứ bài bản của các lớp TOT, vừa đi học, vừa nghiên cứu, vừa đi hướng dẫn. Từ những kiến thức tích lũy được này, tôi đã ứng dụng và viết được một đề án hoàn chỉnh, đúng với những yêu cầu và vượt qua 60 công ty để là doanh nghiệp logistics duy nhất trở thành đối tác của tập đoàn Alibaba tại Việt Nam vào tháng 10/2018”. Bà Võ Thị Phương Lan chia sẻ.

Bà Lan cho rằng, giá trị lớn nhất mà bà cũng như các thành viên trong Hội đồng Tư vấn và Hỗ trợ Khởi nghiệp Quốc gia phía Nam nhận được là một nền tảng kiến thức thực sự vững vàng, đủ niềm tin, đủ cơ sở vững chắc để xây dựng đề án cho bản thân doanh nghiệp của mình. Từ đó, mới chia sẻ được cho cộng đồng và cho xã hội.