Năm 2016 có thể coi là một năm thành công của những startup Việt gọi vốn triệu USD từ các quỹ đầu tư như Ví điện tử Momo, Tiki, GotIt!…
MoMo nhận đầu tư 28 triệu USD
Ngày 17/3/2016, Ví điện tử MoMo đã nhận được khoản tiền đầu tư trị giá 28 triệu USD từ Quỹ đầu tư Standard Chartered Private Equity và Ngân hàng đầu tư Toàn cầu Goldman Sachs. Nguồn đầu tư mới này được sử dụng để đẩy mạnh phát triển sự hiện diện của MoMo trên toàn quốc, phát triển các dịch vụ và mở rộng hệ sinh thái (Ecosystem).
MoMo là một ứng dụng thanh toán qua di động, hoạt động dưới dạng Ví điện tử của Công ty Cổ phần Dịch vụ Di động Trực tuyến (viết tắt M_Service), được cấp phép chính thức vào ngày 16/10/2015. Theo đó, tiền trong tài khoản ví MoMo có giá trị 100% tiền thật và bảo chứng bởi ngân hàng. Điều đó đồng nghĩa với việc khách hàng có thể rút tiền ra khỏi tài khoản MoMo. Hiện MoMo cũng là ví điện tử duy nhất tại Việt Nam cho phép người dùng rút tiền khỏi tài khoản.
Ứng dụng Ví điện tử MoMo cho phép chuyển nhận tiền qua số điện thoại di động, đồng thời còn hỗ trợ nhắc và thanh toán hóa đơn điện, nước, internet, nạp tiền điện thoại, thẻ game, mua vé máy bay, vé xem phim… Hiện MoMo liên kết với 24 ngân hàng nội địa và thẻ thanh toán quốc tế Visa, Master, JCB, cung cấp 100 dịch vụ từ thanh toán hóa đơn điện, nước, Internet; thanh toán vay tài chính tiêu dùng; mua vé xem phim, vé máy bay, cho tới bình chọn các gameshow truyền hình…
Với hệ thống hơn 4.000 điểm giao dịch, MoMo được trải khắp 45 tỉnh, thành phố trên toàn quốc, có mặt cả ở khu vực nông thôn (hầu như ở mỗi huyện/xã đều có 1 điểm giao dịch, và ở thành phố cứ cách 500m lại có một cửa hàng MoMo). Hệ thống này giúp khách hàng nạp/rút tiền, thanh toán hóa đơn/dịch vụ… vô cùng tiện lợi và nhanh chóng.
Tiki được VNG đầu tư 18 triệu USD
Theo thông tin tài chính do VNG công bố, đầu tháng 1/2016, công ty này đã quyết định mua 3,71 triệu cổ phiếu, tương đương 38% cổ phần của Tiki. Số tiền mà công ty đã giải ngân cho thương vụ này lên đến 383 tỷ đồng (tương đương khoảng 18 triệu USD), giá mua vào khoảng 103.000 đồng/cổ phiếu, gấp 10 lần so với mệnh giá. Đây được coi là khoản đầu tư “khủng” so với mặt bằng chung của thị trường, nhất là khi hàng loạt trang thương mại điện tử đã phải cay đắng rời bỏ thị trường do thua lỗ, trong đó có cả những trang thương mại điện tử của VNG như 123mua hay Zing Deal. Thương vụ này cũng tăng mức định giá Tiki lên 1.000 tỷ đồng (tương đương 45 triệu USD).
Tiki được thành lập từ năm 2010, cung cấp các sản phẩm sách, điện thoại… Một số quỹ đầu tư khác như Seedcom, CyberAgent cũng được cho là có cổ phần của Tiki. Tuy nhiên, theo những thông tin mới đây, chỉ tính riêng trong quý III/2016, Tiki đã lỗ khoảng 78,1 tỷ đồng. Còn nếu tính từ khi nhận đầu tư của VNG, Tiki lỗ khoảng 157 tỷ đồng sau 8 tháng. Phản ứng lại trước những thông tin này, trả lời trên báo chí, ông Trần Ngọc Thái Sơn, CEO Tiki không tỏ ra lo lắng và cho rằng, số tiền này dùng để đầu tư dài hạn cho hệ thống hạ tầng kho bãi, đội ngũ giao hàng, hệ thống thanh toán trực tuyến… đúng với lộ trình, mục tiêu đề ra cho tương lai phát triển bền vững của Tiki… Thực tế, sau khi nhận vốn đầu tư của VNG, Tiki đã mở rộng rất nhanh danh mục sản phẩm của mình, thay vì định vị là bán sách online như trước, Tiki đã mở rộng ra bán tới 100.000 sản phẩm và nay là 300.000 sản phẩm.
Vntrip gọi được đầu tư 3 triệu USD
Trong số các quỹ đầu tư nước ngoài đầu tư vào Vntrip, dẫn đầu là các quỹ Fenghe Group và Hancock Revocable Trust (F&H). Vntrip.vn là nền tảng đặt phòng khách sạn trực tuyến của Việt Nam cho phép người dùng chọn phòng, thanh toán và lấy xác nhận phòng ngay từ website của Vntrip hoặc từ ứng dụng di động. Hệ thống mới chạy thử nghiệm từ đầu năm 2016 nhưng đã thu hút được lượng khách hàng vượt mức trông đợi của đội ngũ phát triển.
Thành quả đầu tiên là việc đơn vị này đã chính thức ký kết hợp đồng hợp tác chiến lược với Booking.com, chủ sở hữu hệ thống đặt phòng khách sạn lớn nhất thế giới thuộc Tập đoàn Prriceline của Mỹ. Thông qua ký kết hợp tác này, Vntrip đã trở thành công ty đầu tiên của Việt Nam được cấp quyền truy cập vào mạng lưới khách sạn của Booking.com trên toàn thế giới với 880.000 khách sạn ở hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có gần 5.000 khách sạn tại Việt Nam. Tuy nhiên, đầu tháng 12/2016, ông Lê Đắc Lâm, CEO Vntrip đã lên tiếng tố cáo công ty đối thủ Agoda trốn thuế. Theo ông Lâm, việc tố cáo này sẽ tác động đến truyền thông cũng như cơ quan chức năng và tạo thêm động lực cho các doanh nghiệp nội địa tự tin hơn trong việc nói ra những khó khăn của mình. Chưa rõ vụ việc sẽ ra sao nhưng những giải pháp ứng dụng như Vntrip đang nở rộ tại Việt Nam.
Ngoài Ví điện tử MoMo, trang web thương mại điện tử Tiki, ứng dụng GotIt!, trong năm 2016 còn có một số dự án startup khác nhận đầu tư với số tiền triệu USD như Hellomam, công ty chuyên cung cấp thực phẩm sạch mới được đầu tư 4 triệu USD, hay GotIt!, ứng dụng giáo dục giúp người dùng (chủ yếu là học sinh, sinh viên) tìm lời giải đáp, hướng dẫn cho các bài tập của mình một cách nhanh chóng qua smartphone, đã gọi vốn 9 triệu USD từ Quỹ đầu tư Capricorn.
Theo Infonet